Chi hàng ngàn USD để… chụp ảnh gia đình

12/12/2024 - 19:17

PNO - Ngày nay, hầu hết chúng ta đều có thể trở thành "phó nháy" nhờ chiếc smartphone tiện lợi ngay trong tầm tay. Thế nhưng vẫn có nhiều người không tiếc bỏ ra chi phí đắt đỏ, để đổi lấy những album ảnh gia đình họ tin là “độc đáo” nhất.

Kirsten Bethmann, đến từ Bắc Carolina (Mỹ), chụp ảnh gia đình từ năm 2005. Nữ nhiếp ảnh gia không mấy hứng thú với trào lưu ảnh chụp tập thể “cứng nhắc” lúc bấy giờ. Khi chính thức lập nghiệp bằng chiếc máy ảnh, Bethmann muốn tìm kiếm sự tự nhiên, chân thật. Thay vì để các nhân vật ngượng ngùng tạo dáng trước ống kính, trước tiên, cô khuyến khích họ cùng trò chuyện, chơi đùa ở không gian mở như bãi biển, công viên... 10 phút sau, Bethmann bắt đầu bấm máy. Cảm giác gần gũi, ấm cúng thuộc về gia đình lan tỏa trên khung hình một cách nhẹ nhàng mà kỳ diệu.

Ngày nay, giữa kỷ nguyên “số hóa” với đủ loại đồ điện tử trang bị tính năng camera tiên tiến nhất, những thợ chụp ảnh như Bethmann đã mất chỗ đứng chăng? Thực tế hoàn toàn ngược lại. 20 năm trôi qua, dịch vụ của cô nổi danh đến mức vài vị khách sẵn sàng trả mọi chi phí để mời Bethmann sang nước ngoài đích thân bấm máy. Giá cả thì sao? 7.000 USD (hơn 177 triệu đồng) cho một buổi chụp ảnh gia đình hoàn tất trong ngày.

Bethmann trong buổi chụp ảnh cho một gia đình trẻ và bé con sơ sinh của họ. - Ảnh: Pixellu
Bethmann trong buổi chụp ảnh cho một gia đình trẻ và bé con sơ sinh của họ - Ảnh: Pixellu

Di sản tinh thần vô giá

“Mạnh tay” vung tiền vào dịch vụ chụp ảnh có thể bị đánh giá là lãng phí. Thế nhưng, ảnh gia đình trước nay vẫn luôn được nhìn nhận như di sản tinh thần truyền giữ qua nhiều thế hệ. Một khoảnh khắc đặc biệt xuất hiện trên ảnh, đối với người trong cuộc, đôi khi được xem như “báu vật” vô giá.

“Đến đầu thế kỷ XX, thời điểm máy ảnh dần phổ biến, việc chụp ảnh ghi lại những sự kiện quan trọng trong đời được công chúng ngầm thừa nhận như một dạng "nghi thức" không thể bỏ qua” - Alex Alberro - giáo sư ngành lịch sử mỹ thuật, Đại học Columbia (New York) - nhận xét. “Nhờ vậy, suốt nhiều thập niên kế tiếp, studio cùng nghề thợ chụp ảnh "ăn nên làm ra" và liên tục phát triển. Nhưng tới thập niên 1990, máy ảnh kỹ thuật số cá nhân cách mạng hóa ngành nhiếp ảnh. Năm 2007, chúng ta lại chứng kiến iPhone ra đời, đi kèm chức năng của máy ảnh. Chỉ 3 năm sau đó, trên khắp nước Mỹ, rất nhiều studio ảnh mất khách rồi lục tục biến mất, đánh dấu giai đoạn "lụi tàn" của nghề nhiếp ảnh”.

Dẫu vậy, nhiếp ảnh truyền thống không hoàn toàn bị “đánh bại”.

Ước tính, mỗi ngày trên khắp thế giới, hàng trăm triệu tấm ảnh “selfie” bằng di động được tải lên nền tảng mạng xã hội. Chúng ẩn giấu nguy cơ làm gia tăng cảm xúc tiêu cực như “trầm cảm, lo âu, thậm chí tạo nên hội chứng nghiện mạng xã hội về lâu dài” - theo một nhóm chuyên gia nghiên cứu.

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo: lượng lớn người dùng Instagram, YouTube và Facebook có thói quen đăng - xem ảnh gia đình là những người mẹ, vốn thường dành nhiều thời gian chăm nom gia đình và con cái hơn nam giới. Có khả năng chính vì cảm giác “ngộp thở” khi bị bủa vây bởi hàng triệu bức ảnh gia đình trông tươi vui nhưng thiếu sức hút cá nhân riêng biệt, không ít người muốn quay lại với chiếc máy ảnh cổ điển.

Ảnh “ngàn đô” với dấu ấn cá nhân

Bethmann tiết lộ, không phải vị khách nào cũng có khuynh hướng “mở hầu bao” rộng rãi đến hàng ngàn USD. “Mức giá cao hay thấp thật ra phụ thuộc vào nhiều yếu tố” - cô nói.

Số lượng nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đang tăng trở lại tại Bắc Mỹ. Một trong những thể loại được ưa chuộng nhất là ảnh chụp gia đình, nhưng “chỉ 3% trong nhóm khách hàng gia đình sẵn lòng trả từ 4.000 USD trở lên cho một buổi chụp” - báo cáo tổng kết gần đây của Hiệp hội Nhiếp ảnh gia Mỹ chỉ ra. Tuy nhiên, trường hợp một album ảnh tiêu tốn chi phí hơn 1.000 USD không hề hiếm thấy.

Các bộ ảnh gia đình từ đắt đỏ đến phổ thông đều có điểm chung: giới thiệu những khung cảnh đời thường, bộc lộ tình thân ấm áp. - Ảnh: Kirsten Bethmann
Các bộ ảnh gia đình giá từ đắt đỏ đến phổ thông đều có điểm chung: giới thiệu những khung cảnh đời thường, bộc lộ tình thân ấm áp - Ảnh: Kirsten Bethmann

Phong cách nghệ thuật mộc mạc nhưng giàu chiều sâu của Bethmann “được lòng” khách hàng, góp phần phản ánh lối tư duy mới, khi công chúng đề cao xu thế nhiếp ảnh chân thật. Một bé gái cười khúc khích trong vòng tay cha. Một phụ nữ cho con bú, nhìn đứa trẻ bằng ánh mắt trìu mến. Giờ đây, dưới bàn tay của nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, ảnh chụp gia đình - kể cả những bộ ảnh giá “ngàn đô” - lại cuốn hút theo cách thật dung dị.

“Không đơn giản là bạn chỉ đứng đó và ấn nút chụp” - Jenny Jimenez - nữ nhiếp ảnh gia đã có 20 năm kinh nghiệm chụp ảnh các gia đình và cặp đôi, làm việc tại bang Washington - bày tỏ. “Thị hiếu của mọi người, nhất là những bậc phụ huynh, đã thay đổi rõ rệt. Người cầm máy chúng tôi vẫn cố chiều theo khách hàng dù gặp vấn đề gì chăng nữa. Bọn trẻ không vui khi bị mang đi chụp ảnh, cha mẹ khắt khe muốn mọi thứ phải hoàn hảo trước ống kính, hay ''chín người mười ý'' về một kiểu ảnh tập thể… Chủ thể gia đình mang lại thách thức nhưng cũng có nhiều niềm vui, hạnh phúc bất ngờ”.

Như Ý (theo The Atlantic)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI