Chỉ thị 16 đâu xa lạ, sao phải rối?

08/07/2021 - 13:34

PNO - TPHCM đã từng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 vào năm 2020, và từng vượt qua những ngày ấy rất nhẹ nhàng, bình thản.

Ngày 1/4/2020, Chỉ thị 16 được áp dụng trên toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh…

Cùng với cả nước, TPHCM đã trải qua 15 ngày ấy, sau đó cùng với một số địa phương được đánh giá “có nguy cơ cao” thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm 9 ngày nữa, nhưng lương thực vẫn đủ, tình người vẫn đầy, kẻ có thể giúp đỡ vẫn chân thành giúp đỡ người khác chẳng chút nề hà.

Hàng hóa vẫn được lưu thông về TPHCM sau khi được kiểm dịch đầy đủ
Hàng hóa vẫn lưu thông về TPHCM sau khi được kiểm dịch đầy đủ

Giờ, một lần nữa, Chỉ thị 16 được áp dụng trên địa bàn TPHCM, trước mắt là 15 ngày. Dù rằng bối cảnh không giống xưa, dịch COVID-19 ở TPHCM hiện tại phức tạp, khó lường hơn và ca nhiễm đã nhiều hơn, nhưng đó vẫn là Chỉ thị 16 với những nguyên tắc không hề thay đổi: người dân vẫn có thể ra ngoài mua thực phẩm, vẫn được đảm bảo về các nhu cầu chăm sóc y tế, các hoạt động sản xuất và dịch vụ thiết yếu vẫn được duy trì song song với các biện pháp phòng, chống dịch…

Cùng với giãn cách xã hội ở mức cao này, Thành phố đã chuẩn bị nguồn thực phẩm đủ để cung ứng cho người dân, thậm chí là nhiều hơn thông thường. Các chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động để đảm bảo chống dịch, nhưng vùng đệm trung chuyển hàng hóa, thực phẩm thiết yếu thay thế đã được thiết lập để không có bất kỳ sự gián đoạn hay thiếu hụt nào. Nói một cách nào đó, 15 ngày tới sẽ chẳng có gì khác so với 24 ngày của tháng 4/2020 mà người dân Thành phố đã từng trải qua một cách nhẹ nhàng. Cái nhẹ nhàng đến từ sự bình tĩnh, hiểu đúng cũng như tuân thủ đúng các yêu cầu của chính quyền, cơ quan y tế… và biết gạn lọc những thông tin tiêu cực.

Lẽ nào, một lần nữa, chúng ta không thể làm điều đó?

Loài người sẽ phải sống chung với COVID-19, đó là điều tất yếu, như đã và đang sống chung với nhiều loại dịch bệnh khác, cũng từng hoành hành tàn khốc không kém trong quá khứ. Chưa kể, tương lai của thế giới đã được dự báo từ các chuyên gia hàng đầu, rằng sẽ có nhiều dịch bệnh khác như COVID-19 hoặc tệ hơn thế, xâm nhập. Nói thế để thấy, Chỉ thị 16 được áp dụng hiện tại ở TPHCM không phải là lần đầu tiên và có thể sẽ không phải là lần cuối cùng. Cái còn lại là cách chúng ta vượt qua như thế nào.

Sự “như thế nào” ấy, là mỗi người hiểu đúng về bản chất sự việc và tuân thủ đúng khuyến cáo. Đó là tránh việc hình thành sự đông đúc, là không chen lấn để mua thực phẩm, không gom mua tất cả các mặt hàng chưa cần thiết… trong khi nguồn cung ứng từ các siêu thị vẫn đảm bảo đầy đủ mỗi ngày, nhiều chợ truyền thống vẫn không giảm mặt hàng, các shop bán hàng trực tuyến vẫn luôn đáp ứng nhu cầu mua hàng dù nhiều hay ít.

Việc đổ xô gom mua thực phẩm một cách dồn dập ngoài việc đẩy giá các mặt hàng lên cao còn gây nên sự hỗn loạn, phá vỡ sự bình ổn của việc cung ứng hàng hóa mà Thành phố đã chuẩn bị. Nguy hiểm hơn, điều đó còn làm tăng khả năng lây truyền dịch bệnh, khiến cho kế hoạch khống chế dịch bệnh trở nên gian nan hơn. Để rồi, diễn biến tiêu cực mà mỗi người trong đám đông chen lấn mua hàng góp phần hình thành ấy, kéo theo sự phức tạp về lây truyền bệnh ấy, tác động ngược lại một cách tiêu cực lên chính mỗi chúng ta, không ai khác.

Tuân thủ Chỉ thị 16 nghĩa là phải thích ứng với một số sự xáo trộn. Hạn chế ra khỏi nhà nghĩa là từ bỏ một số thói quen, nhưng chúng ta cũng nên hình thành thói quen nghĩ về cái chung. Những bất tiện rồi sẽ qua đi, khi và chỉ khi mỗi người nghĩ đến cái chung. Chỉ thị 16 không phải là phép màu, nhưng là điều kiện cần để TPHCM có thể khống chế dịch bệnh, và điều kiện đủ là mỗi người dân biết đặt cái chung trước từng nhu cầu riêng. 

Lương Hàn

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI