Chị em chỉ mong được đánh giá, nhìn nhận đúng

28/10/2019 - 12:00

PNO - Để có nhiều nữ lãnh đạo, nữ lãnh đạo giỏi, chị em không mong được “ưu tiên”, “tạo điều kiện” hay “phấn đấu đạt tỷ lệ”, mà chỉ mong được đánh giá, nhìn nhận đúng!

Thiếu cả điều kiện lẫn cơ hội

“Vận động viên (VĐV) nữ khi đang làm nhiệm vụ rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện về sức khỏe, thể trạng. Giai đoạn này, chúng tôi thiếu sự giao lưu tiếp xúc ngoài xã hội. Rồi đến khi hết tuổi nghề, nhiều chị em bơ vơ tự chống chọi giữa đời. Thiết nghĩ, rất cần một cơ chế để giúp chúng tôi có thể tiếp tục mưu sinh bằng hoạt động thể dục thể thao” - cựu VĐV đội tuyển bóng đá nữ Lưu Ngọc Mai, người từng hai lần vô địch Sea games - chia sẻ tại buổi đối thoại giữa các nữ huấn luyện viên (HLV), VĐV với lãnh đạo Q.5. Tâm trạng của chị cũng là tâm tư của nhiều chị em. 

Chị Lê Thị Vui - cựu VĐV bóng đá, hiện là giáo viên thể dục trường Nguyễn Viết Xuân - cho biết, trong tập luyện và thi đấu nếu xảy ra trường hợp chấn thương thì không có chế độ đãi ngộ nào, chi phí thường do các nhà hảo tâm đóng góp. Thậm chí, chế độ lễ tết của một số VĐV cũng không có. 

Chi em chi mong duoc danh gia, nhin nhan dung

Một cuộc đối thoại về cơ hội phát huy tiền năng của nữ giới với chính quyền về 

 

Cựu VĐV Trương Thanh Tuyền, hiện là HLV bóng bàn, cho rằng khi lựa chọn nghiệp thể thao, nhiều chị không được sự ủng hộ từ gia đình, vì gia đình sợ “sự lựa chọn” ấy sẽ ảnh hưởng đến việc học tập, tâm sinh lý, chấn thương. Sau khi cống hiến hết tuổi thanh xuân thì tình duyên thường đã quá muộn, nhiều người không có gia đình, hạnh phúc riêng.  

HLV Lâm Thị Thanh Phong - cựu VĐV bơi lội - cũng cho rằng, sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu, nhiều đồng đội của chị không có công việc ổn định. Vì thế, VĐV Ngô Mỹ Giang, huy chương vàng bộ môn Muay tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2018, kiến nghị cơ chế cho nữ VĐV sau khi giải nghệ được học nghề hoặc theo ngành nghề mà các chị có nhu cầu. 

Theo bà Trần Thị Thu Hương - Chủ tịch Hội LHPN Q.5, thực tế đã chứng minh, phụ nữ tham gia thể thao là chịu nhiều thiệt thòi. Giai đoạn tập luyện để đạt đến đỉnh cao là giai đoạn tươi đẹp nhất của đời người phụ nữ, tức là họ đã cống hiến thời son trẻ.

Không những phải tập luyện, thi đấu xa nhà mà khi lập gia đình, đâu đó vẫn còn tồn tại những cái nhìn thiếu thiện cảm, xem thường đối với các VĐV nữ. Rõ nhất là giá trị khi tham gia quảng bá hình ảnh hay tiền thưởng của các VĐV nữ thường thấp hơn các VĐV nam. Những đãi ngộ mà các chị được nhận không xứng với những gì cống hiến. 

Chỉ mong được đánh giá, nhìn nhận đúng

Thông tin tại cuộc đối thoại giữa 180 nữ cán bộ chủ chốt, nữ cán bộ diện quy hoạch với lãnh đạo Q.7 cho biết, đến nay quận có 79 nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong 203 người, chiếm 38.92%, hơn 8% so với năm 2015. Tỷ lệ này là đạt yêu cầu so với chỉ tiêu đề ra: đến đầu năm 2020, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 30%. 100% các chị đều đạt trình độ đại học và trung cấp chính trị trở lên. 

Tuy nhiên, để đạt và đảm bảo tỷ lệ nữ ở các chức danh lãnh đạo, quản lý là cả một nỗ lực từ nhiều phía, đó không chỉ là cơ chế, chính sách đối với lao động nữ mà ngay ở mỗi chị em cũng phải có sự tự chuẩn bị cho mình để có thể nắm bắt tốt công việc khi có cơ hội.

Chi em chi mong duoc danh gia, nhin nhan dung
Các huấn luyện viên, vận động viên đối thoại với lãnh đạo Q.5

Thực tế cho thấy, bước đầu làm “bà hội đồng”, bước đầu vào cấp ủy, nhiều nữ cán bộ đã rất lúng túng, thậm chí còn ngại ngùng. Chị Lê Nguyễn Thanh Phương - Chủ tịch Hội LHPN P.Tân Hưng, Q.7 - kể: “Khi mới đảm đương chức vụ, tôi rất ngại, một số kiến nghị của hội viên thuộc cơ chế, chính sách, hoặc những điều tôi chưa nắm rõ, tôi rất lúng túng. Ý kiến góp ý sai, tôi không biết phản bác. Thậm chí những vấn đề mình thay mặt chị em kiến nghị lên cấp trên, mình cũng không biết theo sát để có phản hồi cho dân”.

Ông Lê Văn Thành - Phó chủ tịch UBND Q.7 - cho biết, để đảm bảo tỷ lệ nữ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt ở các cấp ủy, các ngành chức năng, bên cạnh việc bố trí, tạo điều kiện, quận còn có nhiều kênh để lắng nghe, tháo gỡ các khó khăn cho chị em như lùi giờ chào cờ đầu tuần, cho các chị có con nhỏ về sớm 30 phút mỗi ngày; cơ hội đi học, đề bạt đều niêm yết công khai… 

Tuy nhiên, để có nhiều nữ lãnh đạo, nữ lãnh đạo giỏi, vấn đề không chỉ là “công khai”, “ưu tiên”, “tạo điều kiện” hay “phấn đấu đạt tỷ lệ”, bởi lẽ cứ như thế có thể sẽ giúp đạt tỷ lệ nhưng không hẳn đã có những nữ cán bộ thật sự xuất sắc như mong đợi. Trong khi, nói như ông Trương Văn Thủ - Bí thư Đảng ủy P.Tân Thuận Tây, Q.7, “người dân họ không đòi hỏi giới tính của người lãnh đạo mà cần nhất là năng lực và cái tâm của chúng ta”. 

Vị trí của người lãnh đạo là rất quan trọng, nó sẽ ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến cấp dưới và dân chúng, cho nên các chị cũng không mong được “ưu ái” mà chỉ mong được đánh giá, nhìn nhận đúng. 

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI