Giá cả leo thang, người dân ít sử dụng dịch vụ vui chơi, giải trí
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), CPI tháng 2/2020 tuy có giảm hơn 0,17% so với tháng 1 nhưng vẫn tăng 1,06% so với tháng 2/2019 và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2020, CPI đã tăng 5,91% so với cùng kỳ năm 2019 và đây là mức tăng cao nhất trong bảy năm trở lại đây.
Đáng lưu ý nguyên nhân làm CPI tháng 2 giảm là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhu cầu đi lại, du lịch, lễ hội giảm khiến giá cả các dịch vụ này giảm theo. Theo các doanh nghiệp, việc giảm giá do không có khách hàng sử dụng dịch vụ như một “cú tát”, kéo cả lĩnh vực phát triển chậm lại 3-4 năm về trước và làm cho thành quả tích lũy của ngành trong vài năm trở lại đây trở về 0.
|
Giá thịt heo tăng mạnh thời gian qua góp phần đẩy chỉ số CPI tăng cao |
Ngoài ra, sở dĩ CPI tháng 1 và 2 cộng lại cao nhất trong bảy năm gần đây còn do giá cả nhiều nhóm hàng hóa bị đẩy tăng giá. Đơn cử như trong tháng 1/2020, giá thịt heo và khẩu trang tăng cao ngất ngưỡng. Mặc dù Chính phủ đã vào cuộc yêu cầu các công ty điều chỉnh giá nhưng thịt đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao hơn 200.000 đồng/ký. Và đến nay, giá thịt heo tuy có giảm nhưng vẫn còn mức khoảng 150.000 đồng/ký.
Vào tháng 2, có đến năm nhóm hàng tăng giá, trong đó có cả giá gạo, giá thuốc, khẩu trang, xà phòng rửa tay, chất tẩy rửa, dịch vụ y tế…
Rủi ro cho kinh tế
Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh nhận định, một khi giá cả hàng hóa tăng “phi mã” là dấu hiệu kinh tế thiếu ổn định, kéo theo nhiều hệ lụy. Theo dự báo thì chắc chắn áp lực lạm phát sẽ cao hơn trong năm 2020 và khó kiểm soát chỉ số CPI ở mức dưới 4% như mục tiêu đề ra.
Theo chuyên gia nghiên cứu và phát triển bền vững Huỳnh Thị Mỹ Nương, hệ lụy mà chỉ số CPI cao gây ra là sẽ làm mất cân bằng lớn về thị trường giữa sản xuất và tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân, tình hình sẽ càng nghiêm trọng nếu tình trạng đó kéo dài. Đối với doanh nghiệp thì cũng bị tác động không nhỏ từ nguyên liệu đầu vào, sản xuất cho đến đầu ra sản phẩm vì nhiều tác động ngoài dự tính. Từ đó tác động xấu đến tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cảnh báo, nếu dịch bệnh giảm trong vòng hai tháng tới thì chỉ số CPI có thể phục hồi và cân bằng lại, mặc dù có thể chậm và mất vài tháng. Nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục tăng không có điểm dừng thì hậu quả rất xấu. Không chỉ chỉ số CPI tiếp tục tăng cao mà tổng lượng GDP toàn cầu sẽ giảm (1-3%) và Việt Nam là một nước lệ thuộc nguồn xuất nhập khẩu từ nước ngoài thì sẽ bị ảnh hưởng mạnh, GDP sẽ không đạt được mức tăng 1-2% mục tiêu như Quốc hội đã đề ra trong năm 2019.
Bên cạnh đó, nạn thất nghiệp sẽ tăng lên, thu nhập bình quân đầu người giảm xuống do doanh nghiệp đóng cửa hoặc chuyển hướng kinh doanh, cắt giảm nhân lực. “Đặc biệt có thể gián đoạn một số khâu của chuỗi sản xuất toàn cầu như nguồn nguyên liệu xuất đi, đầu ra sản phẩm hoàn chỉnh, mất cân bằng trong cân đối cán cân thanh toán quốc tế, thương mại dịch vụ… dẫn đến kim ngạch xuất nhập khẩu giảm. Năm ngoái kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 500 tỉ USD thì năm nay sẽ giảm khoảng 10%” – ông Nguyễn Hoàng Dũng nói.
Không nên điều chỉnh hạ giá một cách cào bằng
Để điều chỉnh chỉ số CPI trong tháng 1 vừa qua, nhiều bộ ngành cho rằng cần phải điều chỉnh giá thịt heo vì đây là nguyên nhân chính. Ngay sau đó, Chính phủ yêu cầu các công ty điều chỉnh giá thịt heo xuống mức 65.000 – 75.000 đồng/ký. Để điều chỉnh CPI hiện nay về mức ổn định, cần tiếp tục điều chỉnh giá là cần thiết.
|
Chính phủ cần có một chương trình chính thức để hỗ trợ người dân mua khẩu trang giá bình dân để tránh đầu cơ tăng giá |
Nhưng theo các chuyên gia, việc áp đặt giá cào bằng hành chính như vậy dẫn đến nhiều tiêu cực. Theo ông Nguyễn Hoàng Dũng đó là cách điều khiển duy y chí gây tác hại rất lớn cho một phần nền kinh tế. Cần phải xác định nguyên nhân tăng giá. Nếu nguyên liệu nuôi heo và nguyên liệu các mặt hàng sản xuất tăng giá thì buộc giá đầu ra phải tăng. Đây là nguyên nhân khách quan, để thị trường quyết định, việc can thiệp giá một cách áp đặt sẽ triệt tiêu sản xuất, khiến doanh nghiệp và người nông dân nản lòng. Còn nếu nguyên nhân đầu vào không tăng nhưng đầu ra tăng do đầu cơ thì phải ngăn chặn một cách triệt để.
Để điều chỉnh CPI về mức cân bằng, Chính phủ cần tập trung cho việc lấy lại thế cân bằng giữa cung và cầu. Chẳng hạn hiện nay nhu cầu mua khẩu trang rất nhiều nhưng cung không đủ, nếu xét về mặt lâu dài rất khó chấp nhận. Do cơ sở y tế không đủ cung cấp nên nhiều doanh nghiệp tư nhân không tên tuổi vẫn nườm nượm sản xuất và tung ra đủ loại khẩu trang, nước rửa tay kém chất lượng với giá cao, còn người dân thì lúng túng trước thị trường hỗn loạn như vậy. Chính phủ nên có một chương trình chính thức hỗ trợ người dân mua khẩu trang, thuốc, thiết bị y tế với mức giá ổn định tại cơ sở chính thống.
Chuyên gia Huỳnh Thị Mỹ Nương cho rằng, nhà nước cần có một cuộc đánh giá về CPI để tìm nguyên nhân và mức độ tác động của từng mặt hàng, nhóm hàng khác nhau vì mỗi mặt hàng, nhóm hàng có những nguyên nhân riêng và chịu tác động nhất định. Đối với những nguyên nhân khách quan từ COVID-19 thì cần có giải pháp quyết liệt, sát sao, triệt để từ tất cả các cấp, ban ngành cho đến người dân để có thể kiểm soát và hạn chế tác động ít nhất có thể đến từng nhóm cộng đồng.
Cần hỗ trợ cho những vướng mắc của doanh nghiệp, người tiêu dùng từ những kiến nghị về thuế, lãi suất, thủ tục, thị trường phù hợp các mặt hàng bị ảnh hưởng. Riêng bản thân doanh nghiệp cũng không ngừng cố gắng tăng năng lực cạnh tranh để thích ứng và phát triển trong mọi hoàn cảnh.
Thanh Hoa