|
Bà Tạ Thị Nam Hồng (thứ 5 từ trái sang) - Phó tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM - trao quà tết cho phụ nữ nghèo Q. Phú Nhuận |
Người không có Tết
Nặng nhọc bước thấp bước cao bởi khuyết tật ở chân, bà Nguyễn Thị Phải (SN 1941, P.4, Q. Phú Nhuận) bước vào căn phòng với sự hỗ trợ của các cán bộ Hội Phụ nữ phường. Có lẽ bộ quần áo bà đang mặc trên người là bộ quần áo đẹp nhất, bởi đối với bà, sáng hôm nay là một ngày quan trọng - ngày bà nghỉ bán để đi nhận quà tết.
Nhưng việc cố gắng ăn mặc trang trọng vẫn không giúp bà xóa hết những vết than lấm tấm nơi vạt áo, gấu quần. Chuyện trò cùng những người có mặt trong hội trường, bà Phải ít nói, chỉ thỉnh thoảng đưa tay lên dụi qua dụi lại vài cái để đôi mắt nhìn rõ hơn. Rồi bất ngờ, bà mếu máo khi nghe ai đó hỏi chuyện gia đình: “Vẫn bán cô ơi! Còn sức còn làm chớ ngồi đó lấy chi ăn”.
Nhà neo đơn, mỗi ngày, cùng người chồng chuẩn bị bước sang tuổi chín mươi, bà Phải ra chợ Phú Nhuận ngồi bán than. Cũng nhờ người thương, mỗi ngày hai ông bà bán được tám mươi ký đến một tạ than; số tiền lời mỗi ký một ngàn đồng cũng chỉ đủ để mỗi tháng, hai ông bà trả tiền thuê căn phòng ọp ẹp trong con hẻm nhỏ nơi góc đường Phùng Văn Cung, Q. Phú Nhuận. Số ít ỏi còn lại chắt chiu cơm nước qua ngày.
Vậy nên, khi nghe ai đó khoe quà tết ngoài một giỏ nặng, còn có thêm 500.000 đồng tiền mặt, đôi mắt bà sáng lên. Hai tay chụm lại trước ngực như đứa trẻ với niềm háo hức sắp nhận được món quà mong ước, bà hỏi đi hỏi lại như không tin đó là sự thật: “Thiệt hả cô? Tới 500.000 lận hả cô? Tui không ngờ nhiều vậy!” rồi cười mà nước mắt ứa ra.
Cùng trong hội trường với bà Phải là những người đàn bà thân hình gầy gò, khuôn mặt chằng chịt nếp nhăn trong những bộ y phục cũ kỹ. Nước da tái nhợt khi leo lên mấy bậc cầu thang để bước vào hội trường, chị Nguyễn Thị Hạnh (SN 1967, P.17, Q. Phú Nhuận) ôm ngực thở hổn hển.
Người đàn bà qua năm lần sinh đẻ, thêm căn bệnh hở van tim, rồi mấy lần vào ra bệnh viện xạ trị khối u đại tràng dường như đã làm cạn kiệt cả thể lực lẫn kinh tế gia đình. Bức tranh xám ngắt của một gia đình nghèo bên kia dòng kênh thành phố hiện lên qua câu chuyện sẻ chia của chị em giữa những phút giây đợi chờ.
Bao nhiêu năm chị chiến đấu với bệnh tật là cũng chừng ấy năm chồng chị chạy xe ôm cắc củm từng đồng, bốn đứa con đang tuổi ăn học, đứa con lớn với một gia đình riêng cũng giật gấu vá vai nên việc giúp đỡ mẹ cha chỉ là mơ ước. Hơn chục năm qua, gia đình chị Hạnh hụt hơi chạy ăn từng bữa, dám mơ chi đến tết. Hỏi tết nay nhà chị có gì, cười thật hiền, chị đáp: “Quà nhận được cái gì thì tết nhà tui là cái đó”.
Những chuyến xe trao hơi ấm
Buổi trao quà tết đã xong mà bà Hoàng Thị Thân (74 tuổi, ngụ khu phố 4, P. Bình Trưng Tây, Q.2) cứ tần ngần chưa chịu về với túi quà to đựng hạt nêm, dầu ăn, gạo, sữa, bánh... Ngồi cạnh bên, bà Trần Thị Ly (76 tuổi, ngụ khu phố 6, P. Cát Lái) đang tỉ mẩn cất chiếc bao thư đựng 500.000 đồng vào túi trong rồi kẹp kim tây lại cẩn thận dưới hai làn áo. Số tiền này đủ để bà Thu thuốc thang cả tuần cho người chồng bị tai biến nằm một chỗ đang ở nhà đợi bà.
Sống ở khu tái định cư, hai bà đều đông con, các con lập gia đình rồi ra riêng với cuộc sống làm thuê làm mướn. Tuổi già chật vật mưu sinh với công việc buôn bán vỉa hè. Vậy mà hoàn cảnh hai bà có vẻ “còn đỡ” hơn bà Nguyễn Thị Thu (69 tuổi, ngụ khu phố 2, P. Bình Trưng Đông). Các con trai ra riêng, vợ chồng bà giữ lại căn nhà xập xệ với người con gái út Nguyễn Thị Thanh Tâm đã 28 tuổi mà “nuôi hoài hông chịu lớn”.
Tâm câm điếc bẩm sinh, một lần bị dụ dỗ đi chơi rồi có thai. Đứa cháu ngoại giờ đã 8 tháng tuổi lại làm nặng thêm dáng lưng còng của bà Thu hằng ngày đẩy xe hủ tíu bán dạo. Nhìn vào túi quà vừa nhận, Tâm liên tục chỉ vào các hộp sữa. Chắc là để cho con...
|
Niềm vui của phụ nữ nghèo, nữ công nhân, lao động xa xứ khi cầm trên tay những phần quà tết |
Những mảng màu xám tối mà ở đó, cái khó bó người ta đến tận cùng khi nỗi lo toan về đói nghèo, bệnh tật hằn sâu trên mỗi khuôn mặt, mỗi cảnh sống. Ai biết được rằng, trong những ngày cuối năm tấp nập, rộn rã này vẫn có những gia đình giữa lòng thành phố chẳng dám nghĩ đến tết.
Bởi thế nên những chuyến xe mang quà xuân của Báo Phụ Nữ lại tiếp tục lăn bánh trên khắp các ngả đường với mong muốn chia sẻ chút hơi ấm mùa xuân đến với những hoàn cảnh khó khăn, như lời bà Tạ Thị Nam Hồng - Phó tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM nói trong xúc động khi trao tận tay những phần quà tết đến phụ nữ nghèo: “Món quà tuy nhỏ, nhưng nặng nghĩa tình. Nó là sự chung tay góp sức của cả tập thể chúng tôi cùng những nhà hảo tâm suốt bao năm đồng hành với mong muốn sẻ chia chút hơi ấm mùa xuân để người người, nhà nhà ai cũng có một cái tết an vui, ấm áp”.
Chưa biết được tết này có về quê (huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ) để ăn tết cùng gia đình và thăm đứa con nhỏ đang gửi bà ngoại trông coi hay không, nhưng chị Công Thị Sương đang làm công việc bảo mẫu tại Trường Huỳnh Văn Ngỡi, P. Thảo Điền, Q.2 cũng như hàng trăm nữ lao động xa xứ cảm thấy ấm áp khi cầm trên tay món quà mùa xuân của báo. “Xa quê, những phần quà cuối năm thế này khiến chúng tui đỡ tủi thân khi năm hết, tết về”, chị tâm sự đầy xúc động.
Hàng trăm món quà đã được trao tận tay những phụ nữ nghèo, công nhân đi làm xa quê. Tuy nhiên, những chuyến xe của Báo Phụ Nữ TP.HCM vẫn không dừng lại ở địa bàn thành phố mà sẽ còn xuôi ngược lên vùng biên giới Tây Ninh, ra tận miền Trung nghèo khó để sẻ chia một mùa xuân yêu thương với người nghèo.
Ngày 30/1, Báo Phụ Nữ TP.HCM bắt đầu chương trình “Xuân yêu thương - Tết nghĩa tình” với gần 1.300 phần quà nhằm chia sẻ khó khăn với người dân nghèo. Chương trình chăm lo tết của Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ kéo dài đến ngày 9/2, không chỉ tại các quận, huyện trong địa bàn thành phố mà còn mang sự chia sẻ đến bà con nghèo tại huyện Bến Cầu, Châu Thành (tỉnh Tây Ninh) và huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam).
Mỗi phần quà trị giá 1 triệu đồng gồm nhu yếu phẩm, lịch tết, báo xuân và 500.000 đồng tiền mặt với mong muốn chia sẻ chút hơi ấm của tập thể báo và những nhà hảo tâm đến với người dân khi tết đến xuân về
|
Thu Lê - Từ Nhân