Chi tiêu ngày tết - làm sao để không “thủng túi”?

06/02/2021 - 06:30

PNO - Có quá nhiều khoản chi phát sinh trong những ngày tết mà nếu chúng ta không tính toán trước rất dễ dẫn đến thâm hụt ngay những ngày đầu năm.

Một số chuyên gia tài chính cá nhân khuyên mọi người cần lập kế hoạch chi tiêu dịp tết, bằng cách gom hết số tiền mình có rồi viết những khoản cần phải chi tiêu ra. 

Ví dụ, nếu hai vợ chồng có tổng số tiền thưởng tết là 40 triệu đồng, thì chỉ nên lập kế hoạch chi tiêu trong khoảng 20 - 25 triệu đồng. 10 triệu để dành chi tiêu sau tết, còn năm triệu là khoản dự phòng các phát sinh bất ngờ trong và sau tết. Nếu không có khoản dự phòng này, sẽ rất khó xoay xở khi có nhu cầu phát sinh. 

Mua sắm thực phẩm tại các chợ đầu mối là một cách tiết kiệm hiệu quả vì già các sản phẩm thường rẻ hơn rất nhiều so với chợ lẻ
Mua sắm thực phẩm tại các chợ đầu mối là một cách tiết kiệm hiệu quả vì già các sản phẩm thường rẻ hơn rất nhiều so với chợ lẻ

Tiết kiệm các chi phí không cần thiết bằng cách tự làm hoa trang trí, tận dụng sản phẩm từ các năm trước, tự làm các loại mứt đơn giản, giò chả, gói bánh chưng… Việc này có thể giúp bạn tiết kiệm được một khoản từ một đến hai triệu đồng. 

Tranh thủ sắm tết sớm cũng giúp chúng ta mua được giá rẻ, sản phẩm đẹp (đối với quần áo, các dịch vụ làm đẹp…). Thử nghiệm mua sắm tết tại các chợ sỉ, chợ đầu mối, cũng sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá. Tính toán lượng đồ ăn đủ trong ba ngày tết, tránh tâm lý “thừa còn hơn thiếu”, việc trữ đồ ăn nhiều vừa không đảm bảo, vừa tiêu tốn một khoản tiền lớn cho thực phẩm dự trữ. 

Chỉ mang đủ số tiền đã tính toán để chi tiêu, sắm tết, tránh mang tiền nhiều vì sẽ khó kiểm soát với những món hàng không nằm trong kế hoạch. Có thể mua sắm dần nhiều đợt, việc không mua nhiều sản phẩm cùng lúc có thể giúp bạn chọn được sản phẩm với giá hợp lý.

Tránh vay tiêu dùng để mua sắm những sản phẩm không thiết yếu hoặc chỉ vì muốn có cái tết “bằng bà con lối xóm”. “Nếu có nhu cầu phải vay chi tiêu hoặc sử dụng thẻ tín dụng, nên mua sắm một cách khôn ngoan, phải có số tiền dự phòng trả nợ một đến hai tháng sau tết, nhất là khi dịch COVID-19 bùng phát, dễ ảnh hưởng đến thu nhập hoặc phát sinh những điều không đáng có” - chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu khuyên.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI