“Ngày mai cô được xuất viện, về nhà, con cho cô gặp một chút”, bệnh nhân COVID-19 gọi điện, nhắn tin hẹn chuyên viên tâm lý (CVTL) Trương Thị Hồng Hà trước khi từ biệt.
Vẫy tay chào, vài lời chúc, một cái ôm thôi đã thành hành lý đặc biệt trong chuyến về nặng trĩu ân tình. Thay lời cảm ơn, có bệnh nhân đỏ mắt bày tỏ với một tình nguyện viên: “Cô sẽ nhớ con lắm! Cô xem Hồng Hà như con cháu trong nhà”.
“Không cho em đi làm tình nguyện là em bệnh!”
Một điều thú vị là đôi khi bệnh nhân (BN) chỉ lớn hơn chị Hồng Hà vài tuổi đã gọi Hà là con xưng cô ngọt xớt vì đoán chị… hai mươi mấy tuổi. Có thể BN đã bị người đàn bà tuổi 40 “đánh lừa” bởi vóc dáng mảnh mai, năng động cùng giọng nói trong trẻo, dịu ngọt y như cái tên của chị - tên một dòng sông.
Lẽ khác, công việc của tình nguyện viên (TNV) thường là của các cô gái son rỗi, chứ có gia đình rồi, không nhiều người “bỏ chồng bỏ con”, lao thân vào… chảo lửa.
|
Chuyên viên tâm lý Trương Thị Hồng Hà (trái) vui vẻ chụp ảnh lưu niệm trước giờ bệnh nhân xuất viện |
Từ nhỏ, chị Hồng Hà đã ước mơ được phục vụ cộng đồng và mơ ước ấy càng nung nấu hơn khi dịch bệnh lan tràn. Chị ướm hỏi ý các con trước dự tính tham gia tình nguyện chăm sóc BN trong bệnh viện (BV), con trai lớn 14 tuổi trả lời: “Mẹ làm gì mẹ thích là được”. Con trai nhỏ chín tuổi cũng “bỏ phiếu thuận”.
Các con được chị rèn tính tự lập nên không phải lo lắng gì khi mẹ nhà vắng. Mặt khác, khi mẹ đi vắng cũng là một trải nghiệm quý giá, cho các con có cơ hội “bung xõa” vì mẹ luôn thiết lập khung kỷ luật khá gắt trong gia đình.
“Chút trở ngại là từ phía ông xã. Anh lo mình không may bị lây nhiễm. Tuy nhiên, mình dọa “không cho em đi là em bệnh đó” nên anh không dám cản”, chị Hồng Hà kể.
BV Dã chiến thu dung số 12 (TP.Thủ Đức, TP.HCM, do BV Da Liễu TP.HCM phụ trách) nhận BN ngày hôm trước, thì hôm sau (22/7/2021) chị Hồng Hà đã đăng ký vào chăm sóc BN nặng.
Đang theo học thạc sĩ ngành tâm lý lâm sàng, chị nuôi ước nguyện được tham vấn tâm lý cho BN đồng thời kết nối một mạng lưới nhiều đồng nghiệp vào cuộc. Sau ba tuần hoạt động, thành quả rõ nét đối với sức khỏe của BN đã thay lời chị thuyết phục ban giám đốc BV về hiệu quả của hỗ trợ tâm lý trong điều trị BN COVID-19.
Khi Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) xây dựng chương trình “Vắc-xin tinh thần” theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, ước mơ của chị đã thành hiện thực vì có cơ duyên kết nối với mạng lưới trên 100 chuyên viên tâm lý (CVTL) đa số tư vấn qua tổng đài 0987.111.801 và một số CVTL “nằm vùng” ở các BV như chị để hỗ trợ trực tiếp.
Đã khoảng hai tháng “đầu quân”, chị nguôi dần nỗi nhớ nhà bởi nhà chị giờ là BV này, người thân chính là những người đang “chiến đấu” với con vi-rút quái ác. Nói cách khác, chị chỉ tạm chia tay người thân này để đến với người thân kia cần mình hơn.
Lúc đầu, chị gọi điện thoại ngẫu nhiên từ danh sách hơn 2.000 BN, nhận thấy một số trường hợp không cần thiết lắm (ngoài những ca được bác sĩ chỉ định). Chị nghĩ ra cách, thử tra trên mạng những tên thuốc mà BN đang dùng để đoán ai đang có nhu cầu hỗ trợ tinh thần. Không ngờ cảm nhận ấy, sự dò dẫm, chủ động ấy khá chính xác.
Hiệu quả kỳ diệu của liệu pháp tâm lý
Không ít BN vì quá lo lắng, hoang mang mà mất ngủ, bỏ ăn, hoặc buông xuôi: đòi tháo máy thở, đòi được chở về để chết tại nhà… Được đào tạo về tâm lý, chị Hồng Hà hiểu lúc ấy họ không còn kiểm soát được bản thân. Ngay từ đầu chị đã không vấp phải sự cự tuyệt, bất hợp tác của BN.
Chị khiêm tốn lý giải: “Chắc do khả năng bẩm sinh của mình là chăm sóc người bệnh”. Thật ra, chị hiểu và tôn trọng nguyên tắc tạo lập mối tương quan an toàn - khởi đầu của hành trình chữa lành.
Chị cứ từng chút một, ân cần hỏi han, lau mặt, dỗ dành đút nước, đút cháo, động viên thở, giặt quần áo… làm tất cả để BN cảm nhận được sự gần gũi, nâng đỡ tinh thần.
Có khi nồng độ ô-xy trong máu (SpO2) ở chỉ số khá tốt, mà BN lại than nghẹt thở. Chỉ cần ôm chị một cái, hai cái, cái ôm thứ ba đến chị nghẹt thở thì… BN khỏe. Đó là hiệu quả kỳ diệu của liệu pháp tâm lý.
Một nữ BN ở Q.4, TP.HCM mất ngủ và mệt, lại nhận hung tin mẹ qua đời từ một BV khác. Có mặt ngay lúc ấy, không thể nói lời gì để xoa dịu nỗi đau thấu tim này, chị Hồng Hà chỉ nắm tay BN trong tĩnh lặng.
Nhờ được động viên kịp lúc và liên tục, nhờ có thiên hướng tâm linh, tôn giáo, nữ BN khóc một đêm, sau đó ngủ được và khỏe hơn, không còn nặng đầu.
|
Trang nhật ký đầy ắp cảm xúc về hành trình tình nguyện của chị Trương Thị Hồng Hà |
“Cô tập bình tâm, buông tay, để mẹ được thanh thản ra đi con à! Ráng mau khỏe để về lo hương khói cho mẹ”, nữ BN bộc bạch.
Trong đôi mắt ánh lên nghị lực, kiên cường, dạt dào yêu thương ấy, chị Hồng Hà cảm nhận rõ giá trị những liều “vắc-xin tinh thần” đã trao cho nhau. Vắc-xin thần kỳ ấy không hề có tác dụng phụ, cũng không sợ quá liều bởi sức chứa của trái tim là vô tận.
BN xuất viện về, nếu gia đình có thân nhân mất, dễ sa vào vòng luẩn quẩn: không chấp nhận, dằn vặt, mặc cảm tội lỗi, nuối tiếc rồi đối diện, chấp nhận, xong lại quay về chối bỏ, dằn vặt… chị Hồng Hà vẫn tiếp tục đồng hành với những sang chấn tâm lý của họ.
Vui sướng nào bằng khi vừa bắt máy, các F0 lành bệnh vẫn còn nhớ tên, reo lên “Hồng Hà hả con?” và tuôn đủ thứ chuyện.
“Chỉ cần nghe giọng con là cô/chú khỏe liền, thở dễ hơn nhiều”, “Con là cô bé truyền lửa”… các BN nào biết lời khen tặng đơn sơ mộc mạc của mình lại là dưỡng khí cho người khoác chiếc áo tình nguyện.
Là giám đốc của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập Tường Minh (chuyên chăm sóc giáo dục trẻ tự kỷ), chị Hồng Hà thú thật đang gặp căng thẳng vì ảnh hưởng dịch bệnh kéo dài. Tiếp sức cho BN cũng là cách chị đi tìm động lực cho chính mình.
Trong quyển nhật ký của chị, trải trên 150 trang giấy là biết bao cảm xúc: ám ảnh trước những ánh mắt thất thần của BN; đau đớn khi biết tin họ đã chuyển tuyến trên và không qua khỏi. Có khi rơi vào trạng thái trầm buồn, chị được các giảng viên giám sát, giúp đỡ và chị phải tự tìm cách lấy lại thăng bằng.
Mấy ngày đầu vào BV, chị đã ngất xỉu vì bộ đồ bảo hộ bít bùng và cường độ làm việc cao, chị nghiêm khắc răn đe mình: “Vào đây là để phục vụ chứ đâu phải để người khác lo ngược lại!”. Từ đó, chị tự chăm sóc thật tốt để tăng sức đề kháng.
|
Chị Hồng Hà cùng hai con trai |
Chị thường gọi điện thoại cho mẹ, chồng, con… khi đang ăn để tranh thủ thời gian thăm hỏi, vấn an; vừa để khoe “bé ăn giỏi, hết suất, không kén ăn như hồi còn ở nhà”. Luôn quan tâm, sẻ chia, sống trọn lòng cũng là cách để không hối tiếc nếu chỉ giây phút nữa thôi, ai đó hoặc chính mình có thể sẽ phải “bay lên trời”.
Hơn hai tháng ở BV, cảm nhận lằn ranh sinh tử mỏng manh, CVTL Hồng Hà càng trân trọng gia đình và những người thân xung quanh, trân trọng phút giây hiện tại có nhau dù tạm thời cách mặt…
Tô Diệu Hiền