Chỉ thấy tình trong 'Mùa bay không cánh'

22/09/2017 - 17:58

PNO - Ai đó đã nói 'Đi đến cái tận cùng của ta, sẽ gặp nhân loại'. Quả thật như vậy. Tôi đã đọc khá nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Hiệp và lần này là tập tản văn 'Mùa bay không cánh'.

Cái “đi đến tận cùng” của anh ở đây là cái tình thật thà. Nếu tâm hồn ai cũng có phần lắng của ký ức thì nơi lắng đọng trong tim Nguyễn Hiệp chồng chất quá nhiều vết thương, lắm nỗi niềm.

Chỉ tháy tình trong 'Mua bay khong canh'

“Tôi qua rồi cái tuổi ích kỷ, “không đội trời chung” khi nghe má mình có người tình. Tôi hiểu trong nghịch cảnh ba tôi mất sớm, má có quyền như vậy. Trong nghịch cảnh, tình yêu ấy chính là nguồn sống của tâm hồn, là điểm tựa để người ta khỏi ngã và bước tiếp cho trọn kiếp trần ai. Và cả ông già xin hình kia, ông cũng có quyền mang cả tình yêu của mình bước xuống tuyền đài. Mong rằng những người con của ông khi biết được sự thật này cũng cùng hiểu và thông cảm cho cha mình, xin đừng phán xét, cắn đắn mà đau lòng người đã khuất. Với tôi, nếu có điều đáng tôn trọng hơn cả nơi con người thì đó chính là tình yêu” (Tàu cau, cuống rạ, đồng chiều).

Tôi đọc cả quyển sách mà không thấy “chữ”, chỉ thấy “tình”. Cả trăm lẻ một ngã tình, ngã nào cũng chạm, cũng đời, cũng đầy trải nghiệm.

Trong Mưa lá, chữ “X” hình người đàn ông dang tay, dạng chân trên mái nhà chống chọi với mưa bão trở thành biểu tượng của tình yêu. Đó là sự hy sinh tận cùng. Sâu hơn, là “trong lòng của “chữ X” trên mái nhà ngày đó, có lúc từng đợt, từng đợt mưa vụn đớn đau tựa đang rỉ máu trong tâm hồn”. Đời sống con người, ở một tầng sâu nào đó, ta luôn chạm đến sự tê tái của niềm đau.

Chỉ tháy tình trong 'Mua bay khong canh'

Tản văn Vết phèn khiến tôi thao thức nhiều đêm. Đứa con trai ám ảnh bởi “vết phèn nâu nâu thâm xỉn nơi góc móng chân của má”. Người con ấy đã tự hứa sẽ về cắt móng và cạo vết phèn cho má nhưng lần lữa mãi, rồi bà má qua đời. Một vết phèn thật nhỏ nhoi nhưng thật nghẹn ngào khi đọc, bởi nó chạm thấu con tim. Chúng ta, ai rồi cũng sẽ không kịp làm điều gì đó cho người mình thương yêu, rồi cũng sẽ thất hứa với chính mình và sẽ sống trong nỗi dằn vặt khôn nguôi. Một bài học lớn về đời sống nội tâm con người được gợi lên từ một vết phèn rất nhỏ. Văn là vậy - để soi lại mình và để đau một mình.

33 tản văn là 33 nỗi tình, nỗi đời. Mùa bay không cánh đủ để khi ta đọc xong sẽ phải bần thần hồi lâu rồi quyết sống tốt hơn, thật thà hơn và sống cho sâu hơn. Sách thật sự là cuộc quay vào bên trong tâm hồn, là “cuộc bay về” như một tản văn được chọn làm tiêu đề sách, “Những đường bay không cánh. Những đường bay của thương, của đợi, của hiên chiều, của ngõ phố”. Những đường bay rất người, rất đời và sâu lắng. 

Nguyễn Trung Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI