Chi hội phụ nữ tự chủ động giúp nhau vượt khó

09/04/2021 - 06:44

PNO - Nhờ chủ động trong công tác mà hoạt động của tổ chức Hội Phụ nữ đã thật sự được thay đổi, có sức sống mới và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nguồn vốn nhỏ trợ sức chị em lúc khó khăn

Để hỗ trợ chị em thoát nghèo bền vững, cả tám chi hội phụ nữ tại địa bàn dân cư xã Trung Lập Thượng, H.Củ Chi (TP.HCM) đã chủ động thực hiện mô hình tiết kiệm để gây quỹ hoạt động. Từ năm 2013 đến nay, quỹ đã huy động gần 3,9 tỷ đồng từ các tập thể, cá nhân và các Mạnh Thường Quân để phục vụ cho các hoạt động của Hội. 

Bằng hình thức vận động mỗi hội viên đóng góp 100.000 đồng/năm, đến nay Chi hội Phụ nữ ấp Vân Hàn đã huy động được hơn 100 triệu đồng cho Quỹ tiết kiệm giúp nhau không lãi suất. Nguồn vốn được giao về cho mười tổ phụ nữ quản lý. Những chị em khó khăn, khi cần sẽ được hỗ trợ vay từ 1-3 triệu đồng làm vốn để buôn bán, trồng trọt, chăn nuôi. Thời gian hoàn vốn từ 6-12 tháng. Vốn vay tuy nhỏ nhưng có sự kết hợp hỗ trợ con giống, ngày công, theo dõi và hướng dẫn kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi… nên nhiều chị em đã có cơ hội thoát nghèo. Chị Nguyễn Thị Chí - Chi hội phó Chi hội Phụ nữ ấp Vân Hàn - kể: “Mấy ngày trước, tôi ghé thăm chị Tươi, nghe chị khoe vừa mới bán hai bầy heo con được 50 triệu đồng mà mừng cho chị”. 

Tổ Phụ nữ chung cư P.7, Q.11 đến thăm cô Nga - hội viên phụ nữ chung cư
Tổ Phụ nữ chung cư P.7, Q.11 đến thăm cô Nga - hội viên phụ nữ chung cư

Gia đình chị Tươi là một trong những gia đình khó khăn của ấp, chồng làm nghề hàn, chị ở nhà làm nội trợ, hái bắp, cấy lúa thuê để lo cho hai con. Từ năm 2016, chi hội bàn bạc và đề xuất với Hội Phụ nữ xã tặng chị Tươi chiếc xe nước mía làm sinh kế rồi trích 2 triệu đồng từ quỹ tiết kiệm cho chị vay không tính lãi để làm vốn ban đầu. Sau sáu tháng, chị Tươi đã hoàn vốn. 

Nhưng công việc buôn bán cũng chỉ giúp chị Tươi đủ xoay xở tiền chợ hằng ngày nên chi hội đã hỗ trợ chị thêm hai con heo giống. Nhờ có tay nuôi nên ba năm nay, năm nào chị cũng bán hơn 20 heo con, tiết kiệm cũng được vài chục triệu đồng. Có vốn, chồng chị Tươi mạnh dạn nhận gia công thêm cửa sắt. Cuộc sống gia đình nhờ đó đã có nhiều khởi sắc. 

Tại các ấp Đồng Lớn, ấp Trung Bình, Trung Hiệp Thạnh, Lào Táo Thượng… các chi hội phụ nữ ấp cũng đều xây dựng được nguồn quỹ tiết kiệm với tổng số tiền tích lũy khá cao, từ 150 đến 200 triệu đồng. Chị Võ Thị Vuôn - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Lào Táo Thượng - cho hay: “Từ đầu nhiệm kỳ, chi hội phát động hội viên vay vốn tín dụng cũng như đóng góp 100.000 đồng nhàn rỗi để duy trì quỹ tín dụng giúp nhau làm ăn. Hội viên góp quỹ có thể rút lại bất kỳ lúc nào tùy nhu cầu. Mỗi năm, chi hội sẽ công khai nguồn quỹ và hoạt động của quỹ trong các dịp họp mặt 8/3, 20/10 và đến kỳ đáo hạn vòng vay. Nhờ sự thiết thực trong tổ chức hoạt động mà nguồn quỹ được duy trì từ nhiều năm nay”. 

Chị Vuôn kể, khoảng 4-5 năm trước, thấy cô Mỵ bị bệnh, gia cảnh lại quá đơn chiếc, nên chi hội đã cho cô vay 5 triệu đồng không lãi suất để mua vật tư làm nghề đan lát. Từ đó đến nay, đã năm lần chi hội cho cô Mỵ vay vốn cũng như hỗ trợ tiền thuốc thang chữa bệnh. Hằng năm, con trai cô Mỵ đều được chi hội tặng học bổng. Em đã tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành thú y và có thể chủ động lo lắng cho mẹ. 

Giúp nhau theo đặc thù khu dân cư

Sắp đến hạn vay mới, nghe chị Nguyễn Ngọc Nữ mong muốn được nâng mức vay lên 30 triệu đồng làm vốn thu mua đồ phế liệu tại nhà, chị Phạm Thị Kim Tuyến - Tổ trưởng Tổ Phụ nữ chung cư P.7, Q.11- đã sắp xếp thời gian đến tận nhà để khảo sát nhu cầu. Chị Nữ từng được Hội cho vay từ 5-10 triệu đồng làm vốn thu mua phế liệu. Nay chị Nữ đã gần 60 tuổi, sức khỏe kém dần nên muốn có nguồn vốn lớn hơn để chuyển sang thu mua phế liệu tại nhà. Biết chị Tuyến còn băn khoăn, con trai chị Nữ cho biết, ban ngày anh đi làm công ty, nhưng cũng mong buổi tối về nhà có thêm việc để làm. Hiện tại, kinh tế gia đình chị Nữ còn nhiều khó khăn, nhưng tổ phụ nữ chung cư hy vọng rồi đây cuộc sống sẽ tốt hơn. 

Hội Phụ nữ phường tổ chức khám sức khỏe cho hội viên

Rời nhà chị Nữ, nhóm khảo sát của Tổ Phụ nữ chung cư đến thăm nhà cô Trương Kim Nga. Cô Nga than: “Già rồi, cái chân nó yếu, đi đứng sao khó khăn quá”. Cô Nga đang sống với vợ chồng người em trai. Nhưng em trai bị lãng tai, mất sức lao động, còn em dâu cũng bệnh tật phải chạy thận từ nhiều năm nay. Cả nhà chỉ có một cháu trai là lao động chính nên thuộc diện được Tổ Phụ nữ chung cư quan tâm đặc biệt. Tổ đã giới thiệu việc làm cho cháu trai, vận động sổ tiết kiệm chi phí thuốc thang cho người bệnh và hỗ trợ gạo, thực phẩm cho cả nhà.

Theo chị Nguyễn Thị Maria - Chủ tịch Hội LHPN P.7, Q.11 (TP.HCM), từ năm 2015, khi thực hiện bố trí nhà ở tái định cư tại các chung cư trên địa bàn phường, công tác Hội cũng thay đổi để đáp ứng với đặc thù của nhóm phụ nữ đặc thù. Hội thành lập “Tổ Phụ nữ chung cư P.7” với sự tham gia của các hội viên nòng cốt. Bước đầu, tổ thu thập thông tin, tổ chức sinh hoạt theo từng block chung cư, mỗi quý tổ chức sinh hoạt một lần…

Cô Trịnh Yến Kình - Tổ phó Tổ Phụ nữ chung cư P.7 - cho biết: “Chúng tôi không đặt nặng vấn đề làm cách nào để phát triển hội viên mà tập trung hỗ trợ những nhu cầu thiết thân của phụ nữ, chăm lo cho phụ nữ già yếu, neo đơn, hỗ trợ tiền thuốc thang cho chị em mắc bệnh hiểm nghèo. Trong điều kiện của tổ, của cá nhân mình, chị em cần đến đâu chúng tôi giúp đến đó. Khi chị em tin thì tự khắc sẽ gắn bó lâu dài với Hội”. 

Mô hình Chi hội chủ động công tác giúp hoạt động Hội có sức sống mới

Vào năm 2006, Hội LHPN TP.HCM đã quyết tâm đổi mới hoạt động Hội bằng cách tập trung hoàn thiện hệ thống “chân rết” và thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng hội viên, chất lượng sinh hoạt chi tổ hội nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong thực hiện quyền và nhiệm vụ của hội viên. 

Tiếp theo, trong hai nhiệm kỳ 2011-2016 và 2016-2021, Hội LHPN các cấp tại TP.HCM đã kiên trì đẩy mạnh thực hiện mô hình Chi hội chủ động công tác với mục tiêu: chuyển trọng tâm hoạt động về cơ sở. Các chi hội đảm bảo kiện toàn, duy trì sinh hoạt, lựa chọn trọng tâm hoạt động để tập hợp và thu hút các tầng lớp phụ nữ… Nhờ vậy, hoạt động của Hội đã thật sự được thay đổi, có sức sống mới, xóa dần hình thức hội họp khô cứng và gặt hái được nhiều kết quả quan trọng. 

Song An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI