Chi phí sinh hoạt tăng cao, nhiều người Nhật chọn ngủ trong xe, quán cà phê

25/02/2024 - 20:23

PNO - Ngày càng nhiều người vô gia cư trung niên chọn cách ngủ trong ô tô hoặc tìm đến quán cà phê ngủ qua đêm do chi phí sinh hoạt tăng quá cao.

 

Người vô gia cư trung niên ngủ trong ô tô hoặc quán cà phê do chi phí sinh hoạt tăng cao
Nhiều người vô gia cư tuổi trung niên ngủ trong ô tô hoặc quán cà phê do chi phí sinh hoạt tăng cao

Yojji Takada (47 tuổi) từng là hình mẫu của một người thành đạt, có cuộc sống thoải mái thuộc tầng lớp trung lưu Nhật Bản. Anh là một nha sĩ kiếm được 10 triệu yên mỗi năm, sống ở vùng ngoại ô cao cấp Kansai cùng vợ và con trai. Cuộc sống hạnh phúc và đầy đủ của anh khiến nhiều bạn bè ganh tỵ và cho rằng cuộc sống của anh được xây dựng trên những nền tảng không thể lay chuyển. Nhưng đó là một cuộc sống trước khi đại dịch COVID-19 ập đến.

Dịch bệnh khiến nỗi sợ lây nhiễm làm bệnh nhân tránh xa. Sau đó là lạm phát, giá cả phổ biến tăng vọt. Thu nhập giảm, căng thẳng gia tăng. Takada vốn có mối quan hệ không tốt với giám đốc và cuối cùng trong một cơn giận bùng lên, anh và sếp cãi nhau. Cuối cùng anh bị sa thải. 

Thất nghiệp vào năm 2021, khi dịch bệnh và mọi việc vẫn còn chưa có gì ổn định, lẽ ra Takada có thể kiếm sống bằng công việc tự do, nhưng lại phải chịu áp lực và anh rơi vào trầm cảm lúc nào không hay.

"Có quá nhiều thứ đột ngột xảy ra. Tôi không thể đối mặt với nó” - anh nói.

Takada chìm dần vào trầm cảm, không muốn và không thể làm việc gì nhưng vay mua nhà đến hạn, tiền học phí của con trai khiến anh càng thêm cùng quẫn. Anh mượn chỗ này và vay chỗ kia rồi một ngày nọ, công ty bất động sản gọi điện đòi siết nhà. Vợ anh hoảng sợ. Takada bỏ trốn. 

Bây giờ anh ngủ trong một chiếc xe mượn của một người bạn, đậu ở bãi đậu xe của siêu thị hoặc khu vực dịch vụ đường cao tốc nào đó. 

Một ngày nọ, anh ghé vào một quán cà phê quen thuộc gần phòng khám cũ. “Tôi sẽ gọi một suất ăn sáng” - anh nghĩ. Nhưng khi xem giá, anh thấy phần ăn sáng đã tăng lên 200 yên. Anh lặng lẽ rời đi mà không nói gì.

Nagisa Yamada (42 tuổi), là người có thâm niên 20 năm hoạt động trong ngành công nghiệp giải trí khiêu dâm. Ở độ tuổi 20, cô đã kiếm được một triệu yên mỗi tháng. Cô có cuộc sống tương đối ổn định cho đến khi đại dịch khiến cô không còn đủ tiền để trang trải cuộc sống.

Giờ thì Yamada làm việc 5 ngày một tuần và kiếm được chỉ 200.000 yên một tháng. Số tiền tiết kiệm của cô ngày càng cạn kiệt rồi khi cô không trả được tiền thuê nhà, chủ nhà đã đuổi cô đi. Giờ thì Yamad ngủ chủ yếu ở các quán cà phê truyện tranh suốt đêm.

Tadashi Otani (40 tuổi), là nhân viên pha chế toàn thời gian tại một nhà hàng kiêm cơ sở tổ chức sự kiện, kiếm được 3 triệu yên mỗi năm và sống thoải mái trong khả năng của mình. Lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến người chủ của anh và quán bar đã đóng cửa. Otani giờ cũng chọn cách ngủ trong quán karaoke, không bao giờ rời khỏi khu vực này ngoại trừ thỉnh thoảng làm công việc giao hàng cho Uber.

Đề giải quyết tình trạng công dân thất nghiệp và thu nhập thấp, chính phủ Nhật Bản đã chi gần 70 tỉ yên trong vòng 4 năm cho đến năm 2023 để giải quyết khó khăn kinh tế do COVID-19 gây ra. Nhưng theo nhiều người thì những gói cứu trợ đã không đến được với tất cả mọi người. Trong khi đó các hộ gia đình Nhật Bản chi trung bình 26% thu nhập cho thực phẩm – con số cao nhất trong 40 năm.

Thảo Nguyễn (theo Japan Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI