Chi Pu vào đề thi Văn: Bài học nhân văn từ câu chuyện bắt nạt

11/12/2017 - 10:13

PNO - Chúng ta đừng quan tâm câu chuyện đó là của Chi Pu hay một người nổi tiếng nào khác, mà hãy nhìn nhận nó là câu chuyện của một bạn trẻ bị “ném đá” không thương tiếc.

Đề kiểm tra học kỳ I năm học 2017-2018 môn ngữ văn lớp Mười Trường THPT Hạ Hòa, (tỉnh Phú Thọ) có 2 câu: câu 1 - 3 điểm, câu 2 - 7 điểm. Vấn đề gây tranh cãi nằm ở câu số 2. Nguyên văn đề như sau: “Chi Pu tên thật là Nguyễn Thùy Chi. Cô bắt đầu nổi danh từ cuộc thi Miss teen 2009, hiện là một hotgirl được nhiều bạn trẻ yêu thích. Tháng 10 vừa rồi, Chi Pu tung MV Từ hôm nay đánh dấu chuyển mình trở thành ca sĩ.

Chi Pu vao de thi Van: Bai hoc nhan van tu cau chuyen bat nat
 

Ngay lập tức, cô vấp phải nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Hương Tràm là người đầu tiên đưa ra quan điểm mạnh mẽ: “Không biết hát thì đừng mang nghề ca sĩ ra để kiếm tiền”. Tóc Tiên, Thanh Lam, Thu Minh, Quốc Thiên, Văn Mai Hương cũng có cùng quan điểm. Không chỉ vậy, ảnh chế về cô xuất hiện ở khắp nơi. Những đoạn clip xuyên tạc được thực hiện thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. 

Mặc cho dư luận “ném đá”, giọng ca Từ hôm nay cho biết cô không bị ảnh hưởng nhiều bởi điều này. Hiện cô vẫn tập luyện thanh nhạc để chứng minh con đường mình chọn là đúng, mỗi tháng cô sẽ cho ra mắt một MV.

Hãy hóa thân vào Chi Pu, viết một bài văn tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm kể về một ngày của mình sau khi ra mắt MV Từ hôm nay”.

Kết thúc giờ thi, một học sinh của trường lên mạng bày tỏ bức xúc: “Chẳng hiểu cô ta có gì hay để nhà trường đưa vào đề thi cho học sinh học, viết văn về cô ta?”. Hàng loạt ý kiến kiểu nghi ngờ cũng xuất hiện: “Người ra đề chắc fan Chi Pu”, hoặc “Chỉ fan Chi Pu mới qua được đề này” và nhận được hàng nghìn lượt tán đồng. Đông không kém các anti-fan là những fan ruột nhảy vào bênh vực Chi Pu. Cuộc tranh luận vẫn còn đang tăng nhiệt…

Một giáo viên ngữ văn tại TP.HCM cho rằng, đề thi này đậm tính thời sự và phân tích: “Việc đề chọn chủ thể là cô ca sĩ trẻ Chi Pu cùng sự kiện tranh cãi vừa qua vào đề thi hoàn toàn không có gì sai. Thậm chí, tôi cho rằng người ra đề đã có sự chọn lựa thông minh, bởi đây từng là một sự kiện tạo ra dòng thời sự trong giới giải trí trong khoảng thời gian nhất định.

Đặc biệt, sự kiện này thu hút sự chú ý của giới trẻ và cả truyền thông. Việc chọn một sự kiện mà nhiều người, trong đó có các bạn trẻ, học sinh - sinh viên nắm rõ để đưa vào đề thi sẽ đảm bảo được tính phổ biến của sự kiện, tránh việc em này biết, em kia không. Điều này tạo ra sự công bằng trong việc tiếp cận các dữ liệu của đề cho thí sinh”. 

Nhiều giáo viên cũng bày tỏ sự khó hiểu khi nhiều bạn trẻ chỉ trích đề thi, bởi đề thi không hề ca ngợi Chi Pu. Người ra đề chỉ mượn sự kiện của cô làm dữ kiện. Theo ý kiến của các nhà chuyên môn thì về kỹ thuật, đề thi này không có vấn đề gì. Về mặt ý nghĩa, đây là một đề bài có tính nhân văn đáng để các bạn trẻ mở lòng đón nhận.

Chúng ta đừng quan tâm câu chuyện đó là của Chi Pu hay một người nổi tiếng nào khác, mà hãy nhìn nhận nó là câu chuyện của một bạn trẻ bị “ném đá” không thương tiếc. Một câu chuyện cực kỳ phổ biến trong thời đại công nghệ số này. 

Bắt nạt trên mạng là một vấn nạn. Thứ áp lực mà nó tạo ra, nếu không là người trong cuộc, không ai có thể cảm nhận đầy đủ. Việc đề thi yêu cầu học sinh đặt mình vào vị trí của một người bị bắt nạt sẽ trang bị cho các em kỹ năng chống chọi lại áp lực, bản lĩnh vượt qua khó khăn. Ý nghĩa sâu xa hơn còn là sự gửi gắm hy vọng: Các em sẽ không trở thành người đi bắt nạt người khác. 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI