edf40wrjww2tblPage:Content
Niềm vui giản dị, ấm áp của hai chị em NSƯT Thoại Miêu - Thoại Mỹ
Người chị “ba trong một”
Tập tuồng mệt mỏi, khản giọng, là NSƯT Thoại Mỹ gọi điện nhờ chị chưng tắc, đường phèn mang đến rạp. Nhiều lúc, Thoại Miêu còn mang cả cà mèn cơm cho em. Với Thoại Mỹ, Thoại Miêu là người chị “ba trong một”: người chị luôn nhắc nhở, bảo ban; người mẹ thứ hai luôn yêu chiều, chăm sóc; người đồng nghiệp giàu kinh nghiệm luôn chân tình chỉ dạy, dìu dắt. Nhiều đêm vãn hát, em gọi điện tâm sự buồn vui về nghề, về đời, để chị em cùng chia sẻ, hóa giải.
Liveshow của em, chị chạy “vắt chân lên cổ”, nào mời bạn diễn, nào lo đạo cụ, nào in ấn vé, phông sân khấu, thầu luôn cả việc quản lý tài chính… Trước lúc em dự các liên hoan, chị nát óc phụ em tìm vai phù hợp; góp ý, uốn nắn để em thể hiện tốt nhất. Khi em nhận Huy chương vàng giải Trần Hữu Trang, giải Mai Vàng, giải nhất cuộc thi Diễn viên tài sắc, được phong tặng danh hiệu NSƯT, không bao giờ thiếu giọt nước mắt vui sướng của chị. “Tôi là cái bóng âm thầm phía sau Thoại Mỹ” - Thoại Miêu tự hào.
Thuở nhỏ, chị ẵm em đến lở hông. Cách nhau đến mười mấy tuổi, nhưng thời thơ ấu của em chẳng sung sướng hơn chị là mấy, cũng ăn độn bo bo, lúa mì, cũng áo vá quần đun tới gối. 12 con cộng với ba, má là 14 miệng ăn, chỉ trông vào đồng lương ít ỏi của ba ở trạm thú y, má thỉnh thoảng buôn thúng bán bưng kiếm thêm chút tiền. Thoại Miêu là con thứ năm, Thoại Mỹ là con thứ 12 (áp út). Mười tuổi, Thoại Miêu đã đi phụ việc nhà, phụ bán căn tin cho bà nội nuôi ở chung xóm. Rảnh việc, chị chạy về phụ má giữ em. Bà nội cho vài cắc, chị mua trái ổi xẻ ra chia cho các em, đến lượt mình chỉ còn miếng mỏng dính.
Nhờ bà nội nuôi dắt đi coi cải lương và cho học hát ở thầy Mười Phú, rồi học Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ, Thoại Miêu tiến dần đến ước mơ của mình. Sau năm 1975, chị vào Đoàn văn công TP.HCM và được ở nhà tập thể (Q.5, TP.HCM). Để đỡ gánh nặng cho ba má, chị đón Thoại Mỹ về nuôi, cho ăn học. Chị tỉ mỉ dạy em từ cách nấu ăn, vá quần áo, giữ gìn sức khỏe, vệ sinh cơ thể đến ăn nói sao cho vừa lòng người. Ban ngày em đi học, tối lại theo chị ra rạp. Chị ra sân khấu, em đứng ở cánh gà. Hết cảnh, chị vào, em phụ chị gỡ tóc, thay trang phục, lấy nước cho chị uống. Ngày chị hát nhiều suất, không về nhà kịp, em mang cơm tới rạp, chị em cùng ăn. Những ngày hè, chị mới cho em theo đoàn đi tỉnh, để tránh ảnh hưởng việc học hành.
NSƯT Thoại Mỹ (bên phải) đến chung vui ngày vợ chồng NSƯT Thoại Miêu cưới dâu
Nâng bước cho em
Cơ duyên đến vào khoảng năm 80, người đóng vai cô bé Sầu Riêng (vở Cây sầu riêng trổ bông của soạn giả Trương Bỉnh Tòng) bị bệnh phải nghỉ hát. Tình thế cấp bách, NSND Lệ Thủy gợi ý: “Em thử cho bé Mỹ vào vai này để chữa cháy”. Chị do dự. Hỏi Thoại Mỹ thì bất ngờ, em gật đầu cái rụp: “Em hát được, em thuộc rồi!”. Chị lại sợ: “Làm được không đó? Coi chừng “trượt vỏ chuối”, mất uy tín của tui là không được nhe!”. Nhưng chỉ sau một buổi tập, bé Mỹ (lúc ấy khoảng 12 tuổi) đã vào vai ngọt xớt, hát đúng nhịp, giọng trong veo dễ thương. NSND Lệ Thủy phải thốt lên: “Con nhỏ này có tương lai, Thoại Miêu mau cho em học hát đi”. Em bắt đầu lén chị thoa son, vận khăn áo của chị để làm công chúa. Trước đây, em chỉ thích làm cô giáo, đâu nghĩ đến nghiệp “con tằm nhả tơ”.
Phòng tập thể của Thoại Miêu giờ lại thêm tiếng ngâm nga. Thoại Mỹ được cho học hát với thầy Út Trong. Những buổi không đi hát, chị lại tập cho em. Chị không khuyến khích em đi hát vì tuổi 12,13 rất lỡ cỡ, khó có vai, em lại chưa được học hành bao nhiêu. Khi Nhà hát Trần Hữu Trang mở đợt tuyển chọn diễn viên, chị gấp rút luyện cho em dự tuyển và được chọn đào tạo ba năm. Thời gian này, Thoại Mỹ xin học bán trú (không đăng ký nội trú), chấp nhận lội bộ đi học. Vì nghèo, Thoại Mỹ muốn để dành toàn bộ tiêu chuẩn Nhà nước cấp (17 ký gạo, nửa ký thịt, cá và nhu yếu phẩm mỗi tháng) đem về cho má. Thoại Mỹ kể: “Lúc đầu đi hát, “đào em” phải xin “đào chị” miếng phấn son. 15g phải đi bộ để đến rạp kịp suất hát tối. Trên tay lúc nào cũng lủng lẳng cà mèn cơm trắng, nước tương, lâu lâu mới có miếng trứng vịt. Dù được gia đình yêu thương, chăm lo nhưng mình luôn muốn tự lập, không để người thân nặng gánh”.
Bà Thoại Mỹ (bên trái) đến mừng thôi nôi của bé Suri (cháu nội của NSƯT Thoại Miêu)
Người mẹ hiền hậu sớm ra đi khi chưa kịp thấy con gái út thành danh. Năm 1984, Thoại Miêu tạt về nhà thăm má sau hành trình lưu diễn, thấy má xanh xao, bị hư mấy đầu ngón tay, chị dẫn vào bệnh viện khám. Bác sĩ trách: “Sao gia đình để bệnh tim nặng đến vậy?”. Thoại Miêu nhờ các chị em chăm sóc, từ giã má để đi hát ở Vĩnh Long. Má nắm tay hoài không buông, nước mắt rơm rớm: “Con đừng đi, ở nhà với má!”. Con gái vỗ về: “Má ráng uống thuốc, con đi hát kiếm tiền lo cho má”. Không ngờ đó là lời cuối cùng của má. Vài ngày sau, trên đường lưu diễn, Thoại Miêu nhận tin xấu của má.
Tuy không phải chị cả, nhưng Thoại Miêu luôn là đầu tàu của đại gia đình, là cầu nối để thống nhất mọi chuyện giữa các chị em. Cả Thoại Miêu và Thoại Mỹ đều nhận phần trụ cột về tài chính, sẵn sàng đỡ đần cho chị em khi cần thiết.
Trong môi trường nghệ sĩ phức tạp, chị em luôn dòm ngó, nhắc nhở nhau để không buông thả, sa ngã. Đặc biệt là việc nhắc nhau “liệu cơm gắp mắm”, tiêu xài căn cơ, tiên liệu tương lai để tuổi già được an nhàn, không trở thành gánh nặng của con cháu.
Mỗi tuần, chị em, con cháu lại về nhà Thoại Mỹ nấu cơm, quây quần. Đêm về, ấm cúng bên chồng con, Thoại Miêu lại thương em một mình, và cả những âu lo, thấp thỏm bởi Thoại Mỹ cũng mang bệnh tim như má...
TÔ DIỆU HIỀN