Chị tiểu thương giỏi bán buôn và chăm làm việc thiện

19/12/2022 - 20:12

PNO - Gắn bó với chợ Bình Triệu (TP Thủ Đức, TPHCM) hơn 25 năm qua, chị Phạm Thị Hoanh (54 tuổi) đã chứng kiến những đổi thay từng ngày của ngôi chợ.

Chị kể, lúc mới bước chân vào con đường kinh doanh buôn bán vợ chồng chị chỉ có 2 chỉ vàng. Trước đó, họ từ Đồng Nai lên TPHCM kiếm sống, vợ làm công nhân may, chồng làm thợ điện, dựng nhà tranh vách lá ở tạm trên đất người quen. Còn bây giờ, “nhìn vào nhà mình, ai cũng khen vợ chồng mình giỏi, nhưng tụi mình đã đi một hành trình dài đầy chông gai, căn nhà khang trang hiện tại cũng đã qua 6 lần sửa và nâng cấp” - chị hồn hậu. 

Vợ chồng chị Hoanh sắp xếp hàng trong sạp nhằm chuẩn bị cho cao điểm bán tết
Vợ chồng chị Hoanh sắp xếp hàng trong sạp nhằm chuẩn bị cho cao điểm bán tết

Lúc mới ra chợ bán quần áo, chưa có vốn, chị Hoanh chỉ che dù, trải bạt, mùa mưa nước ngập lênh láng, vừa bán vừa lo. Một thời gian sau, chị thuê chỗ và dời sạp vào nhà lồng. Đến năm 2010 thì thuê được sạp chợ kiên cố. Từng làm công nhân may, nên khi được Hội LHPN phường cho vay vốn, chị liền mua máy may rồi tự thiết kế và may các mẫu mã trang phục đem ra chợ bán. Những ngày cuối tuần, chị giao chồng coi sạp, còn mình thì đạp xe đến những nơi vui chơi đông người để quan sát, tìm hiểu về xu hướng thời trang của giới trẻ để về lên ý tưởng thiết kế trang phục. Công việc buôn bán, may vá, cơm nước, đưa đón 3 đứa con đi học… khiến mỗi ngày chị Hoanh đều phải chạy như con thoi đến 10-11 giờ đêm. Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ mà chị đã mua được đất, cất được nhà và làm ăn ngày càng phát triển. Hiện tại chị thuê 3 nữ thợ may để công việc bớt vất vả hơn. 

Tôi ghé chợ Bình Triệu vào lúc vợ chồng chị Hoanh đang sắp xếp lại hàng hóa. Chị khoe đã thuê thêm 2 sạp trước mặt tiền chợ để đủ chỗ bày hàng. “Mấy năm dịch bệnh hoành hành, việc kinh doanh gặp khó, nhưng tôi may mắn được Hội LHPN tiếp sức, giới thiệu vay 30 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế nên có điều kiện đầu tư, chuẩn bị nhiều mặt hàng cho dịp tết Nguyên đán sắp tới” - chị Hoanh chia sẻ. 

Năm 2015, chị Hoanh làm Chi hội phó Chi hội Phụ nữ chợ Bình Triệu, đã cùng với dì Nguyễn Thị Thanh Hương - Trưởng ban quản lý kiêm Chi hội trưởng phụ nữ chợ - kiên trì vận động chị em sử dụng túi thân thiện. “Việc kêu gọi chị em dùng túi thân thiện ban đầu rất khó khăn. Nhưng nhờ kiên trì và khéo léo rủ rê nên tình hình được cải thiện dần. Bây giờ thì số lượng tiểu thương chọn sử dụng túi tự hủy tăng lên từng ngày” - chị Hoanh cho biết. 

Chị Lê Ngọc Tuyền - Chủ tịch Hội LHPN phường Hiệp Bình Chánh - thông tin, không chỉ khéo làm ăn và tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, chị Hoanh còn được bà con địa phương thương quý bởi tấm lòng nhân ái, luôn hết mình vì cộng đồng. Nhiều năm qua, chị là thành viên tích cực thực hiện “Suất cơm từ thiện Bình Triệu”. Mồng Một và ngày rằm hằng tháng, chị em tiểu thương chợ Bình Triệu lại góp tiền thực hiện 350 suất ăn phát miễn phí cho bà con nghèo. Chị Hoanh cũng kêu gọi chị em tiểu thương trong chợ cùng góp tiền, góp sức để đi xây nhà tình thương, xây cầu giao thông nông thôn, tặng quà, học bổng cho bà con nghèo và học sinh vượt khó học giỏi ở những vùng khó khăn. Đầu năm 2022, chị thành lập mô hình “Chăm sóc sức khỏe chủ động”, mỗi sáng pha sữa ngũ cốc cho tiểu thương trong chợ cùng uống. Chị cũng đã mời thầy về dạy khiêu vũ, dưỡng sinh cho chị em và duy trì việc tập luyện vào 3 buổi tối hằng tuần. 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI