...cũng có những chị em, không có nghề nghiệp nào là “đặc quyền” riêng của phái mạnh. Họ làm. Họ quyết tâm. Họ vượt qua mọi trở ngại. Đôi khi chỉ vì trót yêu...
Báo Phụ nữ xin giới thiệu cùng bạn đọc ba gương mặt.
Chị Nguyễn Thị Kim Anh - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghệ Tin học Đất Việt: Mỗi lần muốn từ bỏ, lại nghĩ đến thuở bắt đầu
Năm 1997, Nguyễn Thị Kim Anh từ Quảng Nam vào Sài Gòn lập nghiệp, ôm giấc mơ trở thành nữ hộ sinh - ngành chị được đào tạo bài bản. Thế nhưng, cuộc đời luôn xuất hiện những ngã rẽ bất ngờ. Chính thái độ của người hộ sinh lâu năm đã đưa Kim Anh đến với ngành kế toán tài chính, rồi bén duyên ngành công nghệ thông tin.
Tiệm linh kiện của cô gái hộ sinh
Có lẽ, Nguyễn Thị Kim Anh ngày ấy cũng không hình dung công nghệ thông tin sẽ trở thành một nghề mang đến cho chị nhiều hứng khởi để gắn bó và lên thác xuống ghềnh đến vậy.
|
Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Mọi chuyện bắt đầu từ một sự liều lĩnh đáng yêu khi chị gom hết số vốn vỏn vẹn 5 triệu đồng, năn nỉ người chủ cho thuê khất nửa tháng tiền nhà, mở cửa hàng buôn bán linh kiện máy tính, máy in và camera trên đường Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM. Gọi là cửa hàng nhưng diện tích chỉ đặt được vỏn vẹn một cái tủ trưng bày, bên trong vừa một người đứng, thêm vài chiếc thùng chứa hàng xếp chồng lên nhau. Ấy vậy mà qua bàn tay trưng bày khéo léo của Kim Anh, cửa hàng lúc nào cũng mang vẻ chuyên nghiệp và thu hút khách.
Từ một cửa tiệm nhỏ, nhờ sự chịu thương chịu khó của Kim Anh, Đất Việt dần lớn mạnh, mở rộng thêm hai chi nhánh, tấp nập khách. Số lượng linh kiện nhập về gấp mấy trăm lần ngày mới mở tiệm, nhân viên nói cười nhộn nhịp thay vì chỉ có bà chủ tiệm đứng ở quầy hàng.
Những năm cuối thập niên 2000, thị trường dù vẫn còn rất sôi động, Kim Anh đã nhìn thấy trước được tương lai bão hòa và bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc chuyển hướng. Hai năm chuẩn bị, lấy đà và lấy can đảm, năm 2010, Đất Việt chính thức chuyển đổi từ mô hình kinh doanh phụ kiện sang tích hợp giải pháp hệ thống camera quan sát, tổng đài điện thoại, hội nghị truyền hình, hệ thống mạng, cung cấp hạ tầng IT, phần mềm quản lý camera (đây là phần mềm do Đất Việt tự viết, hỗ trợ nhận diện gương mặt, báo cáo theo ngày giờ tháng năm, khoanh vùng báo đột nhập bằng hình ảnh qua điện thoại), camera đánh giá độ hài lòng của khách hàng, công nghệ smart six chuyên sản xuất cánh tay robot hỗ trợ sản xuất…
Chính vì sự chu đáo và liên tục cập nhật, đổi mới, khách hàng của Đất Việt trải dài khắp các lĩnh vực, từ công ty tài chính, ngân hàng cho đến thương mại sản xuất, từ chính phủ, trường học cho đến hệ thống camera giao thông…
Hỏi bí quyết cạnh tranh của Kim Anh với những tập đoàn lớn, chị trả lời với sự tự tin của một phụ nữ giỏi nghề và biết rõ hướng đi của công ty: “Ngành công nghệ thông tin tuy rộng lớn nhưng đa phần các công ty lớn mới làm được các giải pháp tích hợp. Công ty lớn có lợi thế về sự chuyên môn hóa, về nguồn lực nhưng cũng có bất lợi. Để một vài vị trí then chốt ở bộ phận IT đưa ra tổng thể cho khách hàng thì họ không làm được mà cần rất nhiều người. Trái lại, công ty nhỏ linh hoạt hơn. Một người có thể nắm được nhiều việc. Trong quá trình tư vấn cũng dễ dàng tiếp cận khách hàng, hiểu khách hàng hơn và đưa ra giải pháp toàn diện, phù hợp sát sườn với nhu cầu thay vì kéo cả một đoàn quân đi mà mỗi người chỉ có một góc nhìn phiến diện.
Lợi thế của Đất Việt trong 18 năm qua ở lĩnh vực này là nắm rõ từ thiết bị nhỏ nhất đến thiết bị tổng hợp của từng hãng và tư vấn sát với yêu cầu của khách, từ đó mang đến cho khách hàng giải pháp phù hợp”.
Hạnh phúc là bằng lòng với hiện tại
Thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào đã rất khó. Thành công trong lĩnh vực công nghệ - vốn được mặc định dành riêng cho nam giới - càng vất vả trăm bề. Thế nhưng, chị Kim Anh đã làm được.
Trong các buổi thuyết trình, trong các cuộc hội nghị khách hàng, mỗi khi xuất hiện, chị luôn giành được ánh mắt thiện cảm và nể phục từ những đồng nghiệp nam. Bởi chị không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn là một phụ nữ mềm mỏng, nhẹ nhàng, toát lên nét đẹp của sự viên mãn.
“Làm kinh doanh, ai mà không áp lực, nhất là trong ngành công nghệ, sự đào thải và cập nhật là liên tục. Thách thức sẽ không bao giờ dừng lại. Nhưng hạnh phúc chính là bằng lòng với hiện tại. Tôi ngộ ra, mình phải sống cho thực tại, phải hạnh phúc ngay thời điểm này, có vậy mới tạo được một quá khứ hạnh phúc mỗi khi nhìn lại. Và cách của tôi là không cố hiểu quá sâu những gì người ta nói zích-zắc, cũng không giận ai quá 5 phút dù đôi khi tôi gặp những việc khó kiềm chế được cảm xúc”, chị Kim Anh chia sẻ.
*Phóng viên: Chọn lĩnh vực vốn dĩ thuộc về nam giới nhiều hơn, điều gì đã giữ chân chị lại với nghề này, ngoài từ “đam mê”?
- Chị Nguyễn Thị Kim Anh: Sự cạnh tranh trong ngành IT thực sự rất khốc liệt mà nếu yếu tim, có lẽ không ai có thể chịu nổi. Thời điểm công ty tôi còn làm công việc phân phối linh kiện thì việc cạnh tranh trên từng xu, tỷ giá chênh lệch thôi cũng khiến tôi đau đầu. Đôi khi tôi tự hỏi, tại sao mình lại chọn cái ngành vét chất xám khủng khiếp để rồi cuối cùng trả giá nhau từng đồng như vậy. Vừa chua xót vừa cay đắng, thương mình. Chồng tôi thấy tôi vất vả quá cũng kêu tìm việc khác mà làm. Nhưng nghề cũng chính là nghiệp, đâu thể nói bỏ là bỏ ngay được.
Tôi cứ gắng từng chút, từng chút một. Mỗi lần muốn từ bỏ, tôi lại nhớ đến những ngày mình mới bắt đầu. Hồi đó khó vậy, không có gì trong tay mà mình còn làm được thì tại sao bây giờ lại bỏ. Rồi cứ thế, hôm nay tôi cố hơn hôm qua một chút.
Ở giai đoạn chuyển giao, thấy được sự diệu kỳ của công nghệ trong việc mang lại lợi ích cho nhiều người, tôi càng thêm yêu nghề và quyết tâm. Mỗi dự án được khởi sự, tôi đều dồn hết tâm sức vào đó, đôi khi không ngủ liền hai, ba đêm để cố gắng hoàn thành.
Tiêu chí đầu tiên của chúng tôi là đề xuất giải pháp công nghệ đáp ứng về lâu dài, để khách có thể sử dụng ít nhất 5, 10 năm thay vì chỉ dùng được 2, 3 năm rồi phá đi vì đầu tư một hệ thống rất tốn kém.
* Giả sử không làm công nghệ thì chị sẽ làm gì?
- Làm đẹp. Tôi nghĩ phụ nữ nào cũng thích làm đẹp, phải thế không? Hoặc làm gì đó liên quan đến công việc chăm sóc sức khỏe. Nhưng đó chỉ là chuyện giả sử. Vì công nghệ với tôi có một ma lực vô cùng hấp dẫn, càng làm càng yêu.
Gần đây, tôi bắt đầu nghĩ đến lượng kiến thức mình tích lũy trong quá trình khởi nghiệp và làm việc, nếu không chia sẻ nó cho sinh viên thì thật lãng phí. Do đó, tôi vẫn muốn được mở lòng và mang đến cho những ai đang cần nó.
* Bận rộn như vậy, từ việc công ty, hoạt động thiện nguyện cho đến chăm sóc gia đình nhưng trông chị luôn trẻ trung, tươi tắn. Bí quyết của chị là gì?
- Tôi nghĩ nếu sống mà không biết buông bỏ thì khó lắm. Sống làm sao để bản thân cảm thấy thoải mái nhất, đừng lo nghĩ làm như vậy có được hay không, có đúng hay không hay mãi phán xét bản thân. Còn trong gia đình ư? Mình là phụ nữ mà. Hãy học cách yêu thương bản thân bằng việc chăm sóc mình, từ những bí quyết nho nhỏ, hữu hiệu mà không mất quá nhiều thời gian.
Theo tôi, đẹp không phải để làm dáng, để giữ chân chồng mà là để giúp mình thêm tự tin. Giữa người với người, kính trên nhường dưới là bài học tôi luôn mang theo và dạy các con mình.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
(còn tiếp
Hoàng Linh Lan (thực hiện)