Chị em “cùng cha khác mẹ” có thương nhau?

27/03/2020 - 06:09

PNO - Khi con trai lớn lên và hỏi ba về chị gái, thì em phải nói sao cho con hiểu mà không ảnh hưởng đến tâm lý của các con?

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Xin chị tư vấn giúp em một vấn đề của gia đình, mà em đang không biết phải làm sao. Số là em đã ly hôn và có một con gái mười tuổi. Con em hiện đang sống với mẹ ở nước ngoài. Cháu học bên đó và thường xuyên về thăm bà ngoại vào dịp hè và tết dương lịch. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em hiện tại đã đi bước nữa và có một cháu trai hai tuổi. Khi con gái về nghỉ hè, em có dẫn con gái sang chơi với gia đình em. Cô bé cũng rất thích em bé và cũng hiểu được là ba đã có con riêng. Nhưng con trai em còn quá nhỏ, chưa hiểu hết. Không biết sau này khi con trai lớn lên và hỏi ba về chị gái, thì em phải nói sao cho con hiểu mà không ảnh hưởng đến tâm lý của các con?  

Em biết là còn sớm để tìm hiểu điều đó, nhưng em cũng muốn chuẩn bị tâm lý để giải thích. Mong chị giúp em cách nào để hòa hợp được tâm lý của cả hai con nhỏ, để chị em tụi nó cũng hiểu nhau và thương nhau. 

Em Đức

Em Đức thân mến, 

Em quả là một người cha có trách nhiệm và lo xa. Chuẩn bị sẵn tâm lý cho mình và cho con là điều rất cần thiết. 

Thật ra con trẻ bây giờ khôn sớm; nhiều đứa trẻ đi học và nhìn thấy nhiều hoàn cảnh gia đình ly tán, đến mức xem mọi chuyện trở nên bình thường. Mà thật ra, trong đời sống hiện nay, chuyện ly hôn đã không còn quá kinh hãi, nếu trường hợp cha mẹ các cháu biết cách cư xử với nhau sau ly hôn.

Bình tĩnh giải thích cho con cái mọi điều theo cách nhìn của con trẻ. Kiểu như: “Con thấy trong lớp con có bạn này chơi với bạn kia, rồi giận nhau không chơi nữa, vì một lý do gì đó hay vì sở thích khác nhau. Rồi mỗi người sẽ kết bạn mới…”. 

Nếu các cháu lớn hơn vào độ tuổi có thể hiểu được mâu thuẫn gia đình, thì em nên chọn cách giải thích thẳng thắn, đúng sự thật là tốt nhất. Ba và mẹ của chị từng là một gia đình. Sau đó ba và mẹ của chị đã chia tay nhau vì lý do a, b, c nào đó mà bạn nên chọn lựa lý do nhẹ nhàng và... văn minh nhất.

Hãy nói cho cháu biết rằng dù không sống cùng nhau, nhưng chị vẫn là con của ba, và con với chị là chị em ruột. Chị yêu quý con nên mẹ chị mới đồng ý cho chị về thăm con...

Có khá nhiều cách giải thích khác nhau, nhưng còn phải tùy lứa tuổi của các cháu để lựa chọn cách nói sao cho dễ hiểu, dễ chấp nhận nhất với nhận thức của các cháu. Ngoài ra, thái độ, tình cảm của người lớn cũng tác động không nhỏ đến cảm nhận của các cháu. Khi chính cha mẹ coi đó là điều tốt đẹp và bình thường, thì các cháu sẽ nhìn nhận mọi việc y như thế.

Điều quan trọng là hiện nay anh hãy cố gắng gầy dựng tình cảm chị em của các cháu cho thật gắn bó, yêu thương, tương trợ lẫn nhau. Khi đó thì dù việc giải thích có như thế nào chăng nữa, các cháu cũng hiểu và chấp nhận dễ dàng.

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gởi về:
(hanhdung@baophunu.org.vn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI