Nhìn bên ngoài, không ai biết chị tôi là nhà báo. Sáng ra, 2 đứa nhỏ, đứa 4 tuổi ngồi đằng trước, đứa 9 tuổi ngồi đằng sau, người ta chỉ thấy người đang được 2 đứa trẻ vòng tay ôm chặt đó là một phụ nữ tầm thước, vững vàng chạy chiếc xe máy treo đủ thứ ba lô và giỏ xách, bắt đầu chuyến rải quân đầu ngày của một bà mẹ.
Chị tôi bảo nghề báo cho chị cái đặc ân này để chị được đưa con đến trường và hiểu biết sâu những gì đang xảy ra ở đó.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Tôi nói: “Nhìn người ta làm báo hầm hố, máy ảnh máy quay ống kính to đùng, tóc ngắn cá tính, áo quần ký giả sang chảnh phong cách ngời ngời, ai đâu như bà - nhìn bình thường hổng có gì ấn tượng trơn trọi!”. Chị chỉ cười cười, nói: “Chị làm báo chỉ có cái… lỗ tai thôi em”. Tôi trợn mắt: “Tai chị thậm chí 1 đôi bông cho thời trang cũng không có”. Nếu chụp hình mô tả người chị nhà báo của tôi, chắc người ta chỉ thấy chân dung một bà mẹ, một bà chị… nói chung là một người đàn bà bình thường.
Vậy mà người đàn bà bình thường đó đã giữ tôi mười mấy năm nay trung thành với tờ báo của chị, trăn trở không yên mỗi lần đọc, đến mức phải hỏi chị chuyện này chuyện kia là thực hay hư cấu. Chị lại cười: “Chuyện thật đó em ơi! Thiệt tình nhiều lúc chuyện thật như đùa, nhất là khi gia đình cơm không lành canh không ngọt, kéo nhau ra trước pháp đình”. Chị nói chỉ có đàn bà mới hiểu chuyện của nhau, mới thấu niềm vui nỗi buồn, mới biết cái gì có thể sẻ chia, lay động trái tim người đàn bà khác.
Ngẫm lại, quả là chị đúng. Ở cái thời mà làm báo còn là nghề ít người dám nghĩ tới ở xứ mình đã thấy chị em phụ nữ góp mặt. Nữ giới chung là tờ báo phụ nữ đầu tiên, đến Phụ nữ Tân văn là tờ báo nữ giới nức tiếng, cùng thời còn xuất hiện thêm Đàn bà mới và mấy tờ sau đó…
Bây giờ, các nhà báo nữ có mặt trên hầu như tất cả mặt trận, tất cả cung bậc của cuộc đời. Lý do để các nhà báo nữ dấn thân vào nghề là muôn hình vạn trạng nhưng có một điểm chung là tình yêu với nghề. Có lẽ tình yêu ấy bắt nguồn từ cái thiên hướng - phụ nữ là người kể chuyện, là người lắng nghe, là người ngẫm chuyện. Cũng vì vậy, tờ báo của phụ nữ dù chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng thấm đẫm hương vị của đời thực, phong phú, tinh tế từ những trải nghiệm của con người.
Lâu lâu nghe chị nói nửa thiệt nửa giỡn: “Chị làm báo nhà”. Tờ báo của chị là tờ báo của gia đình, ai cũng đọc được, ai cũng tìm thấy mình trong đó. Tôi thì nghĩ khác, không chỉ làm báo cho nhà mình, chị còn có hạnh phúc là được làm báo cho chính mình. Phụ nữ nghe thấy tiếng nói của chính mình, nhìn thấy hình ảnh của mình từ những trang báo ấy. Đàn bà làm báo đàn bà - cái đẹp, cái hay của tờ báo là cái đẹp, cái hay của chính mình. Bởi vậy mà yêu thương gắn bó.
Có giai đoạn chị em rần rần khuyên nhau phải biết sống cho mình, mỗi nơi giải thích theo một kiểu. Ai cũng nói phải sống cho mình nhưng mình là ai, mình như thế nào đôi khi mình còn không hiểu thì làm sao sống cho mình. Những ngày đó, tôi tin vào tờ báo của chị. Khi bản thân bị người khác mô tả, việc mình làm bị người khác phán xét, quan điểm của mình bị người khác áp đặt; lúc nào đó mình cũng không chắc được mình có đang hiểu đúng mình không. Tiếng nói của chị em, lúc đó, trở thành một nguồn an ủi đáng tin cậy.
Những phụ nữ đầu tiên làm báo ở Việt Nam đã tự nhận về mình một trọng trách: giáo hóa chị em, dùng tờ báo để dạy bảo nhau cho thông tỏ phép nhà, luật nước, xử sự việc chung việc riêng cho có tình có lý, làm cho tiếng nói của nữ giới ngày càng được coi trọng. Trong dòng chảy văn hóa ngàn đời nay của một dân tộc coi “phúc đức tại mẫu”, “con dại cái mang”, người mẹ, người vợ là nền tảng quan trọng cơ bản của mỗi gia đình để hình thành nền nếp, truyền thống tốt đẹp của xã hội. Tờ báo của chị tôi đang bồi đắp, giữ gìn cái nền tảng ấy, lặng lẽ từng ngày…
Hoàng Mai