Gỡ bỏ rào cản để được là chính mình

Chỉ khi là chính mình, con mới hạnh phúc, tự tin vươn lên

24/09/2024 - 15:12

PNO - Là người đồng tính nam, tiến sĩ sử học Nguyễn Khoa - giảng viên đại học tại TPHCM - chia sẻ với độc giả Báo Phụ nữ TPHCM câu chuyện anh từng làm chuột bạch cho các lò… “điều chỉnh giới tính”.

Nụ cười yêu thương và tự hào của bà Đinh Thị Yến Ly bên con trai - tiến sĩ Nguyễn Khoa - Ảnh do nhân vật cung cấp
Nụ cười yêu thương và tự hào của bà Đinh Thị Yến Ly bên con trai - tiến sĩ Nguyễn Khoa - Ảnh do nhân vật cung cấp

Phóng viên: Có dễ không để mẹ anh chuyển đổi trạng thái từ “yêu con trong ưu phiền và nước mắt” sang “yêu con trong nụ cười và niềm tự hào”?

Tiến sĩ Nguyễn Khoa: Cuộc cách mạng này thực sự vật vã cho cả 2 mẹ con. Là con một, tôi gánh trên vai nhiều áp lực, nhất là trách nhiệm duy trì nòi giống. Tôi thường ước nếu không phải trong hoàn cảnh “1 cây 1 trái” thì tôi đã dễ thở hơn. Nhưng càng về sau, tôi càng hiểu tất cả đều được chi phối bởi nhận thức chứ không phải hoàn cảnh.

Mẹ tôi đã tìm mọi cách để tôi khỏi bị cuốn vào “vòng xoáy đồng tính”. Mẹ hết đưa tôi đi khám, tư vấn tâm lý với các chuyên gia nổi tiếng đến cầu khẩn, cúng bái trong các chùa ở TPHCM và nhiều tỉnh lân cận. Mẹ bắt tôi ăn gạo lứt muối mè, theo lời thầy phán là để tăng “dương tính”. Dù bận rộn, mẹ vẫn cố gắng nấu cho tôi ăn đúng giờ, đủ liều theo chỉ dẫn. Tôi cố nuốt vì thực phẩm này cũng... bổ dưỡng và quan trọng là để mẹ vui. Nhưng tôi càng thất vọng vì mẹ cứ trông mong từng chút một biểu hiện chuyển biến của tôi. Mẹ ráo riết chạy đua với thời gian, xoay nắn tôi cho kịp ngưỡng tuổi 20 (thầy nói sau tuổi đó là “bó tay”).

Bản thân tôi cũng cố tỏ tình với bạn gái, nhưng những trải nghiệm ấy đã không nhấn nút cho con tim rung động mà lại khiến tôi thấy gượng ép, bức bối, mặc cảm tội lỗi. Thật đáng sợ!

* Anh đã chủ động, tích cực tìm giải pháp cho mẹ tiếp cận thông tin và kết nối lại mối quan hệ gia đình như thế nào?

- Không khí ngột ngạt, chiến tranh lạnh, bằng mặt không bằng lòng giữa mẹ và con kéo dài nhiều năm cho đến khi tôi (lúc đó là sinh viên năm thứ ba) viết cho mẹ lá thư. Trong đó có đoạn: “Con xin lỗi mẹ, con là gay. Con là một đứa con bất hiếu, là một tội đồ, là sự sỉ nhục của dòng họ. Hằng đêm con đã khóc, con hận chính bản thân mình, tại sao con sinh ra lại là một đứa như vậy. Con từng ước phải chi mình chết đi ngay từ lúc mới lọt lòng để mẹ không phải khổ...”.

Đọc thư, mẹ bắt đầu có sự chuyển biến trong suy nghĩ. Mẹ biết người cần thay đổi là mình để tránh nguy cơ mất con. Mẹ muốn khôi phục không khí gia đình đầm ấm, vui vẻ như trước đây, bất kể tôi yêu ai, nam hay nữ. Nhân thời cơ vàng này, tôi rủ mẹ tham dự các buổi tập huấn, hội thảo, giao lưu của phụ huynh cộng đồng LGBT.

Trong tọa đàm “Giúp con sống thật” do Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức vào ngày 2/10/2011, tôi được đăng lên ảnh bìa (không chụp trọn mặt). Thời ấy, khi các nhà báo tìm đến, mẹ con tôi phân vân mãi mới cho chụp… cái lưng. Sau cuộc phỏng vấn trên một đài nước ngoài, câu chuyện gia đình tôi được một số người thân trong nước nhận ra. Mẹ con đã cùng bước ra ánh sáng, nhìn trực diện, mỉm cười trước mọi ống kính và mọi người.

Mười mấy năm qua là hành trình dài của mẹ: từ khổ đau, quằn quại trở thành vị chủ tịch đầu tiên của Hội Cha mẹ, người thân và bạn bè của cộng đồng LGBTQIA+ (PFLAG) Việt Nam, tích cực đấu tranh cho quyền của cộng đồng, nhất là các dự thảo Hiến pháp, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Chuyển đổi giới tính... Mẹ là tình yêu, niềm tự hào của tôi.

Người LGBT ngày nay vẫn gặp rất nhiều vấn đề pháp lý khi các cặp đôi không được thừa nhận, không được pháp luật bảo vệ về mặt tài sản, con cái, nhân thân… (Ảnh: Freepik)
Người LGBT ngày nay vẫn gặp rất nhiều vấn đề pháp lý khi các cặp đôi không được thừa nhận, không được pháp luật bảo vệ về mặt tài sản, con cái, nhân thân… (Ảnh: Freepik)

* Việc có vị trí xã hội khiến anh ngần ngại hay càng thúc đẩy anh dõng dạc nói cho xã hội biết “tôi là gay” mà không cần đính kèm lời xin lỗi như tâm thư từng gửi mẹ?

- Có vị trí xã hội hay không tôi cũng cảm thấy diễm phúc khi được là chính mình, được bày tỏ “tôi là ai” với cả cộng đồng. Tôi mừng khi thấy sinh viên của tôi thoải mái, vui vẻ, nhẹ nhàng về vấn đề giới tính, bản dạng giới của bản thân và người khác (trong đó có cả… thầy Khoa). Suy cho cùng, chính phẩm chất, năng lực, sự hữu ích mới làm nên giá trị của mỗi người.

Khi nghiên cứu lịch sử, tôi được biết sự đa dạng tính dục đã có từ ngàn xưa, có ở mọi nơi. Tuy nhiên, điều này ít được phổ biến do truyền thông chưa phát triển, cộng thêm nền khoa học kỹ thuật chưa tiến bộ, việc sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào nhân lực nên hôn nhân nam - nữ là đòi hỏi tất yếu của các cộng đồng xã hội. Đến nay, khi máy móc thay thế “cơ bắp” của con người thì xu hướng trọng tình cảm cá nhân, trọng bình đẳng giới tính dần trở thành nhu cầu của những cộng đồng vốn đã phải im lặng trước định kiến xã hội trước đây. Đó là một trong những lý giải tại sao chúng ta càng thấy nhiều người LGBT dám “sống thật” với chính mình hơn chứ không phải là họ “ngày-càng-nhiều” hơn.

Chúng ta đã tiến những bước rất dài, rất xa nhưng không có nghĩa là không cần thay đổi gì nữa. Người LGBT ngày nay vẫn gặp rất nhiều vấn đề pháp lý khi các cặp đôi không được thừa nhận, không được pháp luật bảo vệ về mặt tài sản, con cái, nhân thân… Việc hoàn thiện về pháp lý, y tế, giáo dục... nhất là công nhận “hôn nhân không khuôn mẫu” sẽ tạo điều kiện cho người LGBT được sống thật, hạnh phúc, giải phóng năng lượng và đóng góp cho xã hội. Khi đó, người hưởng lợi không chỉ là những “bông hoa lục sắc” LGBT mà là gia đình họ, nơi họ làm việc và toàn xã hội, đất nước mà họ yêu và mãi xem là Tổ quốc của mình.

* Xin cảm ơn tiến sĩ.

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI