Chia đất, chia nhà, chia cả… tình thân

05/12/2023 - 06:01

PNO - Ông bà Sáu gần 90 tuổi, lủi thủi trong căn nhà nhỏ cất tạm sau vườn; bà Hai, 104 tuổi (cùng ngụ ở huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai), vừa ra đi trong cảnh hiu quạnh là cảnh tôi chứng kiến khi về Gia Lai mới đây. Tình thân của gia đình họ bị chia rẽ theo nhà, đất.

 

Đông con cháu nhưng cuối đời nhiều người già không thể bình an (Ảnh minh họa)
Đông con cháu nhưng cuối đời nhiều người già không thể bình an (Ảnh minh họa)

Đổi nhà hay giành nhà ba mẹ?

Cuối tháng Mười, tôi có dịp gặp lại ông bà Sáu - từng được nhiều người trong xóm khen là “có phước khi đông con cháu”. Ông bà Sáu có 7 người con (4 trai, 3 gái) và 15 đứa cháu trai, gái đủ cả. Thế nhưng, khi nghe câu chuyện ông bà kể, tôi giật mình tự hỏi “là phước hay họa?”. Ông Sáu nói: “Cả tháng nay, con cháu chẳng đứa nào về thăm. Tụi nó nói bận, nhưng tôi biết anh em nó giận nhau, giận vợ chồng tôi nên không tụ tập như trước nữa”. 

Trước đây, cứ mỗi dịp cuối tuần là cả xóm rôm rả, xuýt xoa “nhà ông bà Sáu đông vui” khi con cháu tựu về ăn uống, hát hò cả ngày. Cả 7 người con của ông bà đều thành đạt; đặc biệt là cậu con trai cả tên Huy, làm giám đốc một công ty lớn. Nhưng từ sau khi bị bể nợ trắng tay, anh Huy về cầu cứu ba mẹ.

Thương con, ông bà Sáu đành cầm cố căn nhà mặt tiền trị giá hơn 2 tỉ đồng, vay được 800 triệu đồng cho anh Huy trả nợ. Ông bà già không có lương hưu, chỉ túc tắc bán mì Quảng kiếm được không tới 200.000 đồng/ngày mà phải xoay xở đủ đường để trả lãi ngân hàng. Cố được chừng 1 năm, hết khả năng trả nợ, ông bà phải nhờ đến đứa con trai thứ ba, tên Hiến, có tiệm sửa đồ điện, cũng khá giả.

Nhưng anh Hiến ra điều kiện: anh trả nợ 800 triệu đồng ngân hàng thì ông bà Sáu phải đổi nhà cho anh. Ông bà ở căn nhà nhỏ phía sau vườn, để lại căn nhà mặt tiền cho vợ chồng Hiến làm ăn, anh đưa thêm cho ông bà 200 triệu đồng. Hết cách, ông bà đành chấp nhận phương án này.

Với nét mặt buồn giận, ông Sáu kể: “Nhà có bao nhiêu đất đai, tôi đã chia cho các con không thiếu đứa nào, chỉ giữ lại căn nhà đó, vừa ở vừa buôn bán lặt vặt kiếm tiền đi chợ. Vậy mà, nó cũng toan tính lấy luôn”. Nếu căn nhà sau vườn thuộc sở hữu của mình thì ông bà Sáu đã không giận như vậy.

Thực tế, căn nhà này anh Hiến đã bán lại cho cô em út tên Hiền trước đó với giá 800 triệu đồng, nhưng 2 anh em bàn nhau không cho ba mẹ biết. Hiền ra điều kiện, chỉ trả Hiến 600 triệu đồng, giữ lại 200 triệu đồng mà Hiến hứa đưa ba mẹ sau khi đổi nhà. Số tiền này xem như Hiền mượn lại và hằng tháng đưa tiền chợ cho ông bà Sáu. Mỗi tháng, ông bà Sáu nhận 2 triệu đồng con gái út đưa mà lòng buồn rười rượi. 

“Khi biết sự thật, tôi giận lắm! Nhưng con cái đứt ruột đẻ ra, không lẽ cha mẹ đi kiện con mình! Đáng buồn hơn là những đứa con khác không hiểu chuyện, tưởng vợ chồng tôi thiên vị thằng Huy, Hiến rồi lạnh nhạt, thờ ơ với ba mẹ. Con cái chúng nó cũng hùa theo ba mẹ, không thèm về thăm ông bà. “Năm thuở mười thì” tụi nó mới đưa con về thăm 1 lần vì sợ hàng xóm bàn tán; nhưng cũng đi từng gia đình riêng chứ anh em nó ít gặp nhau đông đủ” - ông Sáu thở dài. 

Nghe tiếng chồng thở dài, bà Sáu nhìn ông với vẻ ái ngại, nói: “Tuổi gần đất, xa trời rồi mà nhìn cảnh con cháu rời rạc, lạnh nhạt, tôi với ông ấy ăn cơm mà nuốt không trôi. Ổng luôn than tủi thân già khi hằng tháng phải ngửa tay nhận tiền con gái út phát cho”. Nhìn cảnh bà Sáu mắt mờ (do đã mổ 2 lần) mà lọm khọm lo cho ông Sáu (bị đau khớp, huyết áp cao), hàng xóm không khỏi chạnh lòng cảnh “nước mắt chảy xuôi”, mong gì chảy ngược…

Hợp lý, vẹn tình mới ổn

Cũng cùng đợt về quê này, tôi đến thắp hương cho bà Hai cùng xóm vừa qua đời. Dù bà đại thọ 104 tuổi, những người đến viếng buồn cho bà khi nhà đông anh em (tất cả 9 người) mà bà Hai lại ra đi trong cô độc. Chỉ có 1 đứa con gái nuôi tên Hoa kề cận bên linh cữu bà những giây phút cuối; còn các anh em bà Hai đến thắp hương rồi về, cứ như… người lạ ghé thăm. 

Tôi hỏi thì được biết, anh em bà Hai “quay lưng” lại với bà vì bà lập di chúc để lại căn nhà cho chị Hoa - con gái nuôi của bà, mà không cho anh em. Nhìn căn nhà cấp 4 cũ kỹ, diện tích chưa tới 60m2, trong nhà chẳng có gì ngoài mấy chiếc ghế nhựa, nhiều người lắc đầu ngao ngán: “Tình thân nhẹ hơn chút tài sản này sao?”. 

Đã vậy, cậu em kế của bà Hai là ông Ba (năm nay 89 tuổi) còn giữ khư khư sổ đỏ căn nhà, không chịu đưa cho chị Hoa. Ai cũng biết trước sau căn nhà này thuộc sở hữu của chị Hoa theo di chúc của bà Hai, nhưng khó chấp nhận hành động của ông Ba. Trước lúc tạ thế, bà Hai đã trải qua 2 năm đau bệnh nằm liệt giường, chỉ có mỗi chị Hoa chăm sóc.

Trước áp lực từ ý kiến của anh em bên chồng bà Hai, đến ngày mở cửa mả cho bà Hai, ông Ba đã buộc phải giao lại sổ đỏ cho chị Hoa, nhưng kèm điều kiện “nhà này chỉ ở và thờ phụng bà Hai, không được bán”. Chứng kiến cảnh này, nhiều người cười trong bụng, đồn nhau: “Ông Ba không có quyền, cũng chẳng rành luật. Không có tình thì cũng phải hiểu lý chứ”.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Trong nhiều trường hợp, dù cho - nhận tài sản đúng lý, theo luật, nhưng nếu không vẹn tình thì cũng dẫn tới những bất hòa không đáng có trong gia đình. Như gia đình ông bà Bảy (ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) có 6 người con (4 trai, 2 gái). Khi ông mất (năm 68 tuổi), cậu con trai thứ tư tên Tân làm luật sư, bàn tính với mẹ và 3 anh còn lại chia đất.

Theo thứ tự, anh hai và em trai út được nhận đất mặt tiền; Tân và anh trai thứ ba được 2 lô đất kế tiếp, có vườn rộng cả ngàn mét vuông; 2 cô em gái được 2 lô đất sau vườn. Lúc chia, Nhà nước có kế hoạch làm đường chạy ngang qua khu vườn 2 lô đất giữa. Nhưng đến nay, đường vẫn chưa mở nên 2 căn nhà giữa vườn không có lối đi riêng. Anh em ra, vào nhờ cổng nhau. Lúc vui thì dễ, nhưng khi buồn thì chuyện “ra, vô chó sủa ồn ào” khiến tình cảm anh em xích mích. Có hôm, cậu em út say xỉn còn khóa cửa, không cho 2 anh đi nhờ. 

Chứng kiến cảnh trên, bà Bảy buồn mà không biết thổ lộ cùng ai. Chưa hết, vì nhà đất đứng tên các con bà Bảy nên 4 cô con dâu hậm hực, “mặt nặng mày nhẹ” với cả chồng và mẹ chồng. Ấm ức “về làm dâu, sinh con cháu cho họ mà chẳng được tài sản gì”, gia đình các con bà Bảy cũng chẳng hạnh phúc, bà càng rầu thêm.  

Luật sư Nguyễn Hữu Tự - Trưởng văn phòng luật sư Hữu Tự - cho biết, qua tiếp nhận nhiều vụ việc, có không ít trường hợp tranh chấp tài sản dẫn tới bất hòa gia đình: cha mẹ, con cái, anh chị em, họ hàng từ nhau... Nghiêm trọng hơn, thực tế có nhiều vụ tranh chấp tài sản kéo dài, dẫn tới sự việc đáng tiếc như đâm, chém, giết người... Như vụ án con gái đổ xăng đốt nhà mẹ đẻ dẫn tới 3 người chết ở Hưng Yên, bị xử 22 năm 6 tháng tù giam, mới đây là hồi chuông cảnh báo về tranh chấp tài sản trong gia đình. 

Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thừa kế rất chi tiết. Các đương sự liên quan cần nắm rõ quy định này, sẽ tránh việc tranh giành tài sản giữa họ hàng thân thuộc với nhau. 

Để chia tài sản, thừa kế hay cho tặng tài sản thấu tình, đạt lý, cần phải đảm bảo quyền lợi cho các thành viên liên quan theo quy định pháp luật và đảm bảo tính công bằng, xét ở khía cạnh hoàn cảnh gia đình của từng thành viên, công sức nuôi dưỡng người để lại di sản, trách nhiệm thờ cúng của người quản lý tài sản... Thỏa thuận, hòa giải với nhau để kết nối được tình cảm các thành viên trong gia đình. Để có thể hòa giải được mâu thuẫn, tránh tranh chấp tài sản, những người liên quan cần nắm rõ quy định pháp luật về chia thừa kế tài sản; quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp. Đồng thời, cần tìm những điểm chung dễ thống nhất; người có uy tín, tiếng nói trong gia đình, dòng họ đứng ra hàn gắn và lựa chọn thời điểm thích hợp để trao đổi, giải quyết vấn đề, hàn gắn tình cảm gia đình.

Luật sư Nguyễn Hữu Tự

Nguyễn Cẩm

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Ngư Hồ 06-12-2023 18:40:36

    Con người sống hiện đại, nhưng đạo đức lại đi xuống.Ngày xưa không dám làm điều gì phật ý cha mẹ, thấy cha mẹ không vui là lo sốt vó.Bây giờ những giá trị truyền thống bị xem nhẹ, và họ lập luận cho là cổ hủ.Đồng tiền luôn có 2mặt.Biết sử dụng là tích cực, không thì là tiêu cực.Buồn!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI