Chỉ kiểm soát được 45% giao thông đường thủy

13/08/2013 - 09:50

PNO - Cả nước có hơn 80.500km sông, kênh, rạch, trong đó có gần 42.000km có hoạt động giao thông vận tải nhưng mới quản lý được hơn 19.000km (chiếm tỉ lệ 45%).

 Chi kiem soat duoc 45% giao thong duong thuy

Du khách tham quan chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ) không mặc áo phao - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa tại ngày làm việc đầu tiên phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/8, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng thừa nhận quá nửa chiều dài đường thủy nội địa không được kiểm soát.

Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự lo ngại trước vụ tai nạn nghiêm trọng vừa xảy ra tại Cần Giờ (TP.HCM) và các chỉ số cho thấy tình trạng an toàn giao thông đường thủy đang ở mức báo động.

Bất cập trong cứu nạn

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: “Cả nước có hơn 80.500km sông, kênh, rạch, trong đó có gần 42.000km có hoạt động giao thông vận tải nhưng mới quản lý được hơn 19.000km (chiếm tỉ lệ 45%) do khó khăn về kinh phí, đặc biệt đối với các địa phương. Trong khi đó, trên các sông, kênh chưa được tổ chức quản lý, hoạt động giao thông đường thủy nội địa vẫn diễn ra mà không chịu sự điều chỉnh của Luật giao thông đường thủy nội địa. Vì vậy, khi có tai nạn xảy ra, các cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn trong việc xử lý, giải quyết vụ việc”.

Một con số nữa cũng đáng báo động được ông Phan Xuân Dũng - chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội - nêu ra: Sau tám năm thực hiện luật, loại phương tiện cần đăng ký chỉ đạt 34% và số phương tiện phải đăng kiểm chỉ đạt 61% là rất thấp...

Đặc biệt, chỉ có khoảng 10% trong số 300.000 phương tiện có công suất dưới 5 sức ngựa (là phương tiện dân sinh chủ yếu của cư dân vùng sông nước) đăng ký. Hiện nay phương tiện thủy nội địa phát triển rất mạnh so với những năm trước đây.

Phương tiện có trọng tải từ 200-1.000 tấn chiếm tỉ lệ chủ yếu, cá biệt có loại đến 2.000 tấn nhưng lại trang bị rất thô sơ, thiếu thiết bị hỗ trợ hành trình như thông tin liên lạc, hải bàn, rađa, thiết bị định vị...

“Thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ việc chìm tàu, gây thiệt hại lớn về người và vật chất. Đồng thời đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác cứu nạn, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan cứu nạn, công an, quốc phòng. Bên cạnh việc cần nâng cao trách nhiệm quản lý tàu thuyền, cấp phép rời bến bãi, trách nhiệm trong quản lý vận tải hành khách..., cần nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông đường thủy nội địa, tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, kiểm soát đối với phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là trong vận chuyển hành khách” - ông Dũng nêu ý kiến.

“Mỗi năm tôi cũng vi phạm 4-5 lần”

Quê của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu ở cù lao Giêng (Chợ Mới, An Giang). Ông nói mỗi năm 4-5 lần về thăm quê phải đi qua các

"Có đi mới biết vi phạm trên các tuyến đường thủy là nhiều vô kể: nhà cửa san sát mép kênh, rạch, sông; phương tiện không được đăng ký, đăng kiểm; người lái không có bằng cấp"

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc
Ksor Phước

bến đò ngang đồng nghĩa với “mỗi năm tôi cũng 4-5 lần vi phạm Luật giao thông đường thủy nội địa, vì quê tôi có tới chín bến đò ngang mà không có biển báo”. Ông Giàu lo ngại về điều kiện an toàn của các phương tiện tại bến đò là rất kém, bình thường không sao nhưng ra giữa sông mà gặp lốc xoáy thì rất dễ chìm. “Vừa rồi xảy ra tai nạn thì chúng ta thấy rõ vấn đề này rồi, vì vậy phải quy định rất chặt chẽ các điều kiện đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường thủy” - ông Giàu đề nghị.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng bộc bạch: “Tôi đi bo bo ở đồng bằng sông Cửu Long nhiều nhưng có bao giờ mặc áo phao đâu, cũng không biết áo phao để đâu nữa. Vừa rồi tai nạn xảy ra ở Cần Giờ đấy, canô quy định chở có hơn mười người mà người ta chở đến ba chục, khi chìm thì áo phao không đủ”.

Ông Phước đề nghị những người soạn thảo luật “phải đi thẳng vào nguyên nhân tai nạn để điều chỉnh trong luật, xử lý vi phạm thật nghiêm chứ cứ để tình trạng thế này thì tai nạn rồi vẫn cứ xảy ra. Luật cần ghi rõ hành khách có những quyền gì khi tham gia phương tiện giao thông đường thủy, bởi không ai kiểm soát các phương tiện tốt bằng những hành khách”. Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói thêm: “Vừa qua ở Cần Giờ có hai tàu đi sau nghe điện nhưng không quay lại cứu. Cần phải quy định thế nào chứ không thể để tình trạng cứu cũng được không cứu cũng được”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết dự luật sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về đăng kiểm phương tiện, trong đó quy định bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chuẩn kỹ thuật cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với các cơ sở trên, góp phần nâng cao chất lượng của phương tiện. Đồng thời bổ sung quy định về hợp đồng thuê phương tiện, các hình thức thuê phương tiện và trách nhiệm của chủ phương tiện, người thuê phương tiện.

“Lý do là vì hợp đồng này có tính đặc thù so với hợp đồng về thuê khoán tài sản trong Bộ luật dân sự, như: đối tượng của hợp đồng là phương tiện phải bảo đảm trong trạng thái an toàn, bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; đối tượng của hợp đồng ngoài phương tiện còn có thể gồm thuyền viên trên phương tiện; hợp đồng thuê phương tiện phải được ký kết bằng văn bản” - ông Thăng nói.

Dự luật sẽ tiếp tục được sửa đổi, bổ sung để trình Quốc hội thảo luận vào kỳ họp cuối năm nay. 

Bộ Công an sẽ có 6 máy bay trực thăng

Thứ trưởng Bộ Công an, thượng tướng Đặng Văn Hiếu cho biết như vậy tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án pháp lệnh cảnh sát cơ động. Hiện lực lượng cảnh sát cơ động trên toàn quốc có 25.000 người. Dự thảo pháp lệnh quy định lực lượng này được trang bị máy bay, tàu thủy để đáp ứng nhu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới và trên thực tế Chính phủ đã đồng ý lập đề án mua sáu máy bay trực thăng cho Bộ Công an. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa băn khoăn về việc trang bị máy bay riêng cho lực lượng công an, bởi lâu nay việc phối hợp với Bộ Quốc phòng trong những trường hợp cần thiết không có gì vướng mắc.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị xem xét lại quy định cho phép lực lượng cảnh sát cơ động có thể xâm nhập vào chỗ ở của công dân hoặc một số cơ quan, tổ chức để thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố “vì nó liên quan đến quyền công dân được hiến định, không thể quy định trong một văn bản dưới luật”.

Theo LÊ KIÊN (Tuổi Trẻ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI