|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Chị là dân buôn bán, chồng chị công chức ngày 8 tiếng sáng đi chiều về. Trước đây, khi công việc buôn bán của chị còn khó khăn mà 2 đứa con còn tuổi học trò tốn kém đủ thứ, chồng chị nhận việc làm thêm vào buổi tối và cuối tuần. Có thể nói anh đa năng, làm gì cũng được, từ sửa điện đến sửa đường ống nước bị rò rỉ cho tới mái tôn bị dột, làm vệ sinh máy giặt… Có những ngày không ai kêu làm việc gì thì anh vô bếp nấu nướng rồi lau dọn nhà cửa để chị yên tâm ngồi chợ và 2 đứa con có thêm thời gian học hành.
2 đứa con thấy cha chịu khó như vậy thì thương lắm. Ngày thi đậu đại học, con anh đã hỏi và hứa: “Ba thích gì nhất? Mai mốt con đi làm có tiền thì sẽ thực hiện điều đó cho ba”.
Chị cũng thương chồng lắm. Chiều nào từ chợ về thấy nhà cửa sạch sẽ tinh tươm và cơm canh dọn sẵn là biết ngày đó chồng không kiếm thêm được đồng nào và anh bù lại bằng công việc nhà. Chị la rầy 2 đứa con đừng để ba phải vô bếp hoài. Lúc đó, chồng nói tại anh thích làm.
Chị cũng nghĩ là khi điều kiện cho phép thì chị sẽ thực hiện điều chồng thích nhất như một món quà cảm ơn anh. Trước mắt là lúc công việc buôn bán thuận lợi hơn, chị đón bà cô từ quê lên giúp việc nhà; sau này thu nhập khấm khá hơn nữa thì chị sẽ không để anh phải đi làm thêm.
***
Buổi sáng, thức giấc đã có cà phê pha sẵn, chị hướng dẫn bà cô thêm vô ly cà phê đúng nửa muỗng cà phê sữa đặc cho đúng gu chồng chị. Bữa trưa cơm văn phòng thì thôi, cuối tuần, anh ăn cơm nhà thì trưa có món này và chiều có món kia…
Bà cô mau chóng nhận ra chồng chị được vợ con yêu thương lắm lắm cho nên sự chu đáo hơn cả mong đợi. Chị chỉ yêu cầu nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa mà bà còn ủi áo quần của anh thẳng thớm và học cả cách đánh giày…
Cô bạn hàng xóm nói chị ngồi chợ suốt từ ngày này qua ngày kia mà chưng diện cho chồng như vậy, không sợ người khác kéo đi mất sao. Câu nói đùa khiến chị cũng có lo lắng nhưng cảm ơn trời, điều đó không xảy ra.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
***
Mà xảy ra chuyện khác.
Chị nói với chồng là không phải làm công việc nhà nữa, anh hãy dùng thời gian ấy chơi một môn gì đó vừa là thư giãn vừa là tập thể dục cho khỏe người. Trong khu phố có hội dưỡng sinh, hội yoga, hội chạy bộ… Chị gợi ý chồng chọn chơi cầu lông để mai mốt dạy cho 2 đứa con và cả chị. Cầm vợt vui vui thì ai cũng biết nhưng chơi một cách bài bản thì phải có người rành rọt chỉ dẫn. Nghĩ tới lúc cả nhà mình làm thành 2 cặp đấu đôi với nhau, chị thấy vui trong lòng.
Cũng có vài lần 2 đứa con kêu chị dậy sớm để chơi với mấy cha con. Chị muốn vậy nhưng thật tình là chỉ cần nhìn thấy cha con cầm vợt cùng ra khỏi nhà, nghe cha con hào hứng thách đấu với nhau… là chị đủ vui rồi. Công việc buôn bán ngày càng khấm khá hơn đồng nghĩa bận bù đầu, nhiều ngày chị ở lại kho đến tối để lo việc đóng hàng kịp xe chở đi giao cho mối, rồi tính toán đơn hàng… Thành ra buổi sáng chị chỉ muốn nằm nán thêm một chút.
Khi 2 đứa con đều đã tốt nghiệp đại học và đi làm thì những trận cầu lông cha con giảm dần, các mối quan hệ bạn bè đồng nghiệp mới mẻ kéo 2 đứa về hướng khác, chồng chị đi chơi với hội cầu lông toàn những người tuổi trung niên. Thách đấu nhau ban đầu là chung chầu cà phê, sau là bữa ăn sáng, rồi thì bữa nhậu… Trước đây lãnh lương, chồng đưa hết cho chị, giờ thì không cần món tiền đó chị cũng dư sức lo toan cho gia đình nên để anh thoải mái với bạn bè.
Không phải đi làm thêm nữa, giờ đây chồng chị còn thêm thú vui trồng cây cảnh. Mảnh sân nhỏ trước kia để dựng xe máy của cha và con thì bây giờ anh đẩy hết xe vô phòng khách, lấy chỗ cho những chậu hoa lá, còn làm cái giàn sắt để đặt bể cá. Anh nói mai mốt nghỉ hưu sẽ về huyện mua miếng đất rộng tha hồ trồng.
Câu nói của anh khiến 2 đứa con xốn xang và chị cũng xốn xang. Lời hứa hôm nào được khơi lại… 2 đứa thì thầm với mẹ, lương tụi con chỉ đủ mua một rẻo đất thôi, phải nhờ có mẹ mới mua được 1 sào.
Dân phố mà về huyện mua đất trồng cây cảnh chơi? Chị nghĩ gần nghĩ xa. Dạo này chồng với hội cầu lông nhậu hoài, có vẻ như thể dục thể thao chỉ còn là cái cớ để rủ nhau uống. Nếu bận chăm chút vườn cây cảnh ở huyện chắc là anh không còn thời gian với hội cầu lông, cũng hay.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Cha con lên mạng tíu tít tìm kiếm thông tin rao bán đất ở huyện, rồi nhìn thấy tin rao bán miếng vườn đang có 500 cây bưởi da xanh, bán rẻ vì cần tiền gấp. Chị nói trồng cây cảnh chơi chơi thì được chứ nhà mình có ai biết làm nông đâu. Chồng cười tự tin, thì mình làm chủ rồi thuê người làm.
Chị nói, làm chủ thì càng cần phải biết việc mới nói người làm được. Anh nói anh sẽ học trong thực tế. Trước tiên, anh sẽ xin nghỉ phép và nghỉ không lương 1 tháng để dành toàn thời gian lo vụ này.
Từ 1 sào đất để chơi đùng một cái thành miếng vườn tiêu tốn gấp 10 lần mà đâu phải để chơi, chị phân vân. Nhưng ngày nào anh cũng đọc đi đọc lại thông tin đó với vẻ hối tiếc lắm nếu có ai mua mất, chị xiêu lòng.
***
Vậy mà thay vì học cách chăm sóc những cây bưởi, chồng chị lại học đòi làm ông chủ.
Người ta làm nông thì lo ra vườn sớm còn anh khề khà ở quán cà phê và gọi điện về dặn bà cô làm món sườn nướng, canh xương hầm và đồ xào thập cẩm, nhớ chuẩn bị ca cao sữa tráng miệng. Đừng để khi bày cơm trưa mà người làm nhìn thấy cơm ông chủ cũng canh rau trà đá như mình thôi!
Lặp lại như vậy suốt cả tháng, có những ngày anh còn dặn bà cô làm 3, 4 phần cơm vì hôm đó có mấy người bạn ghé chơi.
Sốt ruột quá, một buổi trưa, chị đóng cửa hàng chạy về huyện xem sao. 2g trưa mà chẳng thấy ai làm trong vườn, chiếc xe cải tiến chở bao phân nằm nghiêng ngả trong đám cỏ bốc mùi oi oi. Đi quanh một hồi thì chị thấy 2 người làm công đang dựa gốc cây xem điện thoại. Chị hỏi thì họ chỉ ra quán. Ra là anh với mấy ông bạn trong hội cầu lông đang uống bia.
Đi vài bước, chị quay lại, thấy 2 người làm nhìn nhau cười cười như biết trước sẽ được chứng kiến một màn cãi cọ tóe lửa. Thật chẳng ra gì!
Nhìn thấy chị, chồng đưa tay vẫy vẫy như thể anh đang hẹn chị ra đây uống bia. Chị dở khóc dở cười, tức giận thì rõ ràng là làm chồng mất mặt mà làm sao để mỉm cười được? Chưa kể là nếu chị cười vui chắc hội cầu lông sẽ rủ nhau vô đây nhậu nhẹt thường xuyên.
***
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Sao đến bây giờ chị mới nhận ra phiên bản khác của chồng mình? Hay đó là chính anh mà trước đây chưa có điều kiện để hiện rõ?
Cuộc sống gia đình lúc khó khăn anh phải làm thêm thì chị cũng rất cố gắng, khi anh làm việc nhà thì chị cũng lo buôn bán. Sao chị không thương mình vất vả suốt ngày ngoài chợ mà chỉ biết thương anh bận công việc nhà? Sao khi 2 đứa con nói thương cha chịu khó, chị không giải thích cho tụi nó thấy là mẹ cũng rất chịu khó? Lẽ ra không cần đến bà cô, chị nên để anh đóng góp công sức theo điều kiện lúc đó.
Và cả sau này khi tiền bạc rủng rỉnh, lẽ ra chị vẫn cứ hỏi tiền lương của anh như một khoản chi tiêu gia đình cần có, như một cách nhắc anh về trách nhiệm.
Lẽ ra chị nên than thở đôi chút về việc buôn bán để anh biết trân trọng đồng tiền chị kiếm được. Lẽ ra từ 1 sào đất để chơi mà đùng một cái thành miếng vườn tiêu tốn gấp 10 lần, chị phải cho anh thấy đó là một món nợ mà anh cũng phải góp phần trả chứ không để mặc chị xoay xở. Lẽ ra…
Tại chị nuông chiều anh quá chăng?
Nguyên Hương