Chị em dâu

13/08/2014 - 15:28

PNO - PN - Em bước chân về nhà chồng trong tâm trạng nơm nớp lo sợ khi thai đã sang tháng thứ tư.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhà chồng (ngoại trừ chị) không ai chào đón em vì ngay từ đầu họ đã chê gia đình em không môn đăng hộ đối, khi em có thai họ chẳng ngại quy kết em đã tìm mọi cách để “trói” con trai, em trai họ.

Những lời lẽ xỉa xói, xúc phạm không đủ sức quật ngã em, nhưng lòng tự trọng khiến em đau đớn và cảm thấy day dứt khi nghĩ đến bố mẹ mình.

Đã có lúc em nghĩ không làm đám cưới nữa, em sẽ tự mình nuôi con em lớn lên, dù anh ấy vẫn quyết tâm sẽ bảo vệ tình yêu của mình bằng mọi giá.

Trong lúc em thực sự hoang mang và khó xử thì chị xuất hiện. Em vẫn còn nhớ như in cuộc điện thoại gọi đến vào một buổi tối muộn. Chị xưng là chị của anh, muốn gặp em.

Em đã nghĩ đến những lời cự tuyệt, nhẹ nhàng hơn là một sự thương lượng… từ chị (người đại diện cho gia đình chồng) nhưng chị đã khiến em bất ngờ.

- Em nghĩ làm một người mẹ đơn thân đơn giản lắm sao? Em có thể vứt bỏ người đàn ông vẫn đang hết lòng hết dạ với mình dễ dàng như thế sao?

Đám cưới của em giản tiện đến mức mỗi lần nhớ đến em lại thấy đắng lòng với hai từ “cưới chạy”.

- Đám cưới thực ra chỉ là nghi lễ, thủ tục, vợ chồng sống với nhau thế nào mới là quan trọng em ạ.

Chị đã đặt tay lên vai em an ủi khi nhìn thấy em ngồi một mình lén lau những giọt nước mắt. Vượt lên những nỗi niềm, em đã cố gắng sống tốt như lời chị khuyên, nhưng em chưa bao giờ được chấp nhận như một thành viên trong gia đình chồng.

Chị em dau

Ngày em chuyển dạ, chồng em đi công tác xa về không kịp, ở dưới quê mẹ em đang bệnh nên chẳng nỡ báo cho bà. Cứ tự an ủi mình: ông bà nội không thương mình nhưng lẽ nào không xót cháu, vậy mà bố chồng lạnh lùng: "Đau thì vào viện chứ còn ngồi đấy ôm bụng làm gì?". Mẹ chồng thì kêu nhức xương, mỏi gối không đi cùng được, gọi cho con chuyến taxi coi như xong nghĩa vụ. Biết tin, chị lao đến viện rồi lo hết mọi thủ tục cho em. Em sinh con lần đầu bỡ ngỡ, sợ hãi, lại thêm nỗi tủi thân vì sự ghẻ lạnh của nhà chồng, nước mắt chực trào ra. Chị mắng: "Là phụ nữ yếu đuối tí cũng được, nhưng đã làm mẹ thì phải mạnh mẽ, chớ không thì làm sao mà che chở, bảo bọc được con".

Em dũng cảm bước vào phòng sinh với quyết tâm vừa được chị tiếp sức. Quay lại nhìn, thấy chị vẫn đứng ngó theo em, trên tay là lỉnh kỉnh đồ đạc: nào giỏ, nào phích nước, túi nọ túi kia… Vật vã với những cơn đau, thi thoảng em lại nhận được đồ ăn chị gửi: vài bịch sữa, cốc nước ép hoa quả, cái bánh mì… kèm theo những dòng tin nhắn: "Cố mà ăn cho có sức. Sắp được gặp con rồi, em phải gắng lên…". Nhìn qua ô cửa, nắng như lửa đốt, ngoài cái hành lang chật hẹp, chị vẫn chen chúc giữa đám người đông đúc, quá giờ trưa cũng chẳng dám đi ăn, ngồi ngóng tin mẹ con em. Cố lắm để không làm một người mẹ yếu đuối, nhưng em đã khóc.

Em vượt cạn thành công. Đón con em lại là chị. Bón cho con em những thìa sữa đầu tiên cũng là chị. Túc trực bên em, chăm sóc em sau những giờ em vật lộn với những cơn đau vẫn là chị.

- Sao chị lại đối xử tốt với em thế?

Em hỏi trong hai hàng nước mắt. Chị cười, mắng: "Mới sinh, nói ít thôi kẻo sau này nói nhịu đấy. Cũng là cảnh làm dâu, chị em không thương nhau thì mong ai thương mình".

Mắt rơm rớm, em ngại ngần không dám nhìn chị vì lâu nay em cứ nghĩ chị em dâu chỉ như bầu nước lã. Từ đó, em không dè chừng với chị nữa mà sống cởi mở, thật lòng. Nghe chị kể em mới biết, để có được một vị trí trong gia đình chồng với chị cũng chẳng dễ dàng gì. Quan hệ của em với gia đình chồng chưa được cải thiện mấy, nhưng em cảm nhận được tình thân và có được niềm tin từ chị.

Sáng qua, hai chị em rủ nhau đi chợ mua vải may áo dài. Cô bán hàng nhìn hai chị em tíu tít chuyện trò, tò mò hỏi:

- Chị em gái à?

- Không, chúng cháu chị em dâu - chị đáp.

Cô bán hàng vội đỡ lời:

- Nom hai chị em ríu rít, tôi cứ ngỡ là chị em ruột.

Em nhìn sang chị bắt gặp một nụ cười thật hiền nở trên gương mặt trái xoan.

 Thu Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI