Chỉ trong hai ngày, giá heo thịt tăng 10.000 đồng/kg

04/03/2020 - 07:04

PNO - Nhiều chủ trang trại nuôi heo ở miền Đông Nam bộ cảnh báo, rất dễ xảy ra một cuộc khủng hoảng thiếu thịt heo trong thời gian tới nếu nhà quản lý ngành không có biện pháp phù hợp.

Giá heo tăng "nóng"

Lượng heo thịt về chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) rạng sáng 3/3 khoảng 5.800 con, nhưng lượng heo nhỏ (60-80kg/con) lên đến 2.200 con. Theo một số đầu mối, giá heo ba ngày gần đây tăng “nóng”. Giá heo hơi được thương lái nhập vào 71.000 đồng/kg nhưng chỉ sau một ngày, giá tăng lên 75.000 đồng/kg.

Tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Trà Vinh, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, trong vòng bốn ngày qua, giá heo hơi tăng thêm từ 5.000-6.000 đồng/kg, hiện mức giá bán bình quân trên 75.000 đồng/kg.

Giá heo thịt bất ngờ tăng vọt trong vài ngày qua
Giá heo thịt bất ngờ tăng vọt trong vài ngày qua

Một đầu mối kinh doanh heo tại chợ Hóc Môn cho biết, ngày 2/3, Công ty CJ Vina thông báo giá bán heo mới áp dụng từ ngày 3/3 là 77.000 đồng/kg (loại heo cái ba máu, hai máu) và 75.000 đồng/kg. Ngay lập tức, giá heo tại các tỉnh miền Đông Nam bộ đồng loạt tăng lên mức 78.000-79.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá heo hơi nuôi nhỏ lẻ trong dân ở các tỉnh miền Bắc như Hưng Yên, Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ hiện đã lên mức 85.000-86.000 đồng/kg, có những vùng sắp chạm mốc 90.000 đồng/kg, mức tăng bình quân khoảng 10.000 đồng/kg trong vài ngày và đà tăng chưa có dấu hiệu dừng lại. 

Từ giữa tháng Hai, sau khi Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi các doanh nghiệp chăn nuôi lớn giữ ổn định giá heo hơi bán ra, cùng với sức mua trên thị trường giảm, giá heo hơi hạ xuống bình quân 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khoảng 4-5 ngày nay, giá heo hơi bất ngờ tăng vọt.

Nguyên nhân được cho là nguồn cung giảm, nhu cầu sử dụng thịt heo có dấu hiệu tăng khi học sinh tại nhiều địa phương trở lại trường học, các bếp ăn tập thể, nhà hàng, quán ăn mở cửa lại. Thêm vào đó, nguồn thịt heo nhập khẩu giảm và không loại trừ khả năng thương lái gom heo để chuẩn bị xuất đi Trung Quốc.  

Theo chủ các doanh nghiệp, việc giảm giá heo hơi bán ra xuống mức 75.000 đồng/kg theo lời kêu gọi của chính phủ (giá thị trường trên 85.000 đồng/kg) không có tác dụng điều tiết giá cả đối với thị trường. Thực tế, giá heo hơi giảm mạnh trong nửa cuối tháng Hai là do nhu cầu sử dụng giảm. Khi nhu cầu của thị trường tăng lên, giá heo hơi tăng mạnh. Chưa hết, việc giảm giá heo hơi hiện nay của một số doanh nghiệp lớn đã tạo ra tình trạng đầu cơ, gây bất ổn thị trường.

Doanh nghiệp khó bình ổn giá

Đại diện một doanh nghiệp cho biết, do giá heo hơi tại các doanh nghiệp bán ra thấp hơn thị trường 4.000-7.000 đồng/kg nên xảy ra tình trạng thương lái mua gom heo của các doanh nghiệp, bán lại các đầu mối để hưởng chênh lệch. Không những vậy, còn có hiện tượng thương lái găm hàng khiến nguồn cung sụt giảm, dẫn đến giá tăng. Đơn cử, hiện giá heo hơi của C.P Việt Nam bán ra 75.000 đồng/kg, heo đực 73.000 đồng/kg, nhưng thương lái mua ra khỏi cổng trang trại liền bán lại với giá 85.000 đồng/kg, lãi tới 10.000 đồng/kg.


 

Giá thịt heo có thể tiếp tục tăng cao khi trường học tại các thành phố lớn mở cửa trở lại
Giá thịt heo có thể tiếp tục tăng cao khi trường học tại các thành phố lớn mở cửa trở lại

Ông Lê Xuân Huy -  Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam - cho biết, trong mấy ngày qua, thương lái ở miền Bắc tăng mạnh thu mua và C.P Việt Nam xuất bán số lượng heo tăng lên. Từ sau tết Nguyên đán đến nay, C.P Việt Nam xuất bán bình quân mỗi ngày 17.000 con heo. Mấy ngày qua, lượng heo mà công ty xuất bán tăng lên gần 70% so với trước, nhưng việc tăng số lượng bán ra lúc này chỉ là giải pháp tình thế và cũng sẽ không kéo dài được lâu, vì một mình C.P Việt Nam không thể bình ổn được thị trường.

Lãnh đạo nhiều bộ ngành cho rằng, giá thịt heo tăng góp phần làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hai tháng đầu năm liên tục tăng. Do đó, để điều chỉnh chỉ số CPI, cần phải điều chỉnh giá thịt heo. Ngay sau đó, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi các công ty điều chỉnh giá thịt heo xuống mức 65.000-75.000 đồng/kg. 

Theo các chuyên gia kinh tế, việc áp đặt giá theo kiểu hành chính như vậy dẫn đến nhiều tiêu cực. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, đó là cách điều hành duy ý chí, gây tác hại rất lớn cho nền kinh tế. Cần phải xác định nguyên nhân tăng giá. Nếu nguyên liệu nuôi heo và nguyên liệu các mặt hàng sản xuất tăng giá thì giá đầu ra phải tăng. Đây là nguyên nhân khách quan, nên để thị trường quyết định; việc can thiệp giá theo kiểu áp đặt sẽ triệt tiêu sản xuất, khiến doanh nghiệp và người nông dân nản lòng. Còn nếu giá đầu vào không tăng nhưng đầu ra tăng do đầu cơ thì phải ngăn chặn một cách triệt để.

Nên để thị trường quyết định giá

Tại các nền nông nghiệp phát triển như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, cơ quan quản lý chỉ quan tâm khi giá nông sản dưới giá thành sản xuất và có biện pháp hỗ trợ nông dân. Nhật Bản là quốc gia hỗ trợ 80% phần lỗ vốn đối với một số nông sản, vì sản xuất nông nghiệp có những đặc thù so với các ngành công nghiệp khác: năng suất và sản lượng bị giới hạn bởi đặc tính sinh học. Một con heo nái sản sinh được khoảng 27-28 con heo thịt/năm, heo con nuôi thịt phải mất 24 tuần mới đạt trọng lượng 100kg để xuất chuồng. Nông dân không thể chủ động tăng giảm sản lượng trong một thời gian ngắn như ngành công nghiệp.

Mặt khác, người sản xuất không thể đầu cơ nông sản tươi sống bằng cách gom hàng, bán phá giá hay nâng giá trong một thời gian dài, vì không thể dự trữ heo như thóc, gạo. Điều này cho thấy, nông hộ và cả doanh nghiệp chăn nuôi heo ở Việt Nam không phải là đối tượng “làm giá” heo trên thị trường mà do khâu phân phối, tức các thương buôn. Ở Việt Nam, từ chuồng trại đến tay người tiêu dùng, giá heo chênh lệch đến 25-45% do phải qua nhiều tầng lớp trung gian.

Để không xảy ra một cuộc khủng hoảng thiếu thịt heo trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nên để cung - cầu thị trường quyết định giá cả. Các cơ quan chức năng cần xác định về tình hình dịch bệnh hiện nay để có những chỉ đạo kịp thời, giúp người chăn nuôi sớm tái đàn. Ngoài nhập khẩu một lượng thịt (heo, bò, gà) vừa đủ để bù vào số thiếu hụt của thị trường, cần có biện pháp tăng tiêu dùng tạm thời dùng các loại thực phẩm thay thế thịt heo. Các cơ quan chức năng nên cùng với các doanh nghiệp chăn nuôi, phân phối hình thành nên chuỗi cung - cầu phù hợp, giảm bớt tầng lớp trung gian. 

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI