Chỉ là biểu hiện yêu thương

19/07/2017 - 15:40

PNO - Bạn hỏi tôi nghĩ thế nào về việc ông bố/bà mẹ hôn môi đứa con nhỏ, lại là con khác giới? Tôi bảo tôi chả nghĩ gì cả.

Tôi kể bạn nghe ngày tôi bất ngờ nhận tin cha tôi ốm nặng, sự sống chỉ còn tính bằng tháng, bằng ngày. Tôi vội vã bay về nhà. Cha tôi nằm đó, thở nhọc, vẫn không hề hay biết căn bệnh nan y.

Không một ai trong nhà tôi được bày tỏ sự yếu đuối bởi sức mạnh của cả gia đình, từ mấy chục năm qua, là thuộc về ông. Sắp xếp mọi khâu điều trị, chăm sóc, tôi chào cha tôi đi, ông gật đầu rồi chìm dần vào giấc ngủ. Đứng cuối chân giường, tôi lặng lẽ ôm lấy hai bàn chân cha, ấp trọn trong tay mình, ấm nóng.

Chi la bieu hien yeu thuong

Chỉ muốn truyền hết cái sức lực của đứa con gái tuổi thanh xuân vào ông, để đánh bạt những tế bào ung thư quái ác, để giành lấy sự sống đang bị bào mòn trong từng thớ thịt, hơi thở của cha. 

Đó là lần đầu tiên tôi chạm vào cha mình, biểu hiện một cử chỉ yêu thương, khi không còn biết phải diễn tả bằng ngôn từ nào. 

Đơn giản thôi, khi yêu thương tràn ngập, cảm giác không còn đủ chỗ, đủ nơi để chất chứa, bạn sẽ bày tỏ bằng/theo nhiều cách, nhiều “ngôn ngữ” của chính bạn với người/điều mình thương yêu. 

Một chàng tiền vệ với nghiệp quần đùi áo số, đã “sở hữu” ba cậu con trai cùng cô vợ khá… chảnh, nay có cô con gái xinh như thiên thần. Hẳn Harper đã thốt những lời yêu với bố, với mẹ, với các anh trai ngọt ngào như bao bé gái khác; và trong khoảnh khắc, bố Beckham không kìm nổi cảm xúc đã đặt một nụ hôn lên chiếc miệng xinh xắn và đáng yêu kia. Vậy thôi!

Cũng là nụ hôn, ông bà, bố mẹ, thầy cô…đặt lên trán, lên tóc của những đứa con, đứa cháu, học trò yêu thương của mình, bởi đơn giản, đó là cử chỉ của tình cảm, của sự che chở, bảo bọc, dạy dỗ. Không ai hôn vô cớ hay bất kể. Bởi ngay cả một nụ hôn bất ngờ thì cũng là kết quả của một chuỗi đã chiêm nghiệm, gặp gỡ, nhung nhớ… Nụ hôn là điểm cuối hay bắt đầu của một hành trình yêu thương, là thế!

Cũng không nên… “Freud hóa” nụ hôn (môi) của bố dành cho con gái/mẹ dành cho con trai. Đành là trong mỗi sinh thể đều chứa đựng tỷ lệ hormon khác giới, nhưng quy chiếu một biểu hiện tình cảm trong trẻo (mọi đứa trẻ trên thế giới này đều là hạt mầm tinh khôi) qua góc nhìn sinh lý để rồi phán xét, cấm kỵ thì liệu có tội tình, thậm chí có phần lệch lạc?

Bởi chính Freud, khi giải mã bi kịch Oedipus, cho rằng ẩn ức tận cùng của hành trạng giết cha để lấy mẹ là phản chiếu cái tính dục chiếm đoạt - ghen tuông trong mỗi cá thể đực-cái. Nhưng, sâu xa, mặc cảm Oedipus ấy lại căn nguyên từ cái mặc cảm giống cái - sự lệ thuộc mà huyền tích Thánh Kinh quy định cho đàn bà.

Nghĩa là, cái tưởng chừng là thành tựu của phân tâm học Freud, truy nguyên phần vô thức của con người thì cũng lại là trên góc nhìn của một bác sĩ tôn thờ chủ nghĩa nam quyền. Thế thôi. 

Bạn hỏi tôi nghĩ gì về nụ hôn “nhạy cảm” ấy, tôi trả lời, tôi đang bận được đứa con gái nhỏ hôn, đúng hơn là nó hít lấy cái mùi của mẹ nó, bởi “con yêu mẹ nhiều hơn cả lũ kiến trên trái đất này”. Khi nó không thể diễn tả hết con tim đang rộn ràng của nó, nó chỉ biết… hôn! 

Trương Ái Trân

Mặc cảm Oedipus là gì?

Phân tâm học thường lý giải sức hút khác giới giữa cha và con gái hay giữa mẹ và con trai theo khái niệm phức cảm Oedipus (còn được gọi là mặc cảm Ơ-đip).

Phức cảm Oedipus (Oedipus complex) do nhà phân tâm học Sigmund Freud đưa ra, giải thích các cảm xúc và ý tưởng trong vô thức về sự hấp dẫn giới tính của một đứa trẻ với cha mẹ khác giới với mình. Sigmund Freud tin rằng, phức cảm Oedipus là sự ham muốn bố mẹ có ở cả trẻ trai và trẻ gái.  

Mặc cảm Electra là khái niệm do nhà tâm thần học Carl Jung đưa ra, để chỉ sự hấp dẫn giới tính  của các bé gái với cha mình. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI