Chỉ khoảng 29% phụ nữ Việt Nam tận dụng kỹ năng số để phục vụ cuộc sống

19/02/2025 - 10:36

PNO - Kết quả nghiên cứu trên được tiến sĩ Vũ Thị Thanh – Viện nghiên cứu Con người – dẫn ra tại hội thảo “Bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ” do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức sáng 19/2.

“Phụ nữ được sở hữu những thiết bị công nghệ thấp hơn nam giới”, tiến sĩ Vũ Thị Thanh khẳng định. Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê tại Việt Nam năm 2022, bà chỉ ra, 87,03% phụ nữ Việt Nam có điện thoại di động, trong khi nam giới là 92,90%.

Tiến sĩ Vũ Thị Thanh - Viện Nghiên cứu Con người - chia sẻ kết quả nghiên cứu tại hội thảo
Tiến sĩ Vũ Thị Thanh - Viện Nghiên cứu Con người - chia sẻ kết quả nghiên cứu tại hội thảo

Sự khác biệt này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Nam giới thường sở hữu các thiết bị số nhiều hơn nữ giới và do đó nam giới biết sử dụng các thiết bị này cũng nhiều hơn. Bên cạnh đó, nam giới được cho rằng chịu khó mày mò các thiết bị điện tử nên khả năng sử dụng các thiết bị số tốt hơn, trong khi đó, bản thân phụ nữ tự nhận thấy kỹ năng số của họ không tốt. Điều này làm hạn chế việc phụ nữ tận dụng hiệu quả những thành tựu của sự phát triển công nghệ số trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và có ảnh hưởng sâu rộng tới hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống của con người hiện nay.

Theo tiến sĩ, kết quả khảo sát ở Việt Nam cho thấy tỷ lệ nam giới biết sử dụng các phương tiện sản xuất có tính kỹ thuật đều cao hơn rất nhiều so với nữ giới. Cụ thể, hệ thống, dây chuyền sản xuất tự động (nam: 12,6%, nữ: 4,4%); máy cày, kéo, tuốt lúa, máy gặt, máy chế biến thức ăn (nam: 28,6%, nữ: 21,4%) ; tưới tiêu thông minh, bình phun thuốc tưới tiêu tự động (nam: 12,6%, nữ: 0%). Sự chênh lệch này có thể là do sự hạn chế của phụ nữ trong việc sử dụng công nghệ, kỹ thuật bắt nguồn từ định kiến giới cho rằng khả năng học tập khoa học, kỹ thuật của phụ nữ kém hơn so với nam giới.

Ngoài ra, mặc dù phụ nữ là người đảm nhận công việc chính đối với các hoạt động nội trợ, chăm sóc gia đình nhưng tỷ lệ phụ nữ biết sử dụng các thiết bị gia dụng hiện đại như máy rửa bát, robot lau nhà, thiết bị nhà thông minh chỉ chiếm 8,3%, thấp so với nam giới (12,5%). Điều này khiến cho phụ nữ không tận dụng được hiệu quả các lợi ích của sự phát triển các thiết bị gia dụng hiện đại để giải phóng sức lao động của bản thân được nhiều như nam giới.

“Những định kiến đó có thể là rào cản khiến phụ nữ ít có cơ hội và ít chủ động tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật, công nghệ. Đó cũng là rào cản đối với phụ nữ trong phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như giải phóng sức lao động của mình, và do đó, nó có thể ảnh hưởng tới việc tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ”, tiến sĩ Vũ Thị Thanh khẳng định.

Các đại biểu tham dự hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo

Để phụ nữ tận dụng các thành tựu của sự phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ, theo nữ tiến sĩ, cần tăng cường năng lực cho phụ nữ để họ có thể biết sử dụng hiệu quả các thiết bị khoa học kỹ thuật và công nghệ trong đời sống và hoạt động kinh tế. Để làm được điều đó, cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phụ nữ tham gia các hoạt động đào tạo chính thức hoặc phi chính thức để nâng cao năng lực sử dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là năng lực số cho phụ nữ.

Ngành giáo dục cũng cần có các cơ chế thúc đẩy sự tham gia bình đẳng vào các hoạt động STEM cho cả học sinh nam và nữ, đồng thời, xây dựng các chương trình đào tạo STEM có tính nhạy cảm giới. Nhưng quan trọng hơn hết, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục thay đổi định kiến giới liên quan đến khoa học, kỹ thuật và công nghệ để thúc đẩy sự chủ động, tích cực và tự tin của phụ nữ và nam giới học hỏi và ứng dụng khoa học và công nghệ.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI