'Chị em mình và tụi nhỏ hát hay, diễn giỏi quá chừng!'

31/07/2019 - 06:33

PNO - Sân khấu dành cho tình yêu nhạc cổ truyền khá kén khán giả, nên không quá đông người dự khán, nhưng ai đã đến thì không bỏ dở chương trình. Đấy là niềm động viên khích lệ những người tổ chức và dàn diễn viên quần chúng.

Trích đoạn vở Xử án Thượng Dương kết thúc, khán phòng sân khấu Chợ Lớn (Trung tâm Garden Mall) như vỡ òa bởi tiếng vỗ tay và lời khen ngợi. Tiết mục xứng tầm để giành giải cao nhất bảng A (đờn ca tài tử và trích đoạn cải lương) tại Liên hoan Đờn ca tài tử, trích đoạn cải lương và các ca khúc mang âm hưởng dân ca Q.5 năm 2019.

Khán giả khó tính nhất cũng hài lòng 
Đây là lần thứ tư, Hội Liên hiệp Phụ nữ Q.5 phối hợp cùng Hội Liên hiệp Thanh niên và Trung tâm Văn hóa quận tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử, trích đoạn cải lương và các ca khúc mang âm hưởng dân ca. Với chủ đề “Giai điệu phương Nam”, hội thi đã thu hút hơn 40 thí sinh đến từ các tổ chức Hội và trường học tại địa bàn.

'Chi em minh va tui nho hat hay, dien gioi qua chung!'
 

Sau các vòng sơ khảo và bán kết, đêm chung kết xếp hạng diễn ra tối 28/7 có 19 thí sinh và hàng trăm vũ công nghiệp dư lên sàn diễn. Nói là nghiệp dư, nhưng thực tế cả 19 tiết mục của đêm chung kết xếp hạng đều được đầu tư công phu, nên khi kết hợp với dàn âm thanh, ánh sáng và sân khấu hoành tráng đã làm mãn nhãn bất cứ khán giả khó tính nào. Mỗi bài ca cổ, mỗi trích đoạn cải lương và mỗi làn điệu dân ca… đều được chọn lọc và được cất lên không chỉ bằng tài nghệ mà còn bằng cả niềm đam mê kết hợp cùng nhịp gõ, tiếng đờn khiến khán giả hài lòng. Bà Trần thị Ánh Nga, 70 tuổi, ngụ ở đường Ngô Quyền, tấm tắc: “Sao mà chị em mình và tụi nhỏ hát hay, diễn giỏi quá chừng!”. 

Đồng cảm với bà Nga, anh Nguyễn Thành Tín, 45 tuổi, ngụ ở đường Ngô Gia Tự, Q.10, nói: “Nghe cô Nguyệt, Hội Phụ nữ P.14 cất giọng hát bài Mẹ tôi, tôi muốn rơi nước mắt. Theo tôi, cả 19 tiết mục đêm nay đều xứng đáng có giải thưởng”.

Hội thi chia làm hai bảng: bảng A gồm các tiết mục đờn ca tài tử và trích đoạn cải lương, bảng B là những ca khúc mang âm hưởng dân ca. Vì là hội thi do hai tổ chức đoàn thể phối hợp, nên thí sinh từ 16 đến hơn 70 tuổi cùng trổ tài. Sân khấu dành cho tình yêu nhạc cổ truyền khá kén khán giả, nên không quá đông người dự khán, nhưng ai đã đến thì hầu như không bỏ dở chương trình. Đấy cũng là niềm động viên khích lệ những người tổ chức và dàn diễn viên quần chúng.

'Chi em minh va tui nho hat hay, dien gioi qua chung!'
Diễn viên tham gia liên hoan đều là hội viên phụ nữ, hội viên thanh niên và thuộc nhiều lứa tuổi

Sân chơi đã có nhiều bước tiến 

Một tuần trước đêm chung kết xếp hạng của Liên hoan Giai điệu phương Nam, ở nhiều phường trên địa bàn Q.5 đã bàn tán về hội diễn. Tại P.10, trong buổi họp mặt kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, khi bài vọng cổ Sợi nhớ, sợi thương được cất lên bởi cái giọng “ngọt như mía lùi” của người nữ cựu chiến binh Phạm Hồng Nga thì cả hội trường như lắng lại. Từng lời ca như thấm vào tâm tưởng mỗi người.

Cô Nga là một trong những cây đại thụ trong phong trào đờn ca tài tử và hát dân ca của P.10, Q.5. Cùng với cô Võ Thị Thanh Liên và nhiều chị em thuộc thế hệ 4X, 5X… cô Nga đã giúp Hội LHPN phường gầy dựng phong trào văn nghệ đờn ca tài tử. Để bồi dưỡng thêm cho chị em, từ cách ca hát, biểu diễn… các cô đã tìm đến thầy Nguyễn Thành Niên - giảng viên khoa Kịch nhạc dân tộc, Trường đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM - để “tầm sư học đạo”. 

Nhờ có thầy Niên chỉ dẫn và khuyến khích mà Hội LHPN P.10 đã đưa phong trào đờn ca tài tử và hát dân ca về khắp 7 khu phố của phường. Để sân chơi lan tỏa và thu hút nhiều người, nhiều đối tượng, năm 2013 Hội LHPN P.10 đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể của phường tổ chức hội thi “Hát cho niềm tự hào”. Suốt bảy năm qua, hội thi được duy trì, lan tỏa tình yêu âm nhạc cổ truyền đến với mọi người, đặc biệt trong hội viên, phụ nữ. 

Theo chị Trần Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội LHPN Q.5, sân chơi được tổ chức trên tâm nguyện của rất nhiều hội viên, phụ nữ yêu nhạc tài tử và những làn điệu dân ca. “Hơn 10 năm trước, khi phong trào đờn ca tài tử trở lại, nhiều nhóm, tổ phụ nữ đã truyền nhau những làn điệu cải lương, những bản vọng cổ. Trước giờ sinh hoạt chi, tổ hội, các dì các chị tranh thủ hát cho nhau nghe, tập cho nhau hát… Lâu dần thành phong trào, lan tỏa khắp Q.5. Nhận thấy đây là một nhu cầu có thật, đồng thời là một hoạt động văn hóa tinh thần lành mạnh, Hội đã nghĩ cách chia sẻ niềm say mê này của chị em. Đến năm 2016, chúng tôi quyết định phối hợp cùng Hội Liên hiệp Thanh niên và Trung tâm Văn hóa quận tổ chức liên hoan cấp quận” - chị Thu Hương nói.

'Chi em minh va tui nho hat hay, dien gioi qua chung!'
 

Và từ đó, Liên hoan Giai điệu phương Nam được tổ chức định kỳ hằng năm. Từ một sân chơi không chuyên nơi hội trường, được bài trí đơn giản, đến nay liên hoan đã được tổ chức tại những sân khấu lớn, các tiết mục được đầu tư đặc sắc và chuyên nghiệp. Đây cũng là dấu ấn của Hội LHPN Q.5 trong hoạt động văn hóa, văn nghệ; trong vai trò, trách nhiệm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần đối với hội viên, phụ nữ. 

Riêng với hội viên, như lời cô Võ Thị Thanh Liên, nữ thương binh 4/4 ở khu phố 6, P.10: “Hội diễn, hội thi, hay đơn giản những buổi tập hát, tập múa, những làn điệu dân ca ấy chính là niềm vui nho nhỏ mà Hội mang đến cho chúng tôi. Được cất tiếng ca, hòa nhịp cùng tiếng đờn, tôn vinh dáng hồn dân tộc… chính là điểm tựa tinh thần quý giá, giúp cho chị em phấn chấn hơn, yêu đời hơn”. 

HẠNH CHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI