Chị Nga 'vé số'

18/01/2020 - 12:15

PNO - Dù hằng ngày phải kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo nhưng chị Nguyễn Thị Nga, vẫn dành nhiều tâm sức hỗ trợ phụ nữ nghèo.

Dù hằng ngày phải kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo nhưng chị Nguyễn Thị Nga, 49 tuổi, ở khu phố 7, P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân vẫn dành nhiều tâm sức cho hoạt động Hội, đặc biệt là công tác từ thiện và hỗ trợ phụ nữ nghèo vay vốn làm ăn.

24 năm lang bạt

Sớm 5/1, chị Nga tạm ngưng bán vé số, tề tựu tại nhà chị Nguyễn Ngọc Khoa, ở khu phố 4, P.Tân Tạo A, cùng chị em trong phường sên 10 ký mứt dừa non tặng nữ công nhân không có điều kiện về quê vui Tết nguyên đán Canh Tý. Ngày 12/1 tới, quận tổ chức làm 40 ký mứt dừa non nữa, chị Nga cũng đã đăng ký một chân đứng bếp. Nghỉ một ngày là hụt tiền gạo mắm, thuốc men một ngày, nhưng chị nói mình làm lụng cả đời, bớt vài bữa vì người khó hơn cũng đáng.

 

Phải bươn chải kiếm sống nhưng chị Nguyễn Thị Nga vẫn rất nhiệt tình tham gia công tác Hội.

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp lễ Vu Lan và những ngày cận Tết, chị càng tất bật, hết sên mứt, lại chuẩn bị gạo, mì, dầu ăn, nước tương, nước mắm… làm quà tặng chị em hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong khu phố. Chị khoe, cả mùa Vu Lan năm 2019, mình gói ghém cũng được hơn 100 phần, còn Tết này thì 30 phần (khoảng 200.000đ/phần). “May mắn là nhiều năm nay, chi hội nhận được sự giúp sức nhiệt tình từ các chị Nguyễn Thị Phượng, Đoàn Thị Ngọc Yến, Thái Thị Tuyết Nga. Các chị đều là người địa phương, có điều kiện kinh tế nên muốn san sẻ phần nào cho những người nghèo”, chị Nga cho biết. Nhìn gương mặt rạng rỡ với nụ cười thường trực, ít ai biết người phụ nữ này đã lang bạt tại Sài Gòn suốt 24 năm qua và nếm trải nhiều cay đắng. 

“Gia đình chị Nga vẫn còn trong diện cận nghèo. Dẫu vậy, năm nào chị cũng gõ cửa các nhà hảo tâm xin quà cho chị em khác, có năm được tới 500 phần. Chị không phải người giỏi ăn nói, nhưng rất nhiệt tình, thường tìm thông tin trên báo đài, tài liệu tuyên truyền của Hội đem về chia sẻ cho mọi người. Có lẽ nhờ vậy mà sinh hoạt chi hội ở khu phố luôn thu hút đông đảo hội viên tới dự, trao đổi với nhau nhiều nội dung”.

Chị Nguyễn Thị Xem - Chủ tịch hội LHPN P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân.

Học hết lớp 9 ở Nam Đàn, Nghệ An, Nga bỏ học, ở nhà  phụ ba mẹ cấy lúa, làm cỏ. Năm 1996, có người rủ vào Sài Gòn đi làm, kiếm được nhiều tiền mà chỉ phải đóng 4 triệu đồng lệ phí, Nga bảo ba mẹ vay tiền cho đi và tin: phía trước là miền đất hứa. Vô đến Sài Gòn, Nga cùng một số đứa trẻ được thả vào một cơ sở học may tại Q.10. Tại đây, cả tháng trời lũ trẻ ăn mì tôm sống, cũng không ai nhắc tới công việc, đứa nào chịu không nổi thì bung, muốn đi đâu thì tuỳ. “Tôi đi lang thang qua Q.6, thấy có quán cơm tuyển người rửa chén, phụ bưng bê, nên xin vô làm” - chị Nga nhớ lại.

Trong những ngày bưng bê, rửa chén bát ở quán cơm, chị Nga gặp anh Lý Nguyên Vinh chạy xe ôm. Cùng đồng cảm phận nghèo nên hai người đã nên duyên, Nga chuyển qua nghề bán vé số. Năm 2004, hai vợ chồng chị chuyển chỗ ở sang Q.Bình Tân, mua được miếng đất 30m2 để cất nhà và hằng ngày vẫn cần mẫn đi bán vé số. Mãi cho đến năm 2017 gia đình chị mới thoát diện hộ nghèo. Cứ ngỡ cuộc sống từ nay đã ổn, nào ngờ, chị lại mắc bệnh tiểu đường, rồi mới đây chồng lại bị tai nạn giao thông gãy xương sườn, dập phổi… “Nhưng chông gai dường như mới bắt đầu”, giọng chị Nga chùng xuống.  

Sống là để cho đi

Vợ chồng chị Nga có hai người con. Trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề, nhưng hai con chị lại giỏi giang ngoan ngoãn. Cô con gái lớn Lý Kim Loan vừa tốt nghiệp Trường Đại học Sài Gòn, đã xin được việc làm tại Trường THCS Tân Tạo A.. Cậu con trai Lý Nguyên Hảo cũng đang học tại Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông năm thứ nhất. Thương ba má vất vả, Hảo vừa học đại học vừa tranh thủ đi làm thêm trong siêu thị để có tiền trang trải học tập.

Dù khó khăn, nhưng ở khu phố hễ thấy chị em nào đau ốm, túng quẫn là chị Nga lại tìm cách giúp đỡ. Tham gia công tác Hội từ năm 2007, chị được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 7, P.Tân Tạo A. Chi hội gồm 9 tổ phụ nữ, mấy năm trước chỉ có 70 hội viên, nhưng nay đã lên con số hơn 300. Chị Nga cười: “Mình không có tiền thì giúp sức. Ở đây chị em còn nghèo lắm, tôi giới thiệu cho mọi người vay vốn bán hàng bông, ve chai, tạp hóa nhỏ. Ai đang đau ốm, quẫn bách thì mình kêu gọi nhà hảo tâm. Tôi chỉ là một người bán vé số, nhưng có lẽ được mọi người quý mến nên việc vận động không quá khó khăn. Tình cảm của mọi người đã giúp tôi vững vàng hơn trong công việc”.

 

Chị Nga (thứ 3, từ trái qua) cùng cán bộ, hội viên phụ nữ P.Tân Tạo A làm mứt dừa tặng công nhân dịp Tết.

Trong khu phố có bà Nguyễn Thị Anh, 64 tuổi, làm nghề se nhang thuê nuôi cháu nội học lớp Một. Thỉnh thoảng, chị Nga lại đến cho bà Anh 10kg gạo, mấy chai nước mắm, cân đường. Chị Nguyễn Thị Thanh Lan, ở tổ 54, trước đây làm bảo mẫu, chồng làm bảo vệ, không có khả năng sửa chữa căn nhà đang xuống cấp nghiêm trọng, cũng được chị Nga giới thiệu vay vốn mua xe thu gom ve chai và sửa chữa nhà.

Vỡ nợ, chị Nguyễn Thị Kim Dung, ở tổ 54, định ôm hai con nhỏ bỏ xứ. Biết vậy, chị Nga tới nhà động viên, phân tích được mất và cùng tìm cách tháo gỡ. Cuối cùng, chị viết giấy giới thiệu cho chị Dung vay 10 triệu đồng vốn Hội để mở một cửa tiệm nhỏ bán phụ tùng xe máy. Việc buôn bán ngày càng thuận lợi, chị Dung đã có tiền sửa lại căn nhà dột nát, ổn định cuộc sống.

Tôi đến P.Tân Tạo A lần nào cũng thấy chị Nga tất bật. Ở đây, cán bộ hội viên hay nấu cơm tặng người nghèo, làm bánh, mứt dừa tặng công nhân. Mỗi đợt như thế, cứ 2 - 3 giờ sáng là chị thức dậy đi bộ đến nơi tập trung nấu nướng để tham gia cùng với mọi người cho đến khi xong việc xã hội mới lại đi bán vé số. Chị Ngô Thị Bạch Tuyết, một nữ chủ nhà trọ ở P.Tân Tạo A, thể hiện sự thiện cảm: “Hôm Tết Kỷ Hợi, chúng tôi sên gần 50kg mứt dừa tặng công nhân, làm ngay sân nhà tôi. Trời chưa kịp sáng chị Nga đã tới. Bả lúc nào cũng lặng lẽ, chẳng nói gì nhiều, chỉ cặm cụi làm thôi”.  

Thảo Nguyên

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI