Chỉ mong còn được ở cạnh người thân

30/06/2021 - 13:41

PNO - Thời dịch giã, bạn tôi nhận xét rằng, lần giãn cách này ít hẳn những khoe khoang, dù là khoe của, khoe tài, khoe sắc hay khoe những thú vui trưởng giả, tận hưởng an nhàn.

Chị bạn tôi kể, một trong nhiều lý do khiến chị chia tay chồng là có lần anh cáu gắt và dằn vặt chị bằng thái độ theo chị là “rất cố tình và kỳ cục” chỉ vì món canh hôm đó chị nêm hơi mặn.

Từ chuyện món canh lại thành ra một cuộc đấu khẩu. Bữa cơm chiều hôm đó vậy là tan tành.

Có những đổ vỡ kỳ lạ kiểu như vậy. Tất nhiên, mỗi đổ vỡ hay gắn kết chỉ người trong cuộc thấu hiểu. Bạn sẽ không biết nó đến từ đâu nhưng dường như nó ở sẵn trong những cư xử hằng ngày, trong tương tác giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái.

Nhiều khi, chỉ cần một sự khích lệ nhỏ hay những cảm thông bé xíu đã đủ để những người trong cuộc cảm thấy ấm áp. Thế nhưng, sự gãy đổ, cũng vậy, có sẵn trong từng lời nói, cử chỉ gây tổn thương và gây ra những vết xước mãi không lành, mỗi lúc bên nhau.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Chị bạn tôi, nhiều lần chép miệng tự trách “giá mà hiểu ra sớm thì sẽ…”. Nhưng, có thật là sẽ có những điều không xảy ra như cách ta mong muốn nếu ta “hiểu ra sớm” không? Khi ấy, ta có khác đi, có đảo ngược quyết định sẽ không gắn kết với người này mà là người khác?

Liệu, ai đó sau rất nhiều khổ sở, vấp váp, có dám đoan chắc rằng mình sẽ lựa chọn tốt hơn nếu được quay trở lại quá khứ? Hay nếu biết sẽ làm tổn thương người kia, liệu có luôn nhắc mình nương nhẹ từ đầu?

Một chị bạn khác lại kể rằng nhiều khi không hiểu vì đâu, chị không còn nhìn thấy ở chồng mình một manh mối nào của con người duy nhất từng khiến chị có cảm giác “cuộc sống này thật trọn vẹn”.

Khoảnh khắc nhận ra điều “nghiệt ngã” ấy gần như để lại nơi chị một sự tiếc nuối (và cả tuyệt vọng) khi anh bây giờ luôn cau có và cộc cằn.

Tuy nhiên, chính người chồng trông thật khó gần của chị lại là người đã ở bên ngoài phòng mổ suốt một ngày một đêm để đợi chị tỉnh. Anh là người đầu tiên nắm lấy tay lúc chị ở phòng hậu phẫu, khi chị đau đớn và sụp đổ.

Anh là người, rồi đây, dù vẫn cau có và “khó ưa” nhưng lại nhẫn nại song hành cùng chị vượt qua bất trắc mà chị gặp phải. Gia đình, nhiều khi chỉ cần là người này còn thấy cần thiết với người nọ nhưng ở đó đừng là sự dửng dưng.

Thời dịch giã, bạn tôi nhận xét rằng, lần giãn cách này ít hẳn những khoe khoang, dù là khoe của, khoe tài, khoe sắc hay khoe những thú vui trưởng giả, tận hưởng an nhàn.

Qua hoạn nạn, chúng ta bắt đầu nhận ra “sống thật” là một chuyện, “sống đẹp” lại là chuyện khác. Kiểu như không nói về thứ mà người khác có ít hơn mình đã là tử tế. Quan trọng hơn, trong mùa dịch, dường như không còn là “sống chậm” nữa, mà thay vào đó là chủ đề “sống sót”. 

Những từ như “sống sót”, “sống thật” lại là những từ ngữ đầy hợp lý để áp vào không gian nhỏ bé của gia đình. Ở đâu đó, sẽ có những hào nhoáng, những hạnh phúc thuộc về riêng tư mà người ta đưa công khai lên mạng và có nhiều người lấy chúng ra để so sánh thiệt hơn.

Mạng ảo đã đành nhưng rất nhiều khi, ta muốn lấy chúng áp vào cuộc sống thật, nên nhiều sự trật chìa và hầu hết, tệ hơn là luôn cảm thấy mình bất hạnh.

Trong khi, cái cần cho việc “sống thật” là chấp nhận những thô nhám, thậm chí là xấu xí của vợ của chồng, hiểu rằng rồi ở đó cũng có trầy trụa, cũng có tổn thương nhưng ngược lại, cũng có những điều vô cùng giản dị và đẹp đẽ.

Đẹp đẽ và khiêm nhường như phút giây “lóp ngóp bò dậy” vào mỗi buổi sáng trong mùa dịch này, tôi cũng như nhiều bạn bè khác của mình, hẳn là cảm thấy mình may mắn vì vẫn còn được an toàn, còn được ở cạnh người thân. Giờ đây, đơn giản mỗi bữa cơm còn được ăn cùng nhau đã là vô vàn quý giá và hạnh phúc. 

Khoảnh khắc này dường như chỉ cần có thế. Chúng không có gì to tát, không mãi mãi, giống như mọi niềm vui, nỗi buồn, ngọt ngào và cay đắng mà cùng với gia đình mình, ta đã trải qua. Tự nhủ rằng, cuộc sống là một cuộc hướng thiện và dù sao đi nữa, hãy nhắc nhau về những điều tử tế. 

Minh Phúc 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI