Chi phí điều trị cho phi công Vietnam Airlines mắc COVID-19 đã lên đến 5 tỉ đồng

15/05/2020 - 17:26

PNO - Hiện nam phi công này đang được lên phương án ghép phổi. Chi phí trung bình cho một ca ghép phổi từ 1,5 – 2 tỉ đồng.

Phi công Vietnam Airlines mắc COVID-19 không có người thân, không ăn được đồ Việt, thích ăn pizza
Phi công Vietnam Airlines mắc COVID-19 không có người thân, không ăn được đồ Việt, thích ăn pizza

Chiều 15/5, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết, khi mới vào bệnh viện điều trị hồi giữa tháng 3/2020, bệnh nhân thứ 91 mắc COVID-19 (43 tuổi, nam, quốc tịch Anh, phi công Vietnam Airlines) vẫn còn tỉnh táo. Anh chia sẻ với các bác sĩ rằng mình không có người thân. 

Cũng theo bác sĩ, những ngày đầu nhập viện, viên phi công người Anh này không ăn được thức ăn Việt, ít uống sữa, rất thèm "đồ Tây". Vì vậy, những người bạn cùng đi bar Buddha thường xuyên mua pizza đem vào bệnh viện cho anh. Ngoài ra, bệnh viện phải liên hệ với nơi công tác của anh này để hỗ trợ đặt thức ăn riêng.

Thế nhưng, chỉ sau khoảng 2 - 3 ngày tự ăn uống, nam bệnh nhân rơi vào hôn mê và thở máy cho đến nay. Hiện, bệnh nhân thứ 91 đã trải qua gần 2 tháng nằm viện (từ ngày 18/3), anh là ca bệnh nặng nhất trong các trường hợp mắc COVID-19 ở Việt Nam.

Hiện phổi của bệnh nhân 91 đã đông đặc gần như toàn bộ, cơ hội hồi phục 2 lá phổi rất thấp. Trong tình huống này, 1 tuần trước, Hội đồng Chuyên môn của Bộ Y tế đã đề xuất ghép phổi cho bệnh nhân. 

Để chuẩn bị ghép phổi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy cùng Hội đồng Chuyên môn của Bộ Y tế tiếp tục hội chẩn điều trị tổn thương phổi và đang tìm nguồn hiến tự nguyện phù hợp. Chi phí trung bình cho một ca ghép phổi từ 1,5 – 2 tỉ đồng và nhiều hơn tùy thuộc vào thời gian hồi sức sau ghép. Đó là chưa kể chi phí điều trị cho bệnh nhân này từ trước đến nay tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM đã hơn 5 tỷ đồng, do bệnh viện này chi trả.

Bên cạnh đó, thêm một vấn đề gây khó khăn hơn cho quá trình điều trị đó là bệnh nhân thứ 91 không có người thân. Theo bác sĩ Phong, ngay khi tiếp nhận bệnh nhân này, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM đã báo cáo với Bộ Y tế, liên hệ Đại sứ quán Anh để tiến hành thủ tục thông báo cho gia đình. Tuy nhiên, đến nay chưa có thân nhân bệnh nhân liên lạc với bệnh viện.

Về pháp lý, nếu phải ghép tạng, bệnh viện cần phải có sự cam kết đồng ý của người thân bệnh nhân. 

Trong khi đó, Đại sứ quán Anh hôm nay cho biết, các nhân viên ngoại giao nước này đang giữ liên lạc với bệnh viện. "Chúng tôi hết sức hỗ trợ bệnh nhân 91 cũng như gia đình anh ấy" - cơ quan ngoại giao Anh tại Việt Nam thông cáo.

Như Báo Phụ nữ TPHCM thông tin, phi công Vietnam Airlines mắc COVID-19 từ ngày 18/3. Đến nay, tình trạng sức khỏe bệnh nhân diễn biến thất thường, ngày càng xấu, 90% phổi không hoạt động, can thiệp ECMO 40 ngày, lọc máu, tiên lượng xấu.

Các chuyên gia đầu ngành hội chẩn thống nhất chỉ định ghép phổi, đánh giá đây là cơ hội cuối cùng để cứu bệnh nhân. Nguồn phổi ưu tiên từ người hiến tặng đã chết não.

Đến sáng 15/5, Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng Quốc gia đã tiếp nhận 40 đề nghị được hiến phổi để ghép cho bệnh nhân thứ 91, đa số là người Việt.

Bộ Y tế cho biết, vài ngày trước có người chết não hiến phổi phù hợp với nam bệnh nhân này, song phổi hiến không thể sử dụng do bị nhiễm trùng. Hiện Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng Quốc gia tiếp tục tìm kiếm nguồn phổi hiến phù hợp.

An Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI