Cả 5 cựu cán bộ này gồm: ông Nguyễn Văn Dũng (cựu Cục trưởng Cục II, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM), ông Võ Văn Thuần (cựu Phó cục trưởng Cục II, cựu Phó chánh thanh tra NHNN Chi nhánh TPHCM), ông Phan Tấn Trung (cựu Phó chánh thanh tra NHNN Chi nhánh TPHCM), bà Nguyễn Thị Phi Loan (Phó cục trưởng Cục II, Phó chánh thanh tra phụ trách Thanh tra giám sát (TTGS) NHNN Chi nhánh TPHCM), ông Nguyễn Tín (cựu cán bộ Cục II) đều thừa nhận hành vi phạm tội.
Theo cáo trạng, NHNN chi nhánh TPHCM được giao nhiệm vụ giám sát Ngân hàng SCB từ năm 2016 - 2022 và lập 4 tổ giám sát. Các tổ giám sát này có trên 70 lượt văn bản báo cáo, đề xuất về việc thanh tra, kiểm tra và đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt nhưng không được 5 cựu cán bộ trên chấp nhận. Nhóm lãnh đạo này chỉ triển khai 2 cuộc thanh tra đột xuất vào năm 2020 và 2022, nhưng làm qua loa, thu hẹp phạm vi thanh tra.
|
Quang cảnh phiên toà xét xử bà Trương Mỹ Lan chiều ngày 8/3 |
Cụ thể, NHNN và cơ quan thanh tra giám sát NHNN đề nghị Cục II đánh giá thực trạng tài chính và hoạt động của SCB để có kế hoạch tái cơ cấu SCB giai đoạn 2015 - 2019.
Tuy nhiên bà Nguyễn Thị Phi Loan (cựu Phó cục trưởng Cục II), ông Nguyễn Tín (cựu cán bộ Cục II) đã tham mưu cho ông Nguyễn Văn Dũng (Cục trưởng Cục II) ký văn bản không đúng với thực trạng tài chính và sai phạm của SCB (thực trạng tài chính năm 2014 của SCB đã âm gần 5.000 tỉ đồng thành dương gần 5.000 tỉ đồng; nợ xấu trên 3% nhưng báo cáo dưới 3%; không nêu các sai phạm của SCB…).
Đến năm 2017, sau khi kiểm tra SCB, các thành viên Tổ giám sát đã chỉ ra hàng loạt sai phạm và kiến nghị đối với các sai phạm. Tuy nhiên ông Võ Văn Thuần đã chỉ đạo ông Nguyễn Tín không ghi đầy đủ sai phạm về cơ cấu nợ, tín dụng, không kiến nghị đúng đến NHNN. Năm 2019, trước khi nghỉ việc, ông Nguyễn Tín mới lập báo cáo các sai phạm, yêu cầu rà soát, chấn chỉnh và xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan (bỏ kiến nghị tạm giải ngân với Dự án Mũi Đèn Đỏ, quận 7, TPHCM).
|
Ông Nguyễn Văn Dũng (cựu Cục trưởng Cục II, cựu Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM) gây thiệt hại cho SCB hơn 606.460 tỉ đồng |
Năm 2019, Tổ phó Tổ giám sát kiến nghị: “SCB đã vi phạm hầu hết các chỉ đạo của Thống đốc NHNN trong quá trình thực hiện kế hoạch tái cơ cấu. Tổ công tác đề nghị ban lãnh đạo xem xét đưa SCB vào giám sát toàn diện”, “Chánh TTGSNH xem xét tiến hành thanh tra pháp nhân SCB trong thời gian sớm nhất”, nhưng ông Võ Văn Thuần tiếp tục chỉnh sửa nội dung theo hướng có lợi cho SCB.
Giai đoạn 2020 - 2022, Tổ giám sát phát hiện SCB có thêm nhiều sai phạm trong quá trình giải ngân các khoản vay, tăng tài sản ảo… cần thiết phải phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ dòng tiền giải ngân của khách hàng. Tiếp tục đề nghị đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt nhưng ông Phan Tấn Trung không đồng ý.
Năm 2021, TTGS đề nghị NHNN chi nhánh TPHCM chỉ đạo giám sát đối với 12 hồ sơ phát sinh tại hội sở chính SCB với tổng dư nợ hơn 19.702 tỉ đồng; giám sát hoạt động cấp tín dụng đối với 6 khách hàng với tổng dư nợ hơn 1.558 tỉ đồng. Tổ giám sát đề nghị đưa vào kế hoạch thanh tra hồ sơ khoản vay của hàng loạt công ty, Hội sở SCB, Công ty Đầu tư Vạn Thịnh phát, công ty Sài Gòn Peninsula, nhưng ông Phan Tấn Trung đã chỉnh sửa, gạch bỏ hầu hết các nội dung liên quan đến việc đánh giá sai phạm và đề xuất của Tổ giám sát. Đồng thời trình báo cáo đã chỉnh sửa này cho ông Phan Văn Dũng - Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM ký duyệt rồi đem báo cáo này trình Thống đốc NHNN và cơ quan TTGS NHNN.
Từ năm 2020 - 2022, NHNN có 17 văn bản yêu cầu NHNN chi nhánh TPHCM thanh tra đối với 439 khoản vay có giá trị từ 50 tỉ đồng trở lên để xác định sai phạm tại SCB. Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Dũng đã chỉ đạo, kết luận do nguồn lực thanh tra giám sát hạn chế, khối lượng công việc lớn nên không thể thực hiện thanh tra được toàn bộ khách hàng mà sẽ lựa chọn khách có trọng tâm, trọng điểm.
Những sai phạm trên đã để cho nhóm của bà Trương Mỹ Lan và SCB cho vay trái pháp luật, hậu quả đến ngày 17/10/2022, SCB mất thanh khoản hoàn toàn số tiền hơn 677.286 tỉ đồng.
Tại phiên toà chiều 8/3, ông Phan Văn Thuần xác nhận sai phạm như cáo trạng nêu. Từ năm 2012 đến nay, ông có nhận quà của SCB vào các dịp lễ tết với số tiền là 1,8 tỉ đồng, đã nộp lại số tiền này cho cơ quan công an.
Ông Nguyễn Tín thừa nhận sai phạm. Ông Tín bổ sung thêm, ông chỉ là người soạn báo cáo không trung thực về tình hình tài chính của SCB theo chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Phi Loan, nhưng trong soạn thảo do “sơ ý nên cập nhật không đầy đủ”. Trong năm 2019, ông có nhiều lần báo cáo, kiến nghị lãnh đạo về sai phạm của SCB nhưng không được chấp nhận. Những sai phạm của ông Tín đã gây thiệt hại cho SCB với dư nợ hơn 227.932 tỉ đồng.
|
Ông Phan Tấn Trung (cựu Phó chánh Thanh tra NHNN Chi nhánh TPHCM) gây thiệt hại cho SCB hơn 216.225 tỉ đồng |
Bà Nguyễn Thị Phi Loan thừa nhận sai phạm. Bà bổ sung thêm, năm 2015 bà không còn giám sát SCB và có văn bản đề nghị tái cơ cấu SCB, đề xuất SCB tạm ngừng giải ngân các khoản vay. Bà Loan cho biết, lễ tết có nhận bánh kẹo, trái cây của SCB với tổng số tiền 470 triệu đồng. Hiện số tiền này đã được khắc phục. Những hành vi sai phạm của bà Loan gây thiệt hại cho SCB với dư nợ hơn 605.356 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Dũng đã gây thiệt hại cho SCB với dư nợ hơn 606.460 tỉ đồng; Phan Tấn Trung gây thiệt là hơn 216.225 tỉ đồng.
Tuyết Hoa Bích