Chị Lê Thu Hương - sáng lập Leap Art Việt Nam:“Tình yêu với nghề thêu cho tôi động lực”

25/11/2024 - 17:49

PNO - Say mê nghề thêu thủ công, Lê Thu Hương rời ngành giáo dục. Chị miệt mài sáng tạo ra nhiều sản phẩm mà ở đó, cái hồn truyền thống hòa quyện với cái nền đương đại. Thời trang chưa đủ để bày tỏ sự đắm đuối ấy, chị mở rộng sang lĩnh vực nội thất thêu. 4 năm là quãng đường không quá dài nhưng cũng đủ để Hương và Leap Art định danh, tạo dấu ấn vững chắc trong lòng người yêu cái đẹp.

Thích sáng tạo hơn hoài niệm

Không sinh ra và lớn lên trong gia đình có nghề thêu, cũng không học hay làm việc liên quan đến ngành thời trang hay mỹ thuật, niềm say mê của Lê Thu Hương đối với nghề thêu có lẽ bắt nguồn từ việc nhìn thấy những sản phẩm thêu tỉ mỉ và trau chuốt của các nghệ nhân đang dần bị lãng quên. Xen lẫn một chút gì đó nuối tiếc và cảm thán, Hương nghĩ, chỉ khi tìm cách đưa nghề thêu vào các sản phẩm hằng ngày mới có thể giúp nghề không mai một. Nghĩ là làm, năm 2021 - giữa thời điểm COVID-19 vẫn đang ám ảnh nhiều gia đình, Leap Art ra đời.

Một số sản phẩm nội thất thêu của Leap Art
Một số sản phẩm nội thất thêu của Leap Art

“Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình thật liều lĩnh. Giữa thời buổi mọi người đều cắt giảm chi tiêu, cũng chẳng ai buồn mua sắm đồ thời trang, tôi lại đâm đầu làm. Nhưng nếu không làm mà cứ chờ thì biết chờ đến khi nào. Tôi không chỉ sợ lửa trong lòng mình vơi mất mà còn sợ khi mọi thứ đã sẵn sàng mà mình vẫn chưa có gì” - Hương bồi hồi nhớ lại.

Sản phẩm thời trang của Leap Art khá đa dạng, từ áo, khăn, váy, đầm đến áo dài… Mỗi sản phẩm đều được thêu, đính thủ công nhuần nhuyễn, tinh tế với bảng màu bắt mắt, hiện đại. Quan trọng hơn, từ phom dáng đến mẫu thêu đều có sự phối trộn hài hòa giữa tư duy thiết kế hiện đại và nghệ thuật thêu truyền thống.

Hương nói rằng, tâm nguyện của chị không phải là làm ra những sản phẩm đậm chất hoài niệm mà là có những thiết kế theo phiên bản hiện đại. Tức là chất lượng phải cực kỳ ổn định và có quy chuẩn, quy trình riêng. Từ màu sắc cho đến kỹ thuật thêu, từ mẫu 1 đến mẫu 10 phải y hệt nhau, không có độ chênh hay thêu theo cảm giác, theo tâm trạng - một trong những hạn chế của nghề thêu truyền thống. Tiếp đến là tính mỹ quan cho từng sản phẩm, làm sao để nhìn vào đó, người mặc cảm thấy phảng phất một chút dư âm của kỷ niệm nhưng vẫn tự tin diện nó trong đời sống hiện đại. Cuối cùng là tính ứng dụng cao. Một sản phẩm có thể kết hợp với nhiều sản phẩm khác trong tủ quần áo, vừa đảm bảo tính bền vững, vừa đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng.

Chị Lê Thu Hương
Chị Lê Thu Hương

Năm 2023, Hương và các cộng sự tại Leap Art tự tin giới thiệu những sản phẩm mang dấu ấn riêng, ngay lập tức được người tiêu dùng ưa chuộng và thích thú. Lần đầu tiên những chiếc áo trấn thủ, những chiếc khăn mỏ quạ, những chiếc áo tứ thân mớ ba mớ bảy hoặc quen thuộc hoặc đã trở thành một phần của di sản ký ức có phiên bản hiện đại và đậm tính thời trang. Hương nói đó không chỉ là niềm tự hào của chị và đội ngũ mà còn là tiếng nói mạnh mẽ của nghề thêu thủ công khi mang lại những thiết kế vừa thẩm mỹ vừa nghệ thuật.
Là dân ngoại đạo, tất nhiên để gặt hái được những thành quả dẫu là “nho nhỏ” như Hương khiêm tốn nói, chị đã phải vượt qua không ít thách thức: “Thay vì rập khuôn truyền thống hoặc bê nguyên họa tiết, hình vẽ truyền thống lên sản phẩm, tôi chọn con đường khó hơn một chút nhưng vẫn giữ được chất riêng mình muốn và cũng là tâm nguyện của tôi khi bước chân vào nghề này”.

“Tôi muốn tạo chất riêng, để lại ấn tượng cho mỗi thiết kế để nhìn vào, người yêu thời trang nhận ngay ra dấu ấn của mình. Nhưng cái lạ, cái độc đáo đó phải mới mẻ và nữ tính chứ không dị, không quái, không gào thét để chứng tỏ mình là ai”.

Lê Thu Hương

Để sản phẩm thêu đạt yêu cầu như mong muốn, Hương thiết lập và vận hành đội thêu thành 3 tốp riêng. Một tốp thợ trẻ thêu lát nền, sau mới đến thợ thêu tinh, tốp cuối cùng chuyên về đính kết. Thay vì đưa ảnh cho thợ tự chọn chỉ thêu, phỏng đoán màu rồi thêu theo ý riêng, Hương chuẩn hóa từng mã chỉ, đảm bảo chất lượng ổn định. Ngoài đội thêu cố định, chị cũng làm việc với các thợ thêu ở Thường Tín (Hà Nội) để đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng. Riêng khâu sáng tạo, Hương là người lên ý tưởng chính. Đồng hành với chị có 5 nhà thiết kế cùng một niềm say mê.

Trung bình, một mẫu thêu đơn giản trên khăn hoặc áo mất 5 ngày. Với những mẫu cầu kỳ, họa tiết phức tạp hơn, thời gian thực hiện có thể lên đến 20 ngày hoặc hơn. Ý tưởng trong Hương luôn nảy nở nhưng chị học cách “lắng nghe” thị trường để “không chạy theo các thương hiệu khác”. Đó cũng là điều cần thiết cho một thương hiệu non trẻ như Leap Art nếu muốn đi đường dài. Hiện tại, Hương đang ấp ủ ý tưởng làm áo trấn thủ thêu hình linh vật tết 2025 nhưng chị vẫn chưa ưng lắm về họa tiết.

Mẫu đèn Thăng hoa được  giải Xuất sắc tại giải thưởng  Kiến trúc châu Á 2023
Mẫu đèn Thăng hoa được giải Xuất sắc tại giải thưởng Kiến trúc châu Á 2023

Tiên phong mang nghề thêu vào nội thất

Thời trang và nội thất luôn có mối liên kết đặc biệt, biểu thị phong cách của người sở hữu. Với Hương, nghề thêu truyền thống là cả một nghệ thuật mà chị cảm thấy nếu chỉ ứng dụng vào thời trang thì vô cùng lãng phí. Vậy là chị đánh liều đưa thêu vào các sản phẩm nội thất, từ đèn để bàn đến sofa, ghế dài, bàn ăn… Tất cả đều tỉ mỉ, công phu, chăm chút và tạo nên không gian sống đầy chất thơ. Leap Art có lẽ là thương hiệu Việt Nam tiên phong và duy nhất đưa các sản phẩm thêu vào nội thất vì độ phức tạp của nó cũng như khả năng đầu tư, trường vốn là rất lớn.

Khai phá mảnh đất mới đầy tiềm năng có thuận lợi riêng nhưng cũng không ít thử thách từ đầu tư, sản xuất đến bán hàng. “Để tiếp cận người tiêu dùng đúng phân khúc và đảm bảo dòng tiền xoay vòng là không hề dễ. Đã không ít lần tôi muốn cất mảng nội thất sang một bên. Trăn trở mãi thì nghĩ đến việc nghề thêu truyền thống của mình đẹp thế mà không mở rộng sang lĩnh vực khác thì thật đáng tiếc. Mình phải làm, phải hiện thực hóa để có thêm nhiều người biết” - Hương chia sẻ. Rồi chị lại lục tục mày mò, lên ý tưởng. Chỉ trong một thời gian ngắn, các sản phẩm nội thất của Leap Art đã ra đời với đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhiều nhu cầu.

Một trong những trái ngọt đáng tự hào nhất phải kể đến là chiếc đèn bàn Thăng hoa do Leap Art Furniture kết hợp cùng Bat Trang Museum Atelier. Hương đến thăm bảo tàng gốm và thấy thật tiếc nếu chỉ để bàn chân múa ballet trang trí. Cuộc “nên duyên” giữa 2 nghề truyền thống trong suốt 8 tháng phát triển và hoàn thiện đã tạo nên chiếc đèn vinh dự đoạt giải Xuất sắc hạng mục Phụ kiện nội thất tại Asia Architecture Award 2023 (giải thưởng Kiến trúc châu Á 2023). Phần thân đèn có hình bàn chân múa ballet bằng gốm với các lớp men chồng lên nhau tạo độ sâu, độ trong khác nhau. Phần chao đèn khai thác kỹ thuật đính kết thủ công kết hợp thêu tay truyền thống. Họa tiết hoa cúc dây của cố nghệ nhân nhân dân gốm Vũ Thắng được người thợ thêu lành nghề tái hiện bằng đường kim mũi chỉ với đường lượn mềm mại, hình khối rõ nét, sợi thêu kín, hình dáng cân đối, màu sắc sang trọng, tươi sáng. Mỗi chiếc chao đèn vì thế cần đến 100 giờ làm việc.

Hương không ngủ quên trên những thành quả đó. Chị vẫn đang miệt mài làm việc để ngày càng nhiều người yêu cái đẹp biết rằng nghề thêu cũng có thể đi vào đời sống đương đại, tạo ra vô số sản phẩm hữu dụng hằng ngày, không chỉ gói trong chiếc khăn hay tà áo.

Hoàng Linh Lan - Ảnh do nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI