Chỉ làm cha mẹ khi đủ thương yêu

17/06/2023 - 07:28

PNO - Nếu theo dõi nhiều phiên tòa ly hôn, bạn sẽ thấy cuộc chiến giành con giữa những người đã trở thành vợ cũ/chồng cũ của nhau muôn hình muôn vẻ. Nhưng nếu giành con cho bằng được chỉ vì coi chúng như một tài sản cần chứng minh quyền sở hữu, thì sau đó những bi kịch khác lại bắt đầu.

 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Có những bi kịch mà nạn nhân không chỉ là đứa trẻ vô tội mà có khi là cả những ông bố bà mẹ đã không coi việc nuôi dạy, chăm sóc con là hạnh phúc quý giá, dẫn đến việc họ vi phạm pháp luật, phải đứng trước tòa án thực sự chứ không phải chỉ tòa án lương tâm. 

Nuôi vì "phải nuôi" 

Ở một chung cư cao cấp tại TPHCM, trong kỳ nghỉ lễ, các nhân viên ban quản lý phải liên hệ UBND phường và trước đó là số điện thoại đường dây nóng, báo tin có bé trai hơn 10 tuổi bị mẹ chốt cửa nhốt ở ngoài suốt đêm. “Hàng xóm tốt bụng đã cho ngủ lại đêm qua nhưng sáng nay gia đình họ đi chơi mà mẹ của cháu thì vẫn chưa nguôi giận, chưa chấp nhận lời xin lỗi, chưa cho con vào nhà nên ban quản lý phải liên lạc các nơi trong khi tạm giữ cháu, sợ cháu gặp chuyện không may.

Trưa nay, người mẹ đã về phường ký biên bản cam kết không đánh đập, ngược đãi con rồi đón con về. Nhưng chỉ vài tiếng sau, cháu lại bị nhốt ở ngoài khi mẹ đi vắng, mật khẩu cửa đã đổi. Ban quản lý lại đưa cháu ra phường lần nữa. Tình trạng này không biết sẽ kéo dài bao lâu” - P.X.V. - Trưởng ban quản lý - cho biết. Anh cũng nói thêm: “Vì thương cháu bé cũng có, mà vì cả thương hiệu của công ty quản lý, vì uy tín và hình ảnh của tòa nhà, các nhân viên không thể bỏ qua các tình huống này nhưng chúng tôi không thể can thiệp trực tiếp vào việc chăm sóc con của cư dân vì không có chức năng xử phạt hay chế tài, càng không thể buộc người mẹ phải yêu thương con mình. Chúng tôi chỉ theo dõi tình hình thực tế và chờ các bên có chức năng xử lý”.

Bà mẹ đơn thân còn khá trẻ, vẻ ngoài thanh lịch của cô khiến người đối diện không thể tin cô thiếu kiến thức đến độ không biết mình đang ngược đãi con ruột và vi phạm Công ước về quyền trẻ em. Theo biên bản ghi nhận tại công an phường, cậu bé cho biết ba mẹ ly hôn đã lâu, ông bà ngoại ở xa, dì ruột là người thân duy nhất cậu biết số điện thoại thì cũng không được phép đón cậu nếu mẹ cậu không đồng ý: “Hồi chuyển nhà, mẹ không cho ba con biết, không cho con liên lạc, con đâu có số của ba. Lâu quá, con cũng không nhớ là mấy năm rồi, con không nhớ mặt ba luôn. Có bữa con lấy đồ lên cho mẹ xong qua nhà bạn chơi lố giờ, về nhà mẹ bắt quỳ từ 7g tối tới 1g sáng. Con ngủ gục nên sáng hôm sau dậy đi học trễ vì mẹ không chở, con phải đi bộ tới trường…

Lần nào mẹ la cũng nói con là đứa bất hiếu, luôn khiến mẹ buồn, mẹ xui. Mẹ nói, nhìn mặt con là thấy ghét, muốn đập đồ… không thương nổi nên mới không cho con vô nhà…”.

Khi chú công an phường gạt ngang rằng “Thôi con ơi, con quậy và ham chơi thì mẹ con giận lên nói vậy chứ không thương sao nuôi con làm chi? Nếu không thương con thì mẹ con gửi về cho ba con nuôi rồi”, thằng bé mếu máo: “Không có đâu chú! Mẹ con nói mẹ phải nuôi con chứ mẹ không muốn! Chú hỏi mẹ con coi, con không nói xạo đâu”.

Tất cả người lớn đều lặng đi, trong đó có bà mẹ trẻ. Chắc cô không ngờ những lời nói trong lúc giận dữ của mình đã hằn sâu vào tâm thức con. Không biết sau khi được nhắc nhở, cô có nhận ra những đêm, ngày bị nhốt ở ngoài, khi con tự đi bộ đến trường, nếu con bị bắt nạt, bị lôi kéo, bị bắt cóc… liệu cô còn cơ hội sửa sai hay chỉ còn biết ân hận? Liệu cô có nhận ra mình không chỉ vi phạm pháp luật, không bảo vệ đứa trẻ mình có trách nhiệm phải chăm sóc, mà tàn ác hơn nữa, nhẫn tâm hơn nữa là gieo hạt mầm cay độc vào tiềm thức con, khiến con lớn lên trong mặc cảm luôn là thứ vô dụng, đáng bỏ đi?

Khi nào cô mới hiểu rằng một đứa trẻ luôn bị mắng và tin rằng nó chỉ là nhân chứng của những ngày cay đắng mẹ muốn quên; rằng mình xuất hiện trong cuộc sống của mẹ chỉ mang đến phiền toái, chỉ là cái nợ, mẹ nuôi mình vì “phải nuôi” là đứa trẻ đang bị bạo hành tinh thần và đầu độc từng ngày? Khi nào cô mới hiểu con không có trách nhiệm trong những sai lầm của người lớn, mẹ trút giận lên con là mẹ rất sai? 

Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto
Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto

Giành con để làm gì?

Khi đã trở thành người cũ, cuộc chiến giành con giữa nhiều ông bố bà mẹ không chỉ khiến họ tốn tiền bạc, thời gian, trí tuệ, sức lực… mà có khi còn kết thúc bằng một thảm án khác. Quyết giành con cho bằng được có phải là cách cả 2 bên chứng minh tình thương yêu của mình dành cho con là tuyệt đối, không ai có thể thay thế mình chăm sóc và nuôi dạy các con?

Bỏ qua lý do về tài sản (nuôi con sẽ có lợi thế hơn khi chia tài sản chung), phần lớn các ông bố bà mẹ giành con đều có lý do “thương nên không muốn rời con”. Song, khi giành được quyền nuôi con, họ lại ngược đãi, hành hạ trẻ cũng không phải chuyện hiếm. 

“Vợ cũ của thân chủ tôi giành nuôi bằng được cả 2 cậu con trai. Có lúc cô nổi điên, đánh con, chì chiết vì sinh con mà mất hết các cơ hội thăng tiến. Vậy nhưng cô thổ lộ với bạn bè rằng lý do chính là vì thằng bé quá giống ba. Điều đó khiến nó như cái gai trong mắt mẹ, chưa kể nó lại là cháu đích tôn của cả dòng họ nhà chồng. Giành con chỉ là cách cô ấy muốn thể hiện con phải thuộc quyền sở hữu của cô ấy, bên nội không có quyền độc chiếm” - L.G. - luật sư tại Văn phòng Luật sư L.G. - kể về một trong những trường hợp giành con quyết liệt mà cô tham gia đi tòa trong sự ngao ngán người lớn và thương xót những đứa trẻ. 

“Cả việc từ chối quyền nuôi con, từ bỏ con hay ngược đãi, hành hạ con, xét cho cùng đều tàn ác, vi phạm pháp luật. Thế nhưng các bà mẹ đơn thân trong lúc căng thẳng có thể tạm thời gửi con cho ông bà nội ngoại, họ hàng hiếm muộn hay thuê người chăm sóc con, gửi con vào trường nội trú… Tóm lại, đừng giữ con chỉ vì "phải nuôi" rồi hành hạ, trút hết hằn học lên đứa trẻ.

Dù việc gửi con, cho con đi có bị chê trách, dù lương tâm có bị dằn vặt thì họ cũng tránh được việc trở nên tàn ác trong mắt con mình như khi họ trực tiếp nuôi dạy mà hành hạ con mỗi ngày. Họ rất có thể là nguyên nhân khiến con mình dần trở thành tội phạm” - T.T.B.T. - một chuyên viên giáo dục thường được mời tham gia bồi thẩm đoàn của một số phiên tòa - cho biết. 

Trẻ con bị hành hạ bởi chính mẹ ruột sẽ rất đau đớn. Người dưng không thương xót là chuyện dễ hiểu, chứ mẹ mà không thương con sẽ chẳng thể nào thương được ai khác. Cách họ trút giận hay hằn học lên con như trút lên người cũ thật mù quáng vì họ đã quên đứa trẻ cũng là núm ruột, là máu thịt của chính mình. Hành hạ con, cay độc với con cũng là cay độc với chính mình. 

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Con nghịch ngợm ham chơi quá có phải là lý do?

Bà mẹ đơn thân nhốt con cả đêm không cho vào nhà thanh minh với công an địa phương rằng đó là do thằng bé ham chơi, nghịch ngợm. Những người cha máu lạnh treo con lên đánh đến trọng thương cũng dùng lý do này.

Những người sẵn sàng đánh, phạt con nhẫn tâm không thấy day dứt gì vì con quá nghịch ngợm nên đến các bệnh viện có bệnh nhi ung bướu để tận mắt thấy cảnh những bà mẹ sẵn sàng hy sinh bản thân vì con nếu có thể. 

“Trước kia, tôi hay la con. Bây giờ con bệnh, cứ chuyển từ viện này sang viện khác, tôi chỉ mong có phép màu, ngày nào đó con có thể nghịch ngợm, chạy nhảy như trước, hẳn tôi sẽ hạnh phúc lắm. Có ngày đó rồi thì tôi chết cũng được…” - một bà mẹ có cậu con trai 11 tuổi bị ung thư xương nghẹn ngào. 

Hàng trăm, hàng ngàn bà mẹ khác có con bị bệnh nan y, bị tự kỷ… cũng cùng mơ ước một phép màu như vậy. Con mình là một đứa trẻ bình thường, nghịch ngợm… đã trở thành ước mơ hạnh phúc xa vời đối với họ. 

Làm cha mẹ thiêng liêng và khó nhọc lắm, nên hãy nuôi con chỉ khi thực sự yêu thương con và chính mình. 

Lê Lan Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI