Chỉ là mấy vốc chà là

02/05/2024 - 05:55

PNO - Mùa chà là bắt đầu vào những ngày này, khoảng tháng Ba âm lịch và thường đi tới bằng những tiếng chim tu huýt trỗi giọng...

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Bao vùng nông thôn tôi đi qua trong chang chang nắng hạ với mắt cay sè mỗi khi được chứng kiến. Bao trẻ thơ nhà quê tóc cháy sém, da đen nhẻm phơi người trên ruộng, phơi thân trên đồng khiến lòng tôi thắt nghẹn.

Mùa chà là bắt đầu vào những ngày này, khoảng tháng Ba âm lịch và thường đi tới bằng những tiếng chim tu huýt trỗi giọng như báo hiệu hè đã bắt đầu cùng những cơn nắng gắt và nóng ran.

Bọn học trò ở đó, nơi tôi làm cô giáo cách đây 40 năm, đã có vẻ chểnh mảng với trường lớp lắm rồi. Nghe như tụi nhỏ đang háo hức chờ đợi… Ngày một, ngày hai vẫn không gì khác ngoài những tiếng chim quen thuộc, thưa thớt vang lên. Tiếng kêu tu huy tu huýt chỉ rộn rã những âm vui là khi chúng vang lên đặc dày. Nhưng, phải sau những cơn mưa, chà là mới rộ. Cả tiếng chim, cả cơn mưa như mách bảo, chà là đang chín tới bằng sự thay màu từ vàng nghệ chuyển sang thẫm đen. Những thắc thỏm mong chờ của các em cũng chuyển sang tâm trạng mừng vui, khi í ới rủ nhau đi giũ chà là.

Chà là mọc lúp xúp ở vùng đồi, triền núi trọc… Là vô vàn và bạt ngàn những lùm bụi khiến nhưng nhức mắt nhìn giữa giấc trưa và sậm tím khi chiều dần lại. Đã nhiều năm đi qua, tôi vẫn giữ được vẹn nguyên sự thích thú của những lần đi giũ chà là cùng học trò. Theo các em, tôi mệt rũ nhưng vui lắm! Mồ hôi tuôn đổ theo giọng cười giòn tan của tất cả, xen lẫn với tiếng reo to của ai đó khi gặp được một bụi chà là đã chín.

Chiếc nón đội trên đầu lập tức được hứng dưới gốc, tay được luồn vào thân và rung lên từng đợt nhẹ. Chắc động tác này được kêu là giũ. Tôi ngây người, vui sướng nhìn các em vốc từng nắm chà là bỏ vào miệng, nhồm nhoàm nhai và hàm răng sau đó đen sì sì.

Vào mùa, các em lên núi bất cứ khi nào có thể và chà là được đem về. Lớp ngâm nước muối để ăn, lớp đem bán kiếm tiền mua mắm, cá cho gia đình hay cây bút, tập vở dùng vào việc học. Chuyện kiếm tiền chập chung với chuyện vui chơi nghe chừng vơi bớt đi rất nhiều những lam lũ nhọc nhằn. Và tôi cùng các thầy cô cũng có những món quà núi để mà nhâm nhi. Nào là sim sim, dủ dẻ, trái say, dâu da, chà là…

Nhiều năm về trước, ở cái chợ gần đây vẫn thấy bán các thứ ấy. Trái say, chà là và sim sim được bán bằng lon đong; các thứ còn lại bán theo mớ theo chùm. Chợ có thứ gì tôi đều mua thứ ấy. Mua để nhìn ngó và nhớ thêm… Những nụ cười rộng miệng của các em giữa cái nắng lóa mắt như tô đậm thêm những hàm răng đen. Sao mà thương quá thể! Và cũng từ đó, tôi rất hay nghĩ về những đứa học trò của mình. Con nít nhà quê có bao giờ mà sướng nổi?

Dẫu xưa hay nay. Dẫu trước đây hay bây giờ. Được nghỉ học, các em vẫn băng đồng lội suối, vẫn lùng sục bao món quà của núi rừng mà theo tôi biết ngày càng ít đi và có nơi biến mất. Hoặc nhủi cua ven đầm, cào muối dưới nắng, ngâm mình trong nước lợ bắt con hến, con hàu. Bao vùng nông thôn tôi đi qua trong chang chang nắng hạ với mắt cay sè mỗi khi được chứng kiến. Bao trẻ thơ nhà quê tóc cháy sém, da đen nhẻm phơi người trên ruộng, phơi thân trên đồng khiến lòng tôi thắt nghẹn.

Ảnh mang tính minh họa - Internet
Ảnh mang tính minh họa - Internet

Mùa trước, một người quen ghé lại thăm cho mấy chùm dủ dẻ và khoảng lưng lửng chén chà là. Tôi nghĩ chừng đó được mấy vốc và buồn. Người quen nói: “Núi rừng giờ thưa rểnh rảng. Chặt hết phá hết còn chỗ đâu cho mấy bụi chà là của bà. Mấy ngày ở núi lùng sục miết mới cặn cọt được có bấy nhiêu.

Thôi, bà giữ… làm kỷ niệm chứ mùa sau không có đâu nghen”. Mùa này, gặp lại một đồng nghiệp cũ khi cả hai cùng xoay ngang ngó ngược trong một buổi chợ để kiếm mấy món quà núi rất quen và rồi hụt hẫng bởi chẳng thấy đâu. Thoắt nhớ và khiến nhắc lại nhiều kỷ niệm ở ngoài đó. Nhắc nhiều nhất vẫn là những lần theo học trò đi giũ chà là.

Lòng chạnh buồn nhưng vẫn mong mùa hè năm tới rồi năm tới nữa, chợ vẫn còn những rổ chà là vun ngập và mấy cái mẹt tre xinh xắn những chùm dủ dẻ, sim sim…

Nguyễn Mỹ Nữ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI