"Chỉ nên đầu tư vốn nhà nước vào các doanh nghiệp then chốt, thiết yếu"

23/11/2024 - 11:00

PNO - Đây là ý kiến của Ủy ban Tài chính, Ngân sách vào dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi).

Ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị
Ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị chỉ đầu tư vốn vào nhà nước doanh nghiệp trọng yếu, then chốt - Ảnh: Media Quốc hội

Sáng 23/11, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã trình bày tờ trình dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi). Một điểm đáng lưu ý tại dự thảo là quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.

Vốn của nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được xác định theo mức vốn do cơ quan đại điện sở hữu vốn đầu tư vào doanh nghiệp và doanh nghiệp đã ghi nhận đủ vốn tương ứng với tỉ lệ vốn góp tại điều lệ công ty và giấy chứng nhận đăng ký của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp gồm nguồn từ ngân sách nhà nước và quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp, lợi nhuận, cổ tức được chia bằng cổ phiếu theo quyết định của cấp có thẩm quyền, giá trị thặng dư cổ phiếu.

Phạm vi đầu tư vốn gồm: đầu tư thành lập doanh nghiệp vào doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế; đầu tư bổ sung vốn vào doanh nghiệp mà Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực ngành nghề quan trọng, thiết yếu....

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đánh giá, nội dung về vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được quy định tại dự thảo Luật chủ yếu đưa ra các nguyên tắc xác định nguồn, phạm vi, điều kiện, hình thức đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm đúng tinh thần của Nghị quyết số 12-NQ/TW; theo đó, chỉ tập trung đầu tư vốn vào một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực then chốt, thiết yếu hoặc lĩnh vực mà các doanh nghiệp khác không đầu tư.

Thảo luận tại tổ, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) cho rằng cần quy định rõ, vấn đề về phần vốn nhà nước, không được nhập nhằng. Trong trường hợp, vốn Nhà nước là vốn điều lệ, tư nhân góp vốn 49%, sau nhiều năm làm ăn, tài sản tăng lên, tích lũy để lại, thì luật cần phân biệt rõ phần vốn đó thuộc về ai, nhà nước hay của cả các cổ đông khác?

Hoặc khi doanh nghiệp mang phần vốn tăng thêm đó đi đầu tư, rồi thua lỗ, thì cán bộ có thể bị quy trách nhiệm là thất thoát tài sản nhà nước hay không, trong khi thực tế phần vốn tăng thêm đó không hoàn toàn là của nhà nước. ĐBQH nhấn mạnh, cần có quy định rõ cơ chế quản lý với phần vốn tăng thêm này để tạo điều kiện cho tư nhân yên tâm đầu tư.

ĐBQH chỉ ra, đầu tư là phải có lỗ, lãi, nên doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng phải có sự linh hoạt, nếu dự án này lỗ, nhưng dự án khác lãi, tổng hợp lại vẫn hiệu quả là được. Nếu không chấp nhận lỗ, lãi thì Nhà nước không đầu tư. Nếu tiêu cực, tham nhũng thì xử lý nhưng thua lỗ do những yếu tố khách quan thì cần phải được xem xét khi xử lý để bảo đảm sự phù hợp.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI