"Bỏ túi" kỹ năng cần thiết
Đến nay, chị Đoàn Thanh Trúc (ngụ huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) vẫn áy náy khi nhớ về vụ tai nạn của mẹ chị xảy ra vào 3 năm trước. Lần đó, trong lúc đi vệ sinh, mẹ chị Trúc không may bị trượt chân, ngã xuống sàn nhà tắm dẫn đến gãy xương đùi. Các thành viên trong gia đình không biết phải xử lý thế nào nên nhanh chóng bế xốc bà đưa đi viện. Do không biết cách nẹp định hình phần xương bị gãy nên trong quá trình đưa đến bệnh viện, phần chân của bà bị va đập, khiến vết thương nghiêm trọng hơn.
“Mẹ tôi đã hơn 60 tuổi rồi. Vì người nhà không biết cách sơ cứu kịp thời nên khả năng hồi phục chậm. Bây giờ, dù chân mẹ đã lành nhưng đi lại khập khiễng” - chị Trúc thở dài, tiếc nuối.
 |
Các kỹ năng sơ cấp cứu không quá phức tạp, ai cũng có thể học và thực hiện |
Vì có con nhỏ đầu lòng nên vợ chồng anh Lý Nguyện (ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) cũng rất quan tâm đến kiến thức sơ cấp cứu trong trường hợp con trẻ té ngã, va chạm, hóc dị vật… Anh Nguyện cho biết, lần học sơ cứu gần nhất của anh cách đây đã 8 năm. Khi ấy, anh là sinh viên năm nhất và đang trong khóa học quân sự. “Khi đó, tôi đã được học cách băng bó vết thương, cách nẹp cố định phần xương bị gãy, xử lý vết thương chảy máu… Đến nay cũng khá lâu rồi nên không còn nhớ rõ các bước xử lý. Giờ nhà có con nhỏ, tôi sẽ tìm khóa học sơ cấp cứu để học lại, phòng khi có việc cần. Tôi nghĩ, nếu như sơ cấp cứu trở thành môn học trong chương trình giáo dục phổ thông sẽ giúp ích được rất nhiều người” - anh Nguyện nói.
Còn với diễn viên Kiều Trinh, vì tính chất công việc, có những thời điểm đóng phim nhiều, chị rơi vào tình trạng kiệt sức, mệt mỏi. Chị kể: “Có lần, khi đang đi siêu thị, tôi bất ngờ cảm thấy hoa mắt, chóng mặt và gần như ngất xỉu. Lúc đó, tôi rất sợ hãi và nhận ra tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất”. Sau lần đó, chị Trinh tìm đến lớp học sơ cấp cứu. Chị cũng dẫn con trai theo để bé cùng học và có thể hỗ trợ mẹ cũng như những người xung quanh khi có biến.
Cứu mình, cứu người
Sơ cấp cứu là những biện pháp xử lý ban đầu đối với người bị thương hoặc đột ngột ốm đau, nhằm duy trì các chức năng sống, ngăn chặn tình trạng xấu đi và chuẩn bị cho việc cấp cứu chuyên nghiệp. Trong những tình huống khẩn cấp, khi dịch vụ y tế chưa kịp đến, việc sơ cứu kịp thời có thể là yếu tố quyết định sự sống còn của nạn nhân.
Ông Tony Coffey - chuyên gia cấp cứu ngoại viện Úc - cho biết, ở các nước phát triển như Úc, việc dạy sơ cấp cứu rất phổ biến ở trường học, thường được lồng ghép trong các chương trình bắt đầu từ lớp Mười. Từ nhỏ, trẻ đã tiếp cận kiến thức về sơ cứu trong các hoạt động thể thao, các câu lạc bộ. Không những vậy, các doanh nghiệp bắt buộc phải đào tạo sơ cấp cứu cho người lao động.
Ông cho biết thêm, những năm qua, người Việt dần ý thức hơn về tầm quan trọng của các kỹ năng sơ cấp cứu. Đây là việc không quá phức tạp mà ai cũng có thể học và thực hành. “Điều quan trọng là mỗi người cần trang bị kiến thức để biết mình cần làm gì khi gặp tình huống khẩn cấp, trước hết là giúp cho chính những người thân trong gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, sau đó là cộng đồng” - ông Tony Coffey nhấn mạnh.
Sau 2 lần được học kiến thức về sơ cấp cứu (lần đầu học sơ cấp cứu trong thể thao, lần thứ hai học sơ cấp cứu cho người gặp tai nạn và đột quỵ), diễn viên Kiều Trinh vô cùng tự hào khi đã giúp được 1 nạn nhân gặp tai nạn xe trên đường Ba Tháng Hai, quận 10, TPHCM.
“Nhờ kiến thức sơ cấp cứu học được, tôi không bị hoảng mà bình tĩnh quan sát xem tình trạng nạn nhân rồi kêu mọi người đừng tập trung đông quá. Sau đó, tôi gỡ nút quần, những nơi bó chặt cơ thể khiến nạn nhân khó thở và kêu con cầm dù che mát cho nạn nhân, vì lúc ấy trời rất nắng. Mọi người bảo đỡ nạn nhân lên, nhưng tôi nói không và để nạn nhân nằm nghiêng rồi tiếp tục bắt mạch theo dõi nhịp thở. Một lúc sau, nhịp thở nạn nhân đã đều và ổn định hơn, tôi mừng lắm” - diễn viên Kiều Trinh kể lại.
Không những vậy, từ khi học sơ cấp cứu, chị Trinh biết trân trọng sức khỏe hơn. Chị tập dần thói quen ăn uống lành mạnh, giữ tinh thần thoải mái trước áp lực công việc và cuộc sống.
Còn chị Mai Khanh (ngụ quận 3, TPHCM) cảm thấy học kỹ năng sơ cấp cứu là việc vô cùng xứng đáng với tiền bạc, thời gian bỏ ra. “Trước đó, tôi mua sách sơ cấp cứu đọc, nhưng không hiểu hết. Khi đi học trên lớp, được các giảng viên diễn giải, được thực hành cụ thể, kiến thức đi vào đầu rất tự nhiên, tôi cũng nhớ lâu hơn” - chị Khanh nói.
Bà Trang Jena Nguyễn - đồng sáng lập Tổ chức Kỹ năng sinh tồn SSVN - Survival Skills Vietnam - nhận xét, trong xã hội hiện đại, các hoạt động diễn ra với nhịp độ hối hả, hàng loạt những bất trắc có thể xảy đến bất cứ lúc nào; việc trang bị kiến thức sơ cấp cứu cho bản thân và cộng đồng trở nên cấp thiết. Bà bày tỏ mong muốn: “Tôi ước mỗi gia đình ở Việt Nam có ít nhất 1 người biết sơ cấp cứu. Mỗi ngày thức dậy, chúng ta lại có thêm một ngày mới để chia sẻ kiến thức quan trọng này tới nhiều người, để thấy rằng kỹ năng sơ cấp cứu không là điều đáng sợ”.
Nhã Chân