Chị em nông thôn giúp nhau có thu nhập từ cây dại

25/02/2025 - 06:47

PNO - Qua bàn tay khéo léo của các chị em ở ấp Cạnh Đền 2, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, cây năn tượng - loại cây tưởng như bỏ đi - lại trở thành nguyên liệu đan sản phẩm thủ công mỹ nghệ bền, đẹp, được thị trường ưa chuộng.

Cây năn tượng mọc tự nhiên hoặc được người dân trồng để tạo môi trường và thức ăn nuôi tôm. Những năm gần đây, loại cây này được nhiều người dân thu hoạch, bán cho các cơ sở đan thủ công mỹ nghệ, giúp nhiều phụ nữ nông thôn có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.

Thấy được tiềm năng của cây năn tượng, chị Trần Thị Lanh - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Phát Đỉnh (xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) - đã mạnh dạn khai thác, thu mua cây năn tượng để gia công thành sản phẩm cung ứng cho các công ty xuất khẩu ở Bình Dương.

Chị Trần Thị Lanh đang đan sản phẩm mỹ nghệ từ cây năn tượng
Chị Trần Thị Lanh đang đan sản phẩm mỹ nghệ từ cây năn tượng

Chị Lanh chia sẻ, ở Kiên Giang và Cà Mau, cây năn tượng mọc rất nhiều, lúc trước người dân chỉ biết trồng ở các vuông tôm nhằm tạo nguồn thức ăn cho tôm. Khi có nghề đan thủ công mỹ nghệ thì cây năn tượng được người dân khai thác để bán cho các cơ sở và HTX.

Giá thu mua năn tượng tươi từ 600-700 đồng/kg. Trung bình từ 7 - 8kg năn tượng tươi, sau khi phơi sẽ thu được 1kg cây khô. Hiện, mỗi ngày cơ sở của chị Lanh thu mua hơn 100 tấn năn tượng khô để đan các sản phẩm mỹ nghệ theo đơn đặt hàng.

Chị Lanh đã mày mò đan các sản phẩm theo đơn đặt hàng từ công ty rồi hỗ trợ lại cho hàng trăm chị em để giúp nhau có thêm thu nhập. Mỗi sản phẩm mỹ nghệ gia công hoàn thiện sẽ được trả công từ 35.000 đồng trở lên tùy theo mẫu mã và sự phức tạp của các hoa văn. Mỗi người có thể đan khoảng 3-4 sản phẩm/ngày.

Đến nay, chị Lanh đã hỗ trợ cho hàng trăm chị em thành thạo tay nghề đan. Sản phẩm được đan từ năn tượng rất phong phú và đa dạng như túi xách, rổ, nón, không chỉ đẹp mắt mà còn giảm thiểu rác thải nhựa, ô nhiễm... Thời gian tới, ngoài việc đan năn tượng, HTX còn dự tính mở rộng đan lục bình và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác.

Chị Lanh chia sẻ, ngoài chị em ở địa phương, chị còn hỗ trợ cho phụ nữ các nơi khác để giúp họ có thêm nghề, thêm thu nhập trong lúc nông nhàn. Bà Nguyễn Thị Hằng - 62 tuổi, ngụ xã Vĩnh Phong - cho biết: “Tôi tuổi cao, không có sức khỏe làm việc nặng, nhờ được cô Lanh dạy nghề đan năn tượng nên hằng tháng tôi có thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Tháng đầu tiên sau khi học nghề thành thạo, tôi kiếm được hơn 2 triệu đồng, các tháng sau tăng lên”.

Em Võ Thị Anh Thư - 14 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thuận - bộc bạch, thấy mọi người đan năn tượng có thêm thu nhập, em cũng đăng ký học và sau vài tuần đã đan thành thạo các hoa văn. Hiện nay, ngoài giờ học, mỗi ngày em đan được 2 sản phẩm mỹ nghệ, kiếm khoảng 2 triệu đồng/tháng phụ giúp gia đình.

Nhiều người dân còn tăng thu nhập từ bán năn tượng. Bà Trần Thị Hằng - 54 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau - cho biết, mỗi tháng bà kiếm thêm được vài triệu đồng từ việc thu hoạch năn tượng. “Năn tượng không tốn công chăm sóc, chỉ tốn thời gian thu hoạch. Trước đây người dân sở hữu ruộng tôm chỉ có thu nhập từ tôm, cua, cá…, bây giờ có thêm tiền từ bán năn tượng nên ai cũng vui” - bà Hằng khoe.

Đại diện Hội LHPN xã Vĩnh Phong cho biết, hội đã liên kết với chị Trần Thị Lanh để dạy nghề và tạo việc làm cho chị em trong xã. Hiện xã có hơn 200 chị em phụ nữ được đào tạo nghề đan năn tượng, có thu nhập ổn định nên không phải đi làm thuê xa quê như trước.

Phú Hữu

Chị Trần Thị Lanh đang đan sản phẩm mỹ nghệ từ cây năn tượng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI