Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng theo giá thuốc, gạo, vàng

29/11/2023 - 17:23

PNO - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,25% so với tháng 10/2023, mức tăng khá mạnh bởi tháng trước chỉ tăng 0,08%.

Nguyên nhân tăng được cơ quan này lý giải do một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế, tăng học phí, giá gạo, giá vàng trong nước tiếp tục tăng.

Trong 11 nhóm hàng hoá dịch vụ tiêu dùng thì có 8 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước. Thuốc và dịch vụ y tế tăng giá nhiều nhất tới 2,9%, trong đó dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng 2,27%, khám chữa bệnh nội trú tăng 5,13%... khi 1 số địa phương triển khai áp dụng dịch vụ y tế theo Thông tư mới.

Lương thực cũng tăng giá mạnh, xếp vị trí thứ hai với tổng mức tăng là 2,31%. Trong đó giá gạo tăng cao nhất do nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh tại nhiều quốc gia khi nguồn cung gạo toàn cầu giảm. Trong tháng, giá gạo tẻ thường dao động từ 14.500-17.800 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương từ 19.600-23.000 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon nàng thơm chợ Đào từ 20.900-23.000 đồng/kg; giá gạo nếp từ 25.800-40.000 đồng/kg. Do giá gạo tăng nên các nhóm hàng lương thực khác như bún, bánh phở, bánh đa cũng tăng thêm 1,5% so với tháng trước.

Chỉ số giá vàng xếp vị trí thứ ba với mức tăng là 2,27%. Tính đến ngày 25/11/2023, giá vàng thế giới tăng thêm 3,8% so với tháng 10/2023 do các yếu tố như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lập trừng giữ lãi suất điều hành, lợi suất trái phiếu và đồng USD suy giảm, nhu cầu dự trữ vàng của các ngân hàng Trung ương và ở khu vực châu Á tiếp tục tăng. Tại thị trường trong nước, giá vàng trong tháng 11 tăng 2,77% so với tháng trước, tăng 8,8% so với hồi 12/2022.

Thuốc và dịch vụ y tế là nhóm tăng giá cao nhất trong tháng 11/2023. (Ảnh minh hoạ)
Thuốc và dịch vụ y tế là nhóm tăng giá cao nhất trong tháng 11/2023. (Ảnh minh hoạ)

Do mưa bão tại các tỉnh miền Trung, hoạt động khai thác thuỷ sản gặp khó khăn, nguồn cung giảm nên giá thuỷ sản chế biến cũng tăng thêm 0,23% so với tháng trước. Các loại đường, mật, các loại đậu hạt, nước mắm, gia vị, bánh kẹo, cà phê… đều tăng.

Một số loại thực phẩm khác lại có xu hướng giảm giá. Trong đó, giá thịt heo giảm nhiều nhất do dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng gia tăng trở lại tại nhiều địa phương, khiến người chăn nuôi bán tháo chạy dịch trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân không cao. Hiện giá theo heo hơi dao động khoảng 48.00 – 52.000 đồng/kg. Các loại rau tươi như bắp cải, su hào, khoai tây, rau dạng củ... do đã vào vụ, sản lượng tăng cao nên cũng giảm giá mạnh từ 0,88 – 2,27% so với tháng trước.

Do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh xăng dầu vừa qua nên làm cho giá xăng giảm 1,4%, dầu diezen giảm 7,14%.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI