Chị Thái không đơn độc

06/05/2020 - 12:53

PNO - Tôi gọi điện hỏi thăm chị Thái. Chị lại nghẹn ngào kể, nhiều cô chú quanh xóm trọ cũng đang giúp mấy mẹ con, từ gạo, mắm, đến tã, sữa, thẻ bảo hiểm y tế, giới thiệu việc làm. “Sài Gòn đối đãi với em quá tốt. Cái ơn này xin ghi tạc suốt đời”, người mẹ trẻ giãi bày.

Chồng ra đi đột ngột, bỏ lại ba đứa con nhỏ và mẹ già, trong lúc chị Lê Thị Thái, 33 tuổi, đang vùng vẫy trong tuyệt vọng thì COVID-19 ập đến khiến mọi cánh cửa như đóng sập. Chính lúc đó, Hội LHPN P.Phước Bình, Q.9 xuất hiện. 

Quê chị Thái ở H.Quốc Oai, Hà Nội. 16 tuổi, chị vô Sài Gòn phụ bán quán cơm ở Q.Phú Nhuận, được ít lâu thì xuống Châu Đốc, An Giang làm công nhân chế biến cá basa. Ở đây, chị quen anh Võ Minh Nhựt, cảm mến nhau, rồi nên duyên vợ chồng vào năm 2008. Không nhà cửa, đất đai, công việc thì bấp bênh, nên vợ chồng họ quyết định lên Sài Gòn làm thuê kiếm sống. Hồi đầu, cả hai đều đi phụ hồ. Hơn hai năm nay, anh Nhựt đã lên thợ. Các bé Hồng Sâm, Minh Khang, Minh Khánh lần lượt chào đời. Anh chị cũng tích cóp mua được mảnh đất đầm lầy 6 x 23m ở xã Phú Thành, H.Phú Tân, tỉnh An Giang với dự tính sẽ tích cóp thêm vài năm nữa rồi về đổ đất cất căn nhà nhỏ… Nhưng mọi dự tính đều vỡ vụn.

Chị Đoàn Thị Kim Ngoan (phải) - Chủ tịch Hội LHPN P.Phước Bình - trao tiền hỗ trợ nhà trọ cho chị Thái
Chị Đoàn Thị Kim Ngoan (phải) - Chủ tịch Hội LHPN P.Phước Bình - trao tiền hỗ trợ nhà trọ cho chị Thái

Những ngày cận tết Nguyên đán vừa qua, anh Nhựt hay buồn nôn, mệt mỏi, ăn không ngon miệng. Chị Thái khuyên chồng nghỉ ngơi, nhưng anh lắc đầu bảo “ráng làm đặng năm nay về quê ăn Tết, đi lâu quá nhớ quê lắm”. “Thấy ảnh ngày càng mệt, em năn nỉ đi bệnh viện khám. Lúc nghe bác sĩ báo ảnh bị suy gan, em đứng không vững, trời đất như quay cuồng. Tụi em xin bác sĩ cho về uống thuốc, ra Tết nhập viện, nhưng tới mồng Một thì tình hình xấu đi. Ảnh vào nằm viện cho tới sáng mồng Sáu thì đi, không trăn trối được câu nào”, chị Thái nức nở. 

Lo tang cho chồng xong, chị ôm di ảnh chồng cùng ba đứa con và mẹ chồng trở lại phòng trọ nhỏ trên đường 14, khu phố 4, P.Phước Bình, Q.9 rồi lại vùi mình vào công việc trên công trường xây dựng. Nhưng dịch COVID-19 đã khiến mọi thứ đảo lộn, cứ làm được vài ngày thì công trình tạm ngưng, chị lại phải đi xin chỗ khác. Chị Thái tâm sự: “Ba chồng em đã mất cũng vì bệnh gan. Mẹ chồng thì đau tim, cao huyết áp. Ba mẹ em ở Hà Nội đã già yếu, không đất đai canh tác. Em tự nhủ với lòng mình: nhất định phải sống! Nếu em ngã quỵ, mẹ già, con dại biết dựa dẫm ai. Vậy mà COVID-19 bóp nghẹt đến độ không thở nổi. Chiều 31/3, nghe ban quản lý thông báo công trình tạm ngưng, em không khóc được luôn”. 

Trung tuần tháng Tư, Hội LHPN P.Phước Bình, Q.9 mang gạo, thực phẩm vào các khu nhà trọ tặng người lao động đang lao đao vì đại dịch COVID-19. Gặp hoàn cảnh chị Thái, các chị cán bộ Hội đã bàn phương án hỗ trợ. Đầu tiên là khoản tiền trọ một triệu đồng/tháng, Hội nhận san sẻ với chị 50% từ tháng 4 đến tháng 7. Gạo, mắm, muối, dầu ăn, bột ngọt… sẽ được trao định kỳ hàng tháng cho gia đình chị Thái cho đến hết năm 2020. Các con chị Thái, bé lớn Hồng Sâm đang học lớp tình thương, cu út Minh Khánh mới 20 tháng tuổi, Minh Khang vừa đúng tuổi đến trường tiểu học. Chị Đoàn Thị Kim Ngoan - Chủ tịch Hội LHPN P.Phước Bình - cho biết: “Sau đại dịch, Hội sẽ liên hệ các trường, hướng dẫn làm hồ sơ để Hồng Sâm, Minh Khang đi học, đồng thời sẽ hỗ trợ học bổng. Khi Minh Khánh đến tuổi ra lớp, chúng tôi cũng sẽ đồng hành tiếp sức cho cháu. Ngoài ra, Hội cũng sẽ tìm kiếm công việc phù hợp để giới thiệu chị Thái làm, như tạp vụ, bảo mẫu, chở hàng, giúp việc nhà. Chắc chắn Hội sẽ không để chị Thái đơn độc trong cuộc chiến cơm áo gian nan này”. 

Tôi gọi điện hỏi thăm chị Thái. Chị lại nghẹn ngào kể, nhiều cô chú quanh xóm trọ cũng đang giúp mấy mẹ con, từ gạo, mắm, đến tã, sữa, thẻ bảo hiểm y tế, giới thiệu việc làm. “Sài Gòn đối đãi với em quá tốt. Cái ơn này xin ghi tạc suốt đời”, người mẹ trẻ giãi bày. 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI