Chi phí quốc phòng của thế giới tăng kỷ lục do nguy cơ xung đột

22/04/2024 - 11:15

PNO - Lần đầu tiên, chi tiêu quân sự của chính phủ tăng ở cả 5 khu vực địa lý trên toàn cầu, đạt mức cao kỷ lục 2.440 tỷ USD.

Chi tiêu quân sự của Israel tăng 24% chủ yếu do cuộc chiến ở Gaza. Ảnh: IDF/GPO/SIPA/Rex/Shutterstock
Chi tiêu quân sự của Israel tăng 24% trong giai đoạn 2022 - 2023 chủ yếu do cuộc chiến ở Gaza - Ảnh: IDF/GPO/SIPA/Rex/Shutterstock

Theo một báo cáo từ Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Sipri) ở Thụy Điển, chi tiêu quân sự toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục 2.440 tỷ USD, đánh dấu mức tăng chi tiêu hàng năm lớn nhất của các chính phủ cho vũ khí trong hơn một thập kỷ.

Mức tăng 6,8% từ năm 2022 đến năm 2023 là mức tăng cao nhất kể từ năm 2009. Trong lịch sử 60 năm của viện Sipri, lần đầu tiên, các nhà phân tích ghi nhận sự gia tăng chi tiêu quân sự ở cả 5 khu vực địa lý: Châu Phi, Châu Âu, Trung Đông, Châu Á - Châu Đại Dương và Châu Mỹ.

Nan Tian, ​​một nhà nghiên cứu cấp cao về chương trình sản xuất vũ khí và chi tiêu quân sự của Sipri, đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra xung đột ngoài ý muốn ngày càng cao khi các chính phủ chạy đua trang bị vũ khí.

Ông Tian nói: “Sự gia tăng chưa từng có trong chi tiêu quân sự là phản ứng trực tiếp trước sự suy thoái hòa bình và an ninh toàn cầu. Các quốc gia đang ưu tiên sức mạnh quân sự, nhưng họ có nguy cơ rơi vào vòng xoáy phản ứng tiêu cực trong bối cảnh an ninh và địa chính trị ngày càng biến động”.

2 quốc gia chi tiêu lớn nhất cho quốc phòng – Mỹ (37%) và Trung Quốc (12%) – chiếm khoảng một nửa chi tiêu quân sự toàn cầu, với mức tăng chi tiêu lần lượt là 2,3% và 6%.

Chính phủ Mỹ đã chi nhiều hơn 9,4% cho “nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và đánh giá” vũ khí so với năm 2022, giữa lúc Washington tìm cách đi đầu trong phát triển công nghệ.

Kể từ năm 2014, Mỹ đã chuyển trọng tâm từ các hoạt động chống nổi dậy và chiến tranh bất đối xứng sang “phát triển các hệ thống vũ khí mới có thể được sử dụng trong cuộc xung đột tiềm tàng với kẻ thù trang bị quân sự tiên tiến”.

Mặc dù bị Mỹ lấn át về chi tiêu quân sự, Trung Quốc đã phân bổ khoảng 296 tỷ USD chi tiêu quân sự vào năm 2023, tăng 6% so với năm 2022. Nước này liên tục tăng chi tiêu quốc phòng trong 29 năm qua. Nga, Ấn Độ, Ả Rập Saudi và Anh là những quốc gia kế tiếp trong bảng xếp hạng của Sipri.

Chi tiêu quân sự ở Trung Đông tăng 9%, ước tính 200 tỷ USD, khiến khu vực này trở thành khu vực có tỷ lệ chi tiêu quân sự cao nhất trên trung bình GDP (4,2%), tiếp theo là Châu Âu (2,8%), Châu Phi (1,9%). Châu Á và Châu Đại Dương (1,7%), Châu Mỹ (1,2%).

Tỷ lệ phần trăm tăng chi tiêu quân sự lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào vào năm 2023 là của chính phủ Cộng hòa Dân chủ Congo (+105%). Họ vốn đang có xung đột kéo dài với các nhóm vũ trang phi nhà nước, chủ yếu ở phía đông đất nước. Nam Sudan ghi nhận mức tăng phần trăm nhiều thứ hai (+78%) trong bối cảnh nội chiến.

Việc sử dụng quân đội để chống lại các băng đảng có tổ chức được cho là một yếu tố dẫn đến sự gia tăng chi tiêu quân sự ở Trung Mỹ và Caribe, nơi mức chi tiêu năm 2023 cao hơn 54% so với năm 2014.

Chi tiêu của Cộng hòa Dominica đã tăng 14% để ứng phó với tình trạng bạo lực băng đảng ngày càng gia tăng ở nước láng giềng Haiti.

Diego Lopes da Silva, nhà nghiên cứu cấp cao tại Sipri, cho biết: “Việc sử dụng quân đội để trấn áp bạo lực băng đảng đã là xu hướng chính trong nhiều năm, vì các chính phủ không thể giải quyết vấn đề bằng những biện pháp thông thường, hoặc bản thân họ muốn giải quyết xung đột ngay lập tức thông qua phản ứng bạo lực”.

Tấn Vĩ (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI