Chỉ khéo vẽ vời

24/05/2018 - 08:28

PNO - Vì những điểm quá vô lý nên chỉ một ngày sau khi được báo chí thông tin, Bộ GD-ĐT đã vội vã cho thu hồi đề án.

Dư luận lại thêm một lần phát hoảng với đề án “Đổi mới kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học (ĐH) - cao đẳng (CĐ) sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020”. Không hoảng sao được khi tổng kinh phí dự tính tiêu tốn cho đề án lên đến hơn 749 tỷ đồng, nhưng nội dung của đề án thì “xưa như trái đất”.

Về kỳ thi THPT, lâu nay đã được thay đổi rất nhiều. Ban đầu, kỳ thi này có 4 môn, sau đó chuyển sang thi 6 môn, sau lại về 4 môn, rồi lại 6 môn. Bây giờ lại trở về 4 môn, nhưng thực chất vẫn là 6 môn, vì môn tự chọn được tổ hợp từ ba môn khác nhau. 

Chi kheo ve voi

Việc tuyển sinh ĐH, chúng ta cũng từng chứng kiến sự thay đổi từ từng trường thi và tuyển riêng lẻ đến các trường thi và tuyển chung, rồi đặt thêm điểm sàn, sáp nhập với thi THPT thành kỳ thi “hai trong một”, xét tuyển theo đợt, xét tuyển dựa vào điểm thi THPT kết hợp điểm học bạ, xét tuyển hoàn toàn dựa vào học bạ... Và bây giờ là bỏ điểm sàn và trả việc tuyển sinh về cho các trường tự quyết - nghĩa là quay trở về cái cách căn bản nhất. 

Nội dung “đổi mới tuyển vào ngành sư phạm” cũng không mới mẻ, bởi chất lượng đầu vào ngành sư phạm có được nâng lên hay không phụ thuộc vào chế độ đãi ngộ nhà giáo chứ không phụ thuộc nhiều vào khâu tuyển sinh.

Vấn đề là tại sao chúng ta cứ phải “đổi” khâu thi - tuyển mãi? Qua rất nhiều lần thay đổi và lần nào cũng tiêu tốn hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, dễ có cảm giác Bộ GD-ĐT đã khéo vẽ vời ra các đề án để tiêu tiền mà không quan tâm đến kết quả. Trước những bất cập, lẽ ra phải giải quyết cái gốc thì bộ này lại đi xử lý phần ngọn. Kỳ thi THPT là kỳ thi quốc gia, còn tuyển sinh ĐH-CĐ là việc của các trường. Nguyên lý này được cả thế giới áp dụng và Việt Nam trước đây cũng từng tồn tại.

Thế nhưng, do muốn “ôm” luôn việc của các trường nên Bộ GD-ĐT đã “quốc gia hóa” kỳ thi tuyển ĐH - CĐ để rồi sau đó nhiều bất cập nối tiếp nhau phát sinh, khiến bộ phải tìm cách “cắt ngọn”. Bước điều chỉnh cuối cùng đến nay là bộ chỉ lo kỳ thi THPT, trả việc tuyển sinh về cho các trường - nghĩa là trở về đúng nguyên lý. 

Điểm mới duy nhất của đề án là việc chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật và phần mềm để có thể đến năm 2021 thí sinh sẽ dự thi THPT quốc gia trên máy tính. Điều này là cần thiết. Tuy nhiên, ở các nền giáo dục tiên tiến, công đoạn này do các tổ chức khảo thí độc lập đảm trách chứ nhà nước không dính đến.

Chính vì những điểm quá vô lý nên chỉ một ngày sau khi được báo chí thông tin, Bộ GD-ĐT đã vội vã cho thu hồi đề án. Rõ là khéo vẽ nhưng không dễ xóa, nhất là uy tín của bộ lại thêm một lần lấm lem! 

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI