Chia đất, thêm tình

28/07/2024 - 11:58

PNO - Ba má triệu tập các con về trong một ngày cuối tuần với lý do: ký tên chia đất. 5 anh em có mặt ở nhà vào buổi chiều với nụ cười tươi rói trên môi.

Anh Hai đi lên đi xuống cười nói: “Lần này ba má chơi lớn quá.” Anh Ba thì tủm tỉm chọc mấy em: “Lần này ấm rồi nghen!”.

Chị Tư chạy lăng xăng lo trà nước, chị Năm vui vẻ nấu cơm chiều cho đại gia đình. Cậu Út lo sửa sang cái vòi nước trong nhà tắm cho ba má.

Chiều tối cơm nước xong xuôi, cả nhà quây quần quanh bộ bàn đá trước nhà. Má mở lời trước: “Hôm nay ba má dứt khoát chia đất sang tên cho tụi con luôn cho yên tâm. Lỡ ba má có chuyện gì thì không phải lo chuyện chia chác đất đai này nữa".

Ba từ tốn: “Tao với má mày tính rồi. Đất đai ông bà nội để lại chia qua cho các con thì mỗi đứa cũng được kha khá. Nhưng ba má không thể chia đều vì phải căn cứ vào tình hình cụ thể của từng đứa”. Anh Hai con cả, lẽ ra ở nhà thờ theo ý ông bà nội, nhưng anh lập nghiệp xa, từ chối thừa kế nhà thờ nên ba má cho 6.000 mét vuông đất nông nghiệp, anh Ba 5.000 mét, Út 5.000 mét, 2 con gái mỗi người 2.500 mét.

Lý do cho con gái ít đất được ba đưa ra là gia đình làm nông nhưng đã cố gắng vay mượn tiền bạc để lo cho 2 con gái đi học đại học ở Sài Gòn. 2 anh trước đây làm lụng vất vả dồn sức phụ ba má lo cho các em ăn học. Giờ đây chị Tư, chị Năm đều có công ăn việc làm ổn định, nhà cửa đàng hoàng. Út cũng được học hành nhưng giờ cuộc sống chưa ổn định nên được chia bằng các anh. Căn nhà và mảnh đất vườn rộng hơn 5.000 mét được ba má giao lại cho Út và Út chỉ nhận sau khi ba má qua đời.

Nghe xong, anh Hai chậm rãi: “Con nhận 5.000 mét thôi, phần 1.000 mét còn lại ba má cho thằng Út đi. Cuộc sống nó còn long đong, nhà cửa chưa ổn định”.

Anh Ba cũng là “công thần” trong nhà, trước đó đã được má cho phần riêng của má, nên cũng đóng góp ý kiến: “Cho Út nhiều chút đi ba má, tụi con không so bì đâu!”.

Chị Tư nói: “Con bao nhiêu cũng được, miễn có miếng đất của ông bà và biết ba má có nghĩ về con gái là vui rồi". Chị Năm cười: “Đất của con có nhường thêm cho Út hay anh Ba con cũng vui. Anh em tụi con biết lòng ba má là đủ rồi”.

Cậu Út nãy giờ ngồi lặng im, giờ mới lên tiếng: “Đất vườn, nhà cửa của ba má tụi con coi như của chung, sau này có sa cơ lỡ vận hay muốn về quê dưỡng già thì 5 anh em tụi con cùng nhau san sẻ".

Ba cười khà khà, má rạng rỡ nhìn đàn con tóc đã bạc nhiều, ông bà gợi ý: “Sáng mai má nấu cháo lòng đãi cả nhà mình”.

Anh Ba xung phong sáng thức sớm ra chợ canh lòng heo ngon nhất để mua. Chị Năm dành phần: “Để con nấu!”. Chị Tư chạy lăng xăng châm nước cho cả nhà. Cậu Út cười ha ha: “Nhận có nhiêu đất mà vui dữ Tư!”.

Anh Hai tủm tỉm: “Đất còn lại của ba má ở khu trên kia ba má chia cho 4 đứa em con hết đi, con không nhận nữa đâu!”.

Xong việc chia đất, mấy anh em xúm lại kể chuyện làm ăn, chuyện con cái đi học cho ba má nghe. Cả đêm hôm đó, 5 anh em quây quần bên ba má nhắc nhớ chuyện xưa.

“Hồi đó con đi học không có tiền ăn bánh như bạn, lỡ chôm của má mấy lon gạo đi xóm trên bán”, anh Ba gãi đầu khai.

Anh Hai gạt ngang: “Mày đâu bằng tao, tao đẩy cả giạ lúa của ba má đi nhà máy xay xát rồi bán luôn, chơi bida đã đời. May mà ông nội với ba má không ai biết, không tao chết chắc!”.

Chị Năm bẽn lẽn: “Em thì trộm trứng gà lận lưng quần bán lấy tiền ăn cà rem". Cả nhà cười muốn tung nóc. Chị Tư ngơ ngác: “Cuối cùng chỉ mình em là hiền, không biết chôm chỉa gì của bá má, đi học bụng đói meo, nhìn bạn ăn bánh thèm chảy nước miếng”.

Thằng Út không "khai" gì, nhưng ai cũng biết nó có thành tích “bất hảo” là mê đá gà. Cũng may là những thói xấu của mọi người chỉ… phát huy trong thời niên thiếu. Nhờ ba má theo sát uốn nắn kịp thời, nếu không bây giờ chẳng thể có được buổi họp mặt chia đất êm đềm như thế này.

Má nhìn đàn con đã trưởng thành của mình thật lâu, cảm khái nói với ba: “Gia đình mình được như vầy, tôi yên lòng lắm rồi ông ơi”. Ba cười: “Tụi nó phải giống ba má nó chứ. Tui với bà ăn ở có đức mà!”.

Tiếng cười rộn rã khắp nơi. Buổi sáng trước khi đi, anh Hai hứa: “Vài ngày nữa con về". Khi lên xe, anh còn ngoái đầu dặn chị Năm đang đứng ở cửa: “Lần sau về nhớ nấu nồi bún mọc nghen em. Anh mê món đó!”.

D.An

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI