Chị em lập chợ quê để phát triển du lịch cộng đồng

31/03/2025 - 05:59

PNO - Chợ quê thân thương với các loại sản vật miệt vườn như xoài, chuối, vú sữa, dừa, mận, ổi; các món ngon đồng quê như cháo hến, bánh xèo, bánh khọt, bánh chuối, tôm cá nướng… được chị em xứ cù lao Tân Thuận Đông (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) tạo ra đã thu hút hàng ngàn du khách đến vui chơi, thưởng thức vào chiều thứ Bảy hằng tuần. Đây được xem là mô hình du lịch nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường…

Dân dã mà ngon

14 giờ thứ Bảy phiên chợ quê mới diễn ra, nhưng từ thứ Năm, chị Huỳnh Thị Mười - đã rọc lá chuối, lá dừa chuẩn bị gói bánh ít, bánh phu thê. Rồi chị chuẩn bị bột nếp, bột năng, đậu xanh, khoai môn, dừa nạo, nước lá cẩm, mạch nha, mè rang… để làm bánh. Hàng trăm cái bánh được chị và người cháu gái làm vào ngày hôm sau.

Đến sáng thứ Bảy, họ lại làm bánh da lợn và nấu bánh canh tôm, cua. Đến đầu giờ chiều thứ Bảy, tất cả món ăn ấy được đem ra chợ quê phục vụ du khách. Bánh ít và bánh phu thê: 5.000 đồng/cái. Bánh canh tôm cua 10.000 đồng/phần… Giá cả quá đỗi bình dân nên phiên chợ nào các món ăn của chị Mười cũng cháy hàng.

Du khách thưởng thức các món ăn dân dã ở chợ quê Tân Thuận Đông
Du khách thưởng thức các món ăn dân dã ở chợ quê Tân Thuận Đông

“Chợ diễn ra có mấy tiếng nhưng gia đình tôi phải chuẩn bị mấy ngày để bánh được ngon và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy cực mà vui, bởi du khách trong và ngoài nước tới chơi khá đông. Nhiều người khen bánh ngon và còn hẹn ngày gặp lại” - chị Mười bộc bạch.

Xung quanh cù lao Tân Thuận Đông có khá nhiều hến nên chị Lê Anh Thư chế biến món cháo hến mang đến phục vụ phiên chợ quê. Hến được chị rửa sạch, ngâm muối, rồi rửa lại nhiều lần mới đem luộc lấy thịt. Hạt gạo cũng được rang lên trước khi nấu cháo. Cháo chín mới cho thịt hến xào vào, nêm thêm hành lá, rau răm… cho món cháo đậm đà hương vị. Mỗi thố cháo hến thơm ngon được bán với giá 10.000 đồng khiến thực khách ngẩn ngơ.

Ngoài ra, chị Thư còn chế biến khoảng 40kg vẹm nướng, hơn 3.000 trứng cút luộc để du khách được thưởng thức nhiều món ăn quê hương. Khách ghé khá đông nên chị Thư phải nhờ thêm 4 người tiếp sức mới kịp phục vụ.

Chị Tô Hồng Nhung, một người địa phương, cho biết, không có đất đai canh tác nên hằng ngày chị bán nước giải khát, còn chồng đi làm vườn cho bà con. Từ khi chợ quê ra đời, vợ chồng chị được Hội Phụ nữ xã bố trí một gian hàng để bán các loại nước mát như rễ tranh, sâm lạnh, sương sáo, hạt é, mủ gòn, trà đào… với giá 10.000 đồng/ly.

Ngoài ra, chị còn bán thêm nhiều sản phẩm như cây thuốc dòi, cỏ xước và bánh tráng. “Không chỉ khách du lịch mà nhiều bà con ở Cà Mau, Kiên Giang, TPHCM… cũng đặt hàng” - chị khoe.

Nhà chị Nguyễn Thị Mỹ Châu có vài công vườn trồng xoài, chuối và các loại rau. Có chợ quê, chị mang rau trái nhà trồng ra phục vụ và được du khách hưởng ứng nhiệt tình, giúp chị có thêm nguồn thu nhập.

Góp phần thu hút khách du lịch

Chị Huỳnh Thị Liên - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thuận Đông - cho biết, xứ cù lao có nhiều cây xanh, trái ngọt, bà con sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn, bởi giá cả nông sản bấp bênh, được mùa thì mất giá. Được sự gợi ý của UBND TP Cao Lãnh, xã về bàn bạc, vận động bà con tham gia.

Tháng 12/2022, chợ quê Tân Thuận Đông khai mạc với 12 gian hàng, 24 hộ bày bán các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Chợ hoạt động từ 14 - 20g thứ Bảy hằng tuần. Theo thời gian, chợ quê được mở rộng dần, đến nay đã có hơn 67 gian hàng với 200 mặt hàng là sản vật địa phương, các món ăn dân dã, được du khách ưa thích.

“Hiện nay, chợ quê Tân Thuận Đông tạo việc làm cho hơn 200 lao động, đa phần là phụ nữ. Các gian hàng đều có lợi nhuận, ít thì 300.000-500.000 đồng, nhiều thì 1-1,5 triệu đồng sau một buổi họp chợ. Cũng nhờ mô hình này mà Hội Phụ nữ thuận lợi trong tập hợp hội viên sinh hoạt định kỳ” - chị Huỳnh Thị Liên thông tin.

Du khách  quốc tế thích thú  với chợ quê  Tân Thuận Đông
Du khách quốc tế thích thú với chợ quê Tân Thuận Đông

Chia sẻ về những đổi thay từ khi có chợ quê, chị Lê Anh Thư cho biết: “Chợ quê đã giúp chị em ở cù lao thay đổi tích cực trên nhiều mặt. Buôn bán tuy hơi cực nhưng có lời, giúp gia đình ổn định cuộc sống”. Chị Nguyễn Thị Thanh - chủ gian hàng bánh xèo - nhìn nhận: “Cù lao xưa nay cách trở với đất liền, đi lại còn khó khăn, nên việc tiếp xúc xã hội còn nhiều hạn chế. Chợ quê ra đời giúp chị em có điều kiện gặp gỡ, giao lưu với du khách trong và ngoài nước, học hỏi được nhiều điều bổ ích, nên chúng tôi cảm thấy mình đã lớn lên rất nhiều. Bộ mặt vùng nông thôn cũng khang trang và nhộn nhịp hơn”.

Theo UBND xã Tân Thuận Đông, để có một chợ quê nhộn nhịp với hơn 2.000 du khách đến mỗi kỳ như hiện nay là cả quá trình kiên trì. Việc đầu tiên là quy hoạch khu vực phải thuận lợi về giao thông để xây dựng 2 dãy chợ, mỗi dãy được bố trí đầy đủ các mặt hàng ăn uống, rau củ, trái cây các loại xen kẽ nhau để du khách dễ tìm mua và các hộ tiểu thương cũng dễ phục vụ. Chợ cũng bố trí 6 quầy ngồi nghỉ, một dãy sàn và một quầy lớn ở khu bãi bồi cho du khách tận hưởng, trải nghiệm hương vị đồng quê, làm bánh, nghe đờn ca tài tử, tham gia các trò chơi dân gian, thi đua xuồng, thả diều…

Bà Hồ Huệ Thu Hằng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP Cao Lãnh - cho hay: “Xác định chợ quê sẽ đóng vai trò quan trọng thu hút khách du lịch nhằm quảng bá hình ảnh địa phương và giúp tiêu thụ nông sản cho bà con nên chúng tôi đã hướng dẫn chị em tham gia phiên chợ về giao tiếp niềm nở, ân cần; phục vụ nhiệt tình, chu đáo; tập huấn các nghiệp vụ về du lịch.

Các sản phẩm khi được bày bán phải chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh. Các loại hoa trái, rau củ bà con phải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP… Ban đầu còn có chút trở ngại, vì bà con chưa quen, nhưng dần dần thì mọi việc đâu vào đấy. Lượng khách đến chợ ngày càng đông, lượng sản phẩm bán ra cũng ngày càng tăng, doanh thu tăng. Thấy hiệu quả thiết thực nên chị em ai cũng chung tay thực hiện tốt”.

Phát triển du lịch nhằm giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho dân

Theo Bí thư Đảng ủy xã Tân Thuận Đông Võ Thùy Dương, chợ cù lao Tân Thuận Đông được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận là điểm du lịch cộng đồng. Chính quyền xã cũng xác định nhiệm vụ phát triển du lịch nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho dân, cải thiện đời sống và hình ảnh nông thôn, nông dân, nhất là chị em phụ nữ… Để phát triển bền vững chợ quê và đảm bảo môi trường, chính quyền yêu cầu người bán hàng phải sử dụng những vật dụng tự hủy để đựng, gói thực phẩm.

Bên cạnh đó, phải đầu tư mới các sản phẩm du lịch trải nghiệm như dỡ chà bắt cá sông; phối hợp với các nhà tổ chức, công ty du lịch để kết nối, quảng bá tour, hình ảnh chợ quê rộng rãi hơn nữa; tổ chức các sự kiện về du lịch trên địa bàn; đầu tư thêm các công trình và mở rộng diện tích chợ quê nhằm phục vụ chu đáo nhu cầu ngày càng đông của du khách…

Du khách ấn tượng chợ quê

Chị Nguyễn Kim Loan (ngụ huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) bộc bạch: “Gia đình tôi đã một lần về chợ quê cù lao này. Tại đây có rất nhiều món ăn dân dã miền Tây như ốc nướng, cua đồng, cá sông, bánh dân gian… Ăn no bụng mà chưa đã thèm. Chúng tôi còn mua các loại trái cây, rau củ của bà con mang về làm quà”.

Còn nhóm khách du lịch của anh Trần Văn Trắng - Việt kiều Mỹ - chia sẻ: “Quê tôi ở Hậu Giang. Tôi sang Mỹ định cư đã hơn 10 năm. Lần này về Việt Nam cùng bạn bè, tôi đưa mọi người đến chợ quê chơi. Chợ nằm ở cù lao, sông nước bao quanh, với nhiều vườn cây mát mẻ, hữu tình, bà con nông thôn hiền hòa, mến khách…

Cả nhóm ăn nhiều món ngon nhưng chi phí không bao nhiêu, bởi món nào cũng rẻ. Thật ấn tượng với chợ quê như thế này”.

Huỳnh Lợi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI