edf40wrjww2tblPage:Content
18 - 30% bệnh nhân tử vong sau một năm bị gãy xương
BV Nguyễn Tri Phương vừa tiếp nhận bà V.L.T. (76 tuổi, ngụ Đồng Nai) bị gãy cổ xương đùi phải. Các BS cho biết, bà T. đã có tiền sử gãy cổ xương đùi trái và đã được phẫu thuật thay khớp háng toàn phần bên trái. Theo người nhà bà T., cách đây 5 tháng, bà bị trượt té trong nhà vệ sinh, đập mông trái xuống nền gạch. Khi ấy BS cho biết bà T. bị gãy cổ xương đùi trái. Sau phẫu thuật bốn tháng, trong lúc bà T. tập đi thì lại trượt ngã và gãy tiếp xương đùi bên phải. Lần này bà T. được chỉ định thay khớp háng toàn phần. Các BS cho biết, do trước đó bà T. không được điều trị LX nên bà sẽ có nguy cơ gãy đòn dưới xương quay, gãy cổ phẫu thuật xương cánh tay, xẹp đốt sống…
Trước đó, ông P.V.T. (72 tuổi, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM) cũng vào BV Nguyễn Tri Phương trong tình trạng sức khỏe rất yếu, bị lở loét nhiều vùng như mông, lưng, chân. Con gái ông T. cho biết, cách đây hai năm ông từng gãy cổ xương đùi phải và được phẫu thuật thay khớp háng. Sau khi xuất viện, ông T. đi đứng, sinh hoạt bình thường.
Một năm sau, trong lúc tưới cây, ông T. vấp cục gạch và ngã. Cũng từ đó, sức khỏe ông T. suy yếu dần, ít đi lại mà chỉ nằm một chỗ. Người nhà cứ nghĩ ông T. đã già yếu nên vẫn để ông nằm cho đến khi thấy ông ngày càng yếu mới đưa đến BV. Các BS tại BV Nguyễn Tri Phương cho biết, do trước đó không được điều trị LX nên ông T. tiếp tục bị gãy cổ xương đùi trái dù té rất nhẹ. Không chỉ vậy, do người nhà không phát hiện và để nằm một chỗ quá lâu nên ông T. bị viêm tắc tĩnh mạch sâu chi dưới, dẫn đến thuyên tắc phổi, tử vong chỉ sau một tháng nằm viện.
ThS-BS Tăng Hà Nam Anh - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Nguyễn Tri Phương cho biết, gãy xương là biến chứng của LX, trong đó gãy cổ xương đùi được xem là biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong nếu không được chăm sóc, điều trị đúng mức. Khi bị gãy, do không có khả năng liền xương nên BN khó đi lại, kéo theo những hệ lụy do nằm một chỗ như: khó xoay trở, thay đổi tư thế; đau đớn kéo dài do các đầu xương gãy chạm vào nhau; loét những vùng tỳ đè như mông, gót chân, lưng; đại tiểu tiện khó khăn dẫn đến ứ trệ nước tiểu, nhiễm trùng tiết niệu; ứ trệ đờm dãi gây ra viêm phổi do bội nhiễm; viêm tắc tĩnh mạch sâu chi dưới có thể gây ra thuyên tắc phổi... Chính những hệ lụy này đã khiến 18 - 30% BN gãy cổ xương đùi (do loãng xương) tử vong trong vòng 12 tháng sau gãy xương.
Một số bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi tại BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM sau khi phẫu thuật không được điều trị loãng xương
Bệnh nhân quay lại tái khám sẽ được điều trị?
Vì hệ lụy sau gãy xương đe dọa tính mạng BN nên Sở Y tế đã tổ chức nhiều buổi họp gồm các chuyên gia về cơ xương khớp, chấn thương chỉnh hình và nội tiết để thông qua phác đồ chẩn đoán và điều trị LX cho các BV tại TP.HCM. Theo đó, BN có nguy cơ gãy xương do LX cao, cần được điều trị sớm.
Theo ThS-BS Tăng Hà Nam Anh, những BN bị gãy xương do LX, nhất là những BN gãy cổ xương đùi sau khi phẫu thuật thay khớp háng có khuynh hướng gãy cổ xương đùi bên đối diện trong vòng một năm sau đó. Vì vậy sau khi phẫu thuật, BS cần tư vấn và điều trị LX cho bệnh nhân theo phác đồ bằng cách dùng thuốc chống LX dạng uống hay truyền tĩnh mạch như nhóm thuốc bisphosphonates, hoặc các nhóm thuốc chống LX khác để ức chế hủy xương và phòng ngừa nguy cơ gãy xương lần hai.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, một số BV ở TP.HCM không hề điều trị LX cho BN sau khi phẫu thuật.
Ngày 22/10, bà N.T.C. (78 tuổi, ngụ Vũng Tàu) nhập BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM vì gãy cổ xương đùi trái. Ngày 5/11, bà C. được BS phẫu thuật thay khớp háng toàn phần không xi măng. Trong thời gian nằm viện, bà C. được BS cho uống thuốc Myvita Calcium 500mg, Paracetamol 500mg… Ngày 10/11, bà C. xuất viện và được BS cho toa thuốc gồm Alphachymotrysin 4,2mg, Amlor 5mg, Calcium Sandoz, Digesic Meyer, Unasyn 375mg.
Tương tự, ngày 24/10 ông N.V.C. (78 tuổi, ngụ Tiền Giang) cũng đến BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM trong tình trạng gãy nát vùng mấu chuyển xương đùi trái do bị té. Ngày 6/11, ông C. được phẫu thuật và xuất viện vào ngày 10/11. Đơn thuốc ra viện của ông C. cũng gồm Alphachymotrysin, Calcium Sandoz, Digesic Meyer, Zinnat 500mg.
Trong suốt thời gian nằm viện, bà C. và ông C. không hề được BS điều trị LX bằng các thuốc ức chế hủy xương như bisphosphonates theo khuyến cáo trong phác đồ. Lý giải nguyên nhân, BS Nguyễn Thái Thành - Trưởng khoa Khớp, BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cho biết, thuốc uống hoặc thuốc truyền tĩnh mạch để ức chế hủy xương, được thực hiện sau hai đến ba tuần kể từ khi BN phẫu thuật thay khớp. Nếu sau khi xuất viện từ hai đến ba tuần, BN quay lại tái khám thì sẽ được BS điều trị cho uống hoặc truyền tĩnh mạch bằng thuốc nhóm bisphosphonates. Do đa số BN không quay trở lại nên tỷ lệ BN được điều trị thuốc bisphosphonates tại BV rất ít.
Trong khi đó, ngày 19/11 bà C. trở lại BV tái khám, cắt chỉ, được BS cho toa thuốc gồm Calcium Sandoz, Rocitriol 0,25mcg, Paracetamol 500mg. Tương tự, ngày 21/11, ông C. tái khám, cắt chỉ và cũng chỉ được BS cho hai loại thuốc gồm NextG Cal, Bostacet.
Rõ ràng BS điều trị tại BV Chấn thương chỉnh hình đã không điều trị LX bằng các loại thuốc ức chế hủy xương. Những loại thuốc mà BS kê toa cho hai BN trên chỉ là thuốc giảm đau, kháng sinh, calcium, vitamin D… Theo các BS, thuốc calcium và vitamin D là những chất cơ bản cần cho việc xây dựng xương mới nhưng không được xếp là thuốc điều trị chính. Việc cho BN dùng thêm các loại thuốc này là cần thiết nhưng chưa đủ vì nó không giúp bảo vệ và giảm tỷ lệ tái gãy xương.
Bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan - Trưởng khoa Cơ xương khớp, BV Nhân Dân 115 nhận định, nếu điều trị LX bằng các thuốc chống hủy xương sau phẫu thuật thì sẽ giảm nguy cơ gãy xương lần hai khoảng 40% và giảm nguy cơ tử vong đến 30%.
Các BS khuyên những BN bị gãy xương, nhất là gãy cổ xương đùi cần mạnh dạn đòi hỏi quyền lợi được điều trị với BS. Tuy nhiên, chính BS còn xem nhẹ việc điều trị cho BN thì thử hỏi có bao nhiêu BN hiểu được tầm quan trọng của điều trị LX để yêu cầu BS áp dụng cho mình?
HOA LÀI
BS Hồ Phạm Thục Lan - Trưởng khoa Cơ xương khớp, BV Nhân Dân 115 cùng cộng sự đã làm cuộc nghiên cứu tại BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM bằng cách hồi cứu tất cả hồ sơ bệnh án của BN nhập viện vì gãy cổ xương đùi không do chấn thương nặng. Thời gian hồi cứu từ tháng 1/2008 đến 12/2010. Thông tin thu thập bao gồm các thuốc sử dụng cho điều trị LX trong thời gian nằm viện bao gồm bisphosphonate, calcitonin, calcium và vitamin D. Kết quả có 1.256 bệnh nhân gãy cổ xương đùi nằm viện và trong 1.256 bệnh nhân này, không một ai được điều trị bằng các thuốc ức chế hủy xương như bisphosphonates được khuyến cáo trong phác đồ điều trị. |