Thu nhập buổi hai của kế toán gấp 2-15 lần giáo viên
Vừa qua, một số giáo viên Trường THPT Tạ Quang Bửu (quận 8, TPHCM) đã phản ánh đến Báo Phụ nữ TPHCM những bất hợp lý trong việc chi tiền buổi hai giữa các bộ phận tại trường.
Cụ thể, đối với hoạt động buổi hai, nhà trường thu mức tối đa cho phép là 300.000 đồng/học sinh/tháng. Với hơn 1.700 học sinh, tổng thu là 510 triệu đồng/tháng. Trong đó, mức chi cho bộ phận trực tiếp giảng dạy gồm 62 giáo viên là 34,8%; còn mức chi cho bộ phận gián tiếp gồm 11 người trong ban giám hiệu và tổ văn phòng là 15%.
|
Giáo viên Trường THPT Tạ Quang Bửu (quận 8, TPHCM) phản ánh việc trường chi tiền buổi hai chưa hợp lý - Ảnh: P.T. |
Hiện nay, thu nhập buổi hai của giáo viên bình quân khoảng 2,7 triệu đồng/tháng, trong đó người thấp nhất khoảng 600.000 đồng/tháng, cao nhất khoảng 4,8 triệu đồng/ tháng.
Trong khi đó, bộ phận gián tiếp 11 người được chi 15% tiền thu buổi hai, tương đương 76,6 triệu đồng. Hiệu trưởng xây dựng hệ số hiệu quả công việc cho bộ phận gián tiếp như sau: Hiệu trưởng có hệ số hiệu quả công việc là 4, tương đương thu nhập buổi hai hơn 11,5 triệu đồng/tháng. Phó hiệu trưởng (2 người) có hệ số 3,5, tương đương hơn 10,1 triệu đồng/tháng. Kế toán có hệ số 3,25; tương đương gần 9,4 triệu đồng/tháng. Thủ quỹ có hệ số 3, tương đương 8,7 triệu đồng/tháng. Văn thư có hệ số là 1,75; tương đương 5 triệu đồng/tháng. Còn lại 5 người (gồm các nhân viên y tế, thủ thư, công nghệ thông tin và 2 giám thị) có hệ số 1,5, tương đương 4,3 triệu đồng/tháng.
Như vậy, có thể thấy, toàn bộ bộ phận gián tiếp đều có mức thu nhập cao hơn mức trung bình của giáo viên trực tiếp giảng dạy. Nếu không tính ban giám hiệu, thì nhân viên kế toán có thu nhập buổi hai gấp gần 3,5 lần mức trung bình của giáo viên, thủ quỹ cũng có thu nhập buổi hai gấp 3 lần mức trung bình của giáo viên. Thu nhập buổi hai của kế toán, thủ quỹ cao gấp đôi giáo viên có thu nhập cao nhất và cao gấp 14-15 lần giáo viên có thu nhập thấp nhất.
Không chỉ thiếu công bằng, hợp lý giữa giáo viên và nhân viên, mà theo phản ánh của bà Võ Khánh Hằng - nhân viên văn thư nhà trường - ngay trong cùng bộ phận gián tiếp cũng có sự chênh lệch rõ rệt. Các vị trí kế toán, thủ quỹ được chi tiền buổi hai cao gấp đôi, gấp rưỡi so với văn thư và các nhân viên khác. “Nhìn vào mức thu nhập này, có thể thấy kế toán và thủ quỹ có “hệ số hiệu quả công việc” cao gấp đôi các thành viên khác, đồng nghĩa số lượng công việc buổi hai của họ gấp đôi. Có thể cao hơn nhưng cao hơn nhiều thì khó chấp nhận. Như vậy, hệ số buổi hai này được đưa ra hoàn toàn cảm tính, ngay cả căn cứ theo lương ngân sách thì kế toán, thủ quỹ không cao hơn các nhân viên khác nhưng thu nhập buổi hai lại gấp đôi” - bà Võ Khánh Hằng nói.
Phụ huynh đóng tối đa, học sinh được học tối thiểu
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Bích - hiệu trưởng nhà trường - cho biết các mức chi buổi hai cho giáo viên và nhân viên đều đã được thông qua hội nghị cán bộ, công chức, viên chức tháng 11/2022. Nhà trường đã làm rất bài bản, từ hội nghị trù bị cho đến hội nghị chính thức, đã biểu quyết thông qua với đa số đồng thuận.
Đối với việc giáo viên phản ánh số tiết dạy buổi hai bị giảm dẫn đến thu nhập giảm so với năm trước, bà Trần Thị Bích cho rằng vấn đề quy định số tiết buổi hai đã thông qua hết trong các cuộc họp về chuyên môn, hội nghị trù bị và chính thức. Tiền buổi hai đã được nhà trường tăng từ 145.000 đồng/tiết lên 200.000 đồng/tiết. Khi tăng như vậy thì không thể thỏa mãn được tất cả điều kiện vừa muốn tiền nhiều vừa muốn dạy nhiều, bởi số tiết dạy phải cân đối theo số tiền. Bên cạnh đó, nhà trường không chỉ dạy về chuyên môn, văn hóa mà còn các hoạt động thể thao, câu lạc bộ... cũng chi từ tiền buổi hai.
Đối với việc tại sao tiền của kế toán, thủ quỹ lại gấp đôi các nhân viên khác, bà Trần Thị Bích lý giải: “Công việc của kế toán, thủ quỹ liên quan đến tài chính, đòi hỏi trách nhiệm cao hơn, rủi ro hơn, thậm chí có khi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tiền chi cho bộ phận gián tiếp nằm trong mức được Sở GD-ĐT TPHCM cho phép chi, là từ 15 - 20% nguồn thu buổi hai và trường đã chi 15%. Các trường khác cũng vậy, hiệu trưởng phải cân đối cho bộ phận gián tiếp, còn giáo viên bộ môn dạy dư tiết nào mới tính tiền tiết đó. Không thể nói là bộ phận này nhiều hay ít vì đã tính dựa trên tỉ lệ phần trăm và thông qua hội nghị rồi. Chỉ khi nào đã đưa vào nghị quyết mà hiệu trưởng không thực hiện đúng thì mới có quyền khiếu nại”.
Tuy vậy, 1 giáo viên cho rằng lý giải trên của hiệu trưởng chưa thỏa đáng. Kế toán, thủ quỹ có trách nhiệm quản lý tài chính là đặc thù nghề nghiệp, giống như giáo viên phải đảm bảo chất lượng giảng dạy với học sinh và phụ huynh. Vì vậy, cho rằng kế toán, thủ quỹ có trách nhiệm cao hơn để nâng mức thu nhập buổi hai gấp từ 2-15 lần so với giáo viên là hoàn toàn cảm tính, không công bằng.
Quan trọng nhất, theo giáo viên này, mục đích phụ huynh đóng tiền buổi hai là để con mình được học tập. Song trường lại chi vào việc học quá ít, chỉ có 5-6 tiết buổi hai/tuần. Trong khi nhiều trường khác cũng thu mức 300.000 đồng/học sinh/tháng nhưng lại tổ chức cho học sinh học 10-12 tiết buổi hai/tuần. Nếu tính 1 lớp 40 học sinh, tổng thu tiền buổi hai là 12 triệu đồng/tháng, nhưng chỉ chi cho hoạt động giảng dạy từ 4-4,8 triệu đồng/tháng (tùy khối lớp). Như vậy, phụ huynh đóng tiền tối đa, mà học sinh chỉ được học tối thiểu. Còn giáo viên cũng chỉ tăng thu nhập nhỏ giọt, không cải thiện được đời sống. Nếu chi đúng đối tượng, tiền buổi hai là nguồn thu hợp lý để cải thiện đời sống giáo viên. Trong khi đó, tiền buổi hai tăng rõ rệt ở nhóm quản lý hành chính và hưởng “trọn gói” hằng tháng. Điều này gây ra sự bất bình đẳng giữa nhóm giảng dạy trực tiếp và nhóm quản lý hành chính, làm sai lệch mục đích của việc tổ chức hoạt động buổi hai.
Có quy định thu, phải có quy định chi Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện TPHCM không có quy định cụ thể về mức chi cho các hoạt động tổ chức buổi hai nên mỗi trường một kiểu, chủ yếu tùy thuộc vào hiệu trưởng. Thông thường, hiệu trưởng chi theo quy chế chi tiêu nội bộ đã được thống nhất tại hội nghị cán bộ, công chức hằng năm. Ở cấp tiểu học và THCS thì quy chế chi tiêu nội bộ được phòng GD-ĐT quận, huyện, TP Thủ Đức kiểm tra và thông qua nên khá chặt chẽ, thống nhất. Song với cấp THPT do Sở GD-ĐT quản lý thì chủ yếu do hiệu trưởng tự xây dựng và đưa ra thống nhất trong nội bộ. Do đó có nơi chi ít, có nơi chi nhiều cho giáo viên. Đồng thời, số tiết dạy buổi hai cho học sinh cũng rất khác nhau, có trường dạy 10-12 tiết/tuần, có trường chỉ dạy 5-6 tiết/tuần, nhưng vẫn thu cao nhất là 300.000 đồng/học sinh/tháng. Tỉ lệ chi giữa bộ phận gián tiếp và trực tiếp có quy định chung nhưng không chi tiết, rõ ràng dẫn đến mỗi nơi mỗi kiểu, khác biệt giữa trường này với trường kia, bất bình đẳng ngay trong nội bộ trường. Trong khi đó, một số địa phương quy định rất cụ thể về nội dung chi buổi hai. Chẳng hạn, TP Hà Nội quy định, chi cho giáo viên tham gia dạy 2 buổi/ngày là 60%; chi bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, nhân viên và phúc lợi tập thể là 20%. Không chỉ vậy, quy định này còn khống chế chi cho hiệu trưởng không quá 2 lần thu nhập trung bình của giáo viên tham gia dạy buổi hai. Đồng thời, chi cho hiệu phó không quá 0,8 lần thu nhập của hiệu trưởng; chi cho kế toán không quá 0,4 lần thu nhập của hiệu trưởng; chi cho thủ quỹ và các nhân viên khác không quá 0,3 lần thu nhập của hiệu trưởng. Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho rằng, hiện nay nhiều khoản dịch vụ giáo dục có quy định thu nhưng thiếu quy định chi rõ ràng. Điều này dẫn đến giao quyền quá lớn vào tay hiệu trưởng, dễ làm theo kiểu cảm tính, cá nhân, gây mất công bằng. Do đó, ông cho rằng Sở GD-ĐT cần có quy định hướng dẫn các nội dung chi tiền dịch vụ trong trường học, trong đó có tiền buổi hai. Chẳng hạn, thu tiền buổi hai với mức tối đa thì phải tổ chức giảng dạy tối đa cho học sinh. Đồng thời, quy định mức chi cho từng bộ phận trực tiếp, gián tiếp. Trên quy định khung đó, các trường sẽ cụ thể hóa tùy vào điều kiện từng trường và đưa ra lấy ý kiến tập thể. |
Minh Linh