Chỉ sợ không có gì để tiếc nhớ

20/05/2018 - 06:00

PNO - Bác có tiếc một thời của mình không? Tôi buột miệng. Ông bảo vệ mỉm cười hoài niệm, già rồi ngồi nhớ lại một thời của mình mà tiếc nuối là hạnh phúc lắm đó. Đời người, chỉ sợ không có gì để mà tiếc nhớ.

Chỗ ở mới, người đầu tiên tôi chú ý là bà Hằng bán cà phê ngay cổng chung cư. Quán của bà, nói đúng hơn là cái xe hàng của bà nép sát trụ cổng, cố sao chiếm ít diện tích nhất để không phiền người và xe cộ ra vô. 

Cái xe hàng nhỏ, vừa đủ chỗ cho phần khung kính chưng bày hũ đựng cà phê và chồng ly nhựa, còn phần nhôm bao quanh bên dưới là chỗ để cái bếp và ấm nước cùng với đủ thứ lỉnh kỉnh để pha chế ra một ly cà phê. Cái xe chứng minh hùng hồn cho câu “khéo co thì ấm” bởi ngoài cái bếp và ấm nước lúc nào cũng bốc khói còn có thùng đá và cái xô đựng nước. Khó mà hình dung hai thứ nóng thật nóng và lạnh thật lạnh này lại cùng chung chỗ.

Chi so khong co gi de tiec nho

Cà phê bà Hằng không có khách ngồi vì không có chỗ để bàn ghế. Khách chạy xe máy trờ tới thắng kít lại “cho một ly đi”, có người nói thêm “có đá”. Bà Hằng nhấc phin cà phê giơ lên cho khách thấy là vừa mới pha xong, và múc muỗng đường khuấy khuấy, rồi đổ vô cái ly nhựa, xúc thêm đá, cho cái ly vô túi ni-lông xách ra xe cho khách đem đi. 

Ông bảo vệ nói khách nghiện cà phê là nghiện tay người pha. Mấy lần bà Hằng về quê, tưởng mất khách luôn, vậy mà vài bữa rồi cũng thấy họ quay trở lại. Ông bảo vệ vừa kể vừa cười tủm tỉm “mà bà Hằng già khú rồi chớ có phải...”.

Sau này, nhiều lần trò chuyện với ông bảo vệ, tôi mới biết câu tủm tỉm trên còn có thêm khúc đuôi “... như hồi đó đâu”.

Hồi đó bà Hằng là cô thu ngân xinh đẹp của quán cà phê nổi tiếng thành phố. Ngoài cà phê, buổi sáng quán còn bán thêm xôi. Xế trưa, khách tới quán chỉ định uống ly cà phê đá, em Hằng thỏ thẻ mời ăn xôi. Trời đất, xế trưa thì đích thị là xôi ế (khô khốc) nhưng khách làm sao từ chối được miệng cười mời chào như đóa hoa. 

“Rồi làm sao mà...”, tôi bỏ lửng câu hỏi và chỉ tay vào cái xe hàng cũ kỹ. Ông bảo vệ tắc lưỡi: “Nhiều người tử tế ngỏ lời mà không chịu, lại đi thương cái thằng ma cà bông chỉ được cái dẻo mỏ. Cũng may là có được đứa con trai đàng hoàng dễ thương như mẹ chứ không giống thằng cha nó”.

***

Một người nữa, cũng tình cờ nằm trong sự chú ý của tôi vì tối hôm đó tôi đi công tác về khuya. Quy định chung cư đóng cổng lúc hai mươi ba giờ mà máy bay hạ cánh cũng giờ đó, mất mười phút đợi lấy hành lý và hai mươi phút đi taxi, khi tôi về tới nơi thì tất cả đã im ắng. 

Chung cư cũ có tám tầng, thang máy bị hư từ lâu, ông bảo vệ kể là đã có nhiều cuộc họp bàn tính góp tiền sửa chữa thang máy nhưng các hộ ở tầng một, hai, ba không chịu, còn nếu chỉ có các hộ từ tầng bốn đến tầng tám thì không đủ sức, vậy nên cái sự không có thang máy riết thành quen. Những người ở tầng cao còn nói đùa là nhờ leo cầu thang hằng ngày mà họ khỏi tốn thời gian ra công viên tập thể dục.

Sợ cái va-li trong tay mình va đụng gây tiếng động làm mất giấc ngủ của ai đó nên tôi cầm chặt tay và bước thật nhẹ. Căn hộ tôi thuê ở tầng sáu. Thường ngày lên xuống đã quen chân nhưng hôm đó có thêm cái va-li khá nặng nên tôi phải ngừng lại mấy lần. Và giật mình khi cúi người để nhấc va-li lên khỏi bậc tam cấp, vừa ngẩng lên, tôi đụng một khuôn mặt bà già.

Bà ngồi ở chiếu nghỉ. Ngước nhìn tôi qua cặp kính vừa sụp xuống sống mũi, bà kéo cái ghế nép sát vô tường tỏ vẻ tự biết mình choán đường đi, rồi đưa ngón trỏ đẩy cặp kính về chỗ cũ, cúi xuống, tiếp tục thêu. 

Tôi nín thở đi lên một mạch, rồi quay lại nhìn để... tin chắc là có một bà già ngồi thêu giữa khuya. Hôm sau, vì tò mò, nửa đêm, tôi đi xuống với lý do có chuyện cần gặp ông bảo vệ. Và tôi cũng gặp bà một mình ngồi thêu giữa vắng lặng. 

Ông bảo vệ hào hứng: “Hồi đó là tay thợ số một của công ty thêu lừng danh chuyên thêu chân dung người nổi tiếng. Đoạt giải Bàn tay vàng. Tin nổi không?”.

Không muốn tin chút nào. Tôi nhớ mình đã được ngắm những bức tranh thêu tinh xảo tuyệt vời đó trên báo và ti vi... Thật khó hình dung cô thợ thêu tài năng duyên dáng trả lời phỏng vấn ngày nào với bà già đeo cặp kính xập xệ trên sống mũi giữa khuya ngồi thêu tranh chữ thập, loại tranh mà người không biết nghề cũng có thể xỏ chỉ màu theo bảng hướng dẫn rồi đâm kim qua lại lúc rảnh rỗi cho đỡ buồn tay. 

Mà sao bà lại ra hành lang vào giờ đó? Tôi thắc mắc, chắc là nhớ nghề mà bật đèn sáng thì sợ phiền con cháu? Ông bảo vệ lẩm bẩm “già rồi sinh lẩn thẩn vậy mà”.

***

Chi so khong co gi de tiec nho

Không có thang máy lại hay, hằng ngày đi lên đi xuống hàng trăm bậc tam cấp tôi gặp nhiều người mà qua lời kể của ông bảo vệ, một thế giới khác mở ra cùng với phần đời đã qua của họ. Bà Nga hay nấu cháo đem tới nhà tình thương từng là giọng ca mùi nhất của gánh cải lương. Bà My đi từng bước nhúc nhắc từng là thành viên tích cực của những hội thi thể dục thể thao...

Còn bác thì sao? Tôi bật hỏi.

Ông bảo vệ bặm miệng một hồi rồi bật cười kha kha, ờ, hồi đó bác cũng mộng lắm nghen, thi vô đại học công an bị rớt, học cái trung cấp cơ khí xong đi làm xí nghiệp ban ngày còn ban đêm thì rủ rê bạn bè lập nhóm săn bắt cướp. Chiều chiều đi làm về, tắm rửa ăn uống xong là tụ họp anh em lại đi rong trên đường từ tối tới sớm mai. Khơi khơi vậy thôi mà tụi bác cũng có được mấy tấm bằng khen. Ông kéo ống tay áo lên cho tôi nhìn thấy vết sẹo trên bắp tay, kéo cổ áo cho tôi nhìn thấy vết khác sau gáy rồi cười khúc khích. Ngày đám cưới bác, trưởng công an phường tới dự đọc diễn văn sang sảng giải thích lý do mấy cái sẹo này là vì làm việc nghĩa, cũng tại ông bà già vợ của bác nửa tin nửa ngờ, sợ là bác tụ bạ chơi bời sinh chuyện đánh nhau.

Vì bác như vậy nên bây giờ bảo vệ chung cư này mới được yên ổn, tôi nói. Ông lắc đầu, không, không phải bác, chung cư này nền nếp là nhờ bà Thanh, ờ, bà già khòm lưng sống một mình trên tầng bảy đó. Hồi đó, mấy đời ban quản trị nhập nhèm nên chẳng ai nể ai, quy định soạn ra để ngó chơi thôi. Tới thời bà Thanh xung phong vô ban quản trị thì ôi thôi thôi, mọi thứ bới ra tung tóe. Họp hành căng thẳng ghê gớm, tưởng không nhìn mặt nhau được nữa. Vậy mà hóa ra hay, như là cái mụn nhọt bị nặn mủ, hôi hám nhức nhối phải bung ra được thì mới lành lặn. 

“Người tốt như bà Thanh mà sao phải sống một mình?”, tôi định nói vậy nhưng may mà kịp nín miệng lại. Một mình hay nhiều hơn một mình là chuyện khác. Bà đã sống cuộc đời không uổng phí. Tôi nhìn theo bà chậm chạp vịn từng bước lên cầu thang và hình dung bà già khòm lưng nhỏ bé này mạnh mẽ hiên ngang giữa cuộc họp đầy sóng gió như thế nào.

Ờ, nghe khó tin là bà già khọm đó mà làm nên chuyện hả? Khi nào rảnh cứ xuống đây chơi bác kể chuyện mấy người khác cho mà nghe, ông bảo vệ cười tủm tỉm, ai cũng có một thời hoa lửa.

Bác có tiếc một thời của mình không? Tôi buột miệng. Ông bảo vệ mỉm cười hoài niệm, già rồi ngồi nhớ lại một thời của mình mà tiếc nuối là hạnh phúc lắm đó. Đời người, chỉ sợ không có gì để mà tiếc nhớ.

Tôi nghe mà thốt giật mình. Ừ, chỉ sợ không có gì để mà tiếc nhớ.

Nguyên Hương
Ảnh: Phùng Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI