Chị họ của chồng muốn làm giúp việc cho nhà tôi

11/10/2023 - 17:01

PNO - Mọi chuyện, thật ra là vô cùng đơn giản, nếu chị nhìn thấy những cái lý và xét về cả cái tình của tình huống.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Đọc câu chuyện muốn thuê mẹ chồng trông cháu của bạn đọc Thanh Nga, tôi lại liên tưởng đến chuyện nhà tôi, cũng có phần nào giống như vậy, và tôi cũng không biết cư xử sao cho tốt.

Mẹ chồng hỏi chồng tôi là có thể để chị họ của anh ấy đến giúp việc cho gia đình tôi hay không? Vấn đề là hiện nhà tôi đang có người giúp việc. Bác ấy gần như người thân của gia đình tôi chứ không đơn thuần là người giúp việc. Bác từng chăm sóc mẹ tôi những năm cuối đời, khi bà bị ung thư. Mẹ tôi rất yêu thương bác, và trước khi mất, mẹ có dặn tôi là hãy đối xử tốt với bác.

Ngay cả nếu mẹ không dặn, thì tôi cũng không bao giờ có ý định cho bác nghỉ, vì con trai tôi rất quấn bác. Hiện chúng tôi trả lương cho bác khá cao, không chỉ vì tình cảm, mà còn vì bác làm việc rất tốt. Bác nấu ăn ngon, tỉ mỉ, chu đáo, ít nói, và kín tiếng.

Khi mẹ chồng biết được mức lương của bác, bà nói sao phải cho người giúp việc nhiều thế? Thà để người trong nhà làm, và nhận tiền đó. Trong khi đó là tiền có từ khoản tiết kiệm mẹ để lại cho chúng tôi, và tôi nghĩ tôi dành để trả cho bác giúp việc là chính đáng nhất.

Chị họ chồng tôi là người rất lười biếng, đuểnh đoảng, lại nấu ăn dở. Tôi còn rất ác cảm với chị, vì nghe nói chị ấy ham mê cờ bạc. Mẹ chồng tôi cũng mê bài bạc, và thường chơi chung với chị. Bên cạnh những điều đó, tôi còn không thích trong nhà có một người họ hàng bên chồng sống cùng.

Mẹ chồng tôi cũng là người nhiều chuyện. Tôi sợ bà đang muốn cài người vào theo dõi gia đình tôi và tôi. Bà hay hỏi xin tiền của chúng tôi. Nhưng chồng tôi cương quyết không cho, những khi biết bà xin để chơi bài hay trả nợ. Vì vậy bà rất tức tối, luôn nghĩ là chồng tôi nghe tôi.

Bây giờ tôi phải làm sao để gia đình không bất hòa, mọi người không trách tôi là vô cảm với người thân, mẹ chồng không bị mất mặt với họ hàng vì không nói được con (bà bảo thế), và để bà không nói chúng tôi là coi người ngoài hơn người trong nhà? Chồng tôi nói cho chị ấy một số tiền một lần rồi thôi. Như thế có ổn không chị Hạnh Dung? Tôi rất rối, mong chị Hạnh Dung cho tôi ý kiến. 

Hoàn Mỹ

Chị Hoàn Mỹ thân mến,

Có một câu nói của ông bà mà Hạnh Dung nghĩ chị hãy lấy đó làm "kim chỉ nam", để có quyết định và cách cư xử đúng đắn trong những trường hợp như thế này. Đó là câu "mất lòng trước, được lòng sau".

Xét tất cả mọi mặt, cả lý và tình, chị đều không có nghĩa vụ, không cần và không nên tiếp nhận một người giúp việc mà chị biết rằng họ không có khả năng làm tốt những công việc mà vì thế chị phải trả lương cho họ.

Chẳng ai lại đi thuê một người giúp việc lười biếng, nấu ăn dở và đuểnh đoảng cả. Một người nhà nghiện cờ bạc luôn là một điều đáng sợ trong bất cứ gia đình nào. Bởi với cơn nghiện khó được thỏa mãn đó, họ có thể làm bất cứ điều gì để có tiền chơi bạc. Phải chịu đựng một người thân mê cờ bạc là điều vô cùng khốn khổ với nhiều gia đình, tại sao chị lại phải tự rước một tai họa về nhà?

Tình cảm của chị với người giúp việc nhà hiện giờ chắc chắn không còn là thứ tình cảm với người ngoài nữa. Chị ấy đã trở thành người nhà của chị, nhất là khi chị ấy gắn bó với những kỷ niệm thiêng liêng về người mẹ, và bây giờ là gắn bó với con trai của chị.

"Mất lòng trước, được lòng sau", tất cả những lý lẽ đó, chị có thể nói thẳng thắn với mẹ chồng. Nhất là, nếu chị được chồng ủng hộ, đồng tình. Chị nói rằng chồng thậm chí không dung túng, trợ giúp cho đam mê bài bạc của mẹ mình, thì chắc là anh ấy cũng sẽ cương quyết với việc này. Và chị cũng không khó khăn gì trong việc thuyết phục chồng đồng tình với mình. Vì nó nhẹ hơn nhiều so với việc phải từ chối đưa tiền cho mẹ.

Mọi chuyện, thật ra là vô cùng đơn giản, nếu chị nhìn thấy những cái lý và xét về cả cái tình của tình huống. Có thể là mẹ chồng chị hay người chị họ sẽ giận dỗi, trách móc, nói nặng nói nhẹ vợ chồng chị. Nhưng chị chỉ cần nghĩ một điều, chị không có nghĩa vụ phải nuông chiều những cảm xúc, tính toán, sắp đặt... phi lý của người khác, dù người đó là ai, nếu như nó có nguy cơ tổn hại đến cuộc sống bình yên của chị và gia đình.

Mẹ chồng chị muốn giúp chị họ, thì cứ để bà tự giúp bằng tiền bạc của bà, khả năng của bà... Đó không phải là nghĩa vụ của vợ chồng chị. Thậm chí, việc cho tiền chị họ cũng là điều không cần thiết. Bởi vì việc đó không thể xoa dịu được sự mong muốn của mẹ chồng chị và người chị, mà khéo chỉ khiến họ có cớ đeo bám và hỏi xin tiếp tục. Đã cứng rắn thì hãy cứng rắn kiên quyết thật sự, chị nhé.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI