PNO - Đưa tay vốc những hạt gạo trắng tinh trộn lẫn những hạt đậu phộng đã hấp chín để làm cơm lam, chị Thị Mương mỉm cười: “Giúp được chị em chuyện gì cũng thấy vui vẻ cả”.
Năm 1997, Hội LHPN xã Thanh An (H.Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) vận động chị Thị Mương, sinh năm 1966, làm Chi hội trưởng phụ nữ ấp Bù Dinh. Lúc ấy, chị Mương đã có hai con, sống cùng bố mẹ đã lớn tuổi, mù lòa, đau bệnh, gia cảnh rất khó khăn. Như bao người dân S’tiêng, nhà chị Mương có khá nhiều đất. Làm lụng vất vả quanh năm, nhưng thiếu kỹ thuật canh tác nên thu hoạch chẳng được bao. Vì thế, chị Mương muốn vào Hội để được học hỏi thêm kinh nghiệm tổ chức cuộc sống, trồng trọt và chăn nuôi để phát triển kinh tế cho chính gia đình mình. Với những đồng vốn ban đầu và những bài học phát triển kinh tế gia đình mà Hội đem lại, chị Mương đã dần thay đổi được cuộc sống của mình.
Vợ chồng chị Thị Mương cùng làm cơm lam, nướng heo đãi khách, kể chuyện làm việc Hội
Ấp Bù Dinh hơn 25 năm trước có gần 90% hộ đói nghèo và không có đường đi. Để đến được nhà chị em vận động tham gia sinh hoạt Hội hay tuyên truyền nội dung gì đó, chị Mương phải luồn lách qua các vườn điều, rẫy bắp. “Có lần đi vận động kế hoạch hóa gia đình xa quá, nước suối dâng cao không qua được, tôi phải gọi chồng ra giúp. Chồng bảo, làm cán bộ chi mà cực vậy? Tôi bảo, mình sinh có hai đứa con mà nuôi dạy rất mệt, chị em con cái nheo nhóc mà còn chưa biết dừng nên phải giúp họ thôi mà. Sau này, khi làm gì cho chị em tôi cũng rủ chồng theo, hoặc kể lại với anh để anh ủng hộ…” - chị Mương trò chuyện. Về sau, khi đã hiểu công việc của vợ, anh Điểu Nhinh (thường gọi là anh Út) - chồng chị Mương - đã choàng gánh việc nhà cho vợ nhiều hơn để chị có thể đi giúp cộng đồng.
Nhờ được học hỏi, anh chị đã ứng dụng công nghệ vào việc làm nương rẫy của gia đình và gặt hái được nhiều vụ bội thu. Từ những mảnh ruộng cha mẹ cho ban đầu, anh chị đã ăn nên, làm ra, tích lũy và mở rộng thêm nhiều đất đai. Đến nay, gia đình họ có 3,2ha cao su, 3ha điều, 3ha ruộng, 8 sào hồ tiêu, ô tô, máy công nông, máy xay lúa, trâu bò… Với chị em trong chi hội, chị Mương luôn giảm giá khi xay lúa. Chị cũng vận động chị em để lại một nắm gạo mỗi bữa nấu cơm để hỗ trợ người nghèo.
Chi hội Phụ nữ ấp Bù Dinh, dưới sự điều hành khéo léo của chị Mương, chi hội đã xây dựng được nguồn vốn xoay vòng để hỗ trợ chị em phát triển kinh tế. Gần 50 hội viên đã được chi hội hỗ trợ vốn, trong đó nhiều hộ được vay đến 50 triệu đồng.
Nhắc đến những thành tích của chi hội, chị Mương bảo: “Được như vậy là nhờ chị em mình… sinh ít con. Khi mỗi nhà chỉ có 1 - 2 con thì gánh nặng kinh tế không còn nhiều, các chị sẽ tham gia sinh hoạt Hội nhiều hơn. Hiện chi hội có hơn 140 hội viên, chiếm hơn 65% số phụ nữ trong độ tuổi trên địa bàn. Tham gia sinh hoạt Hội, các chị được học các bí quyết gìn giữ gia đình, nuôi dạy con, cùng bàn nhau gìn giữ các nghề truyền thống như đan tre, dệt thổ cẩm và góp mặt vào các hoạt động văn hóa văn nghệ ở địa phương”.
Tôi làm tất cả là vì đồng bào S'tiêng của mình
Với 25 năm công tác Hội, chị Thị Mương đã nhận được hàng trăm giấy khen, bằng khen từ ấp đến cấp Trung ương. Năm 2017, chị vinh dự được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam tự tin - tiến bước”. Năm 2018, chị vinh dự cùng đoàn đại biểu tỉnh Bình Phước tham dự hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến làm theo lời Bác và được mời giao lưu tại Thủ đô Hà Nội nhân kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018). Năm 2022, chị được UBND tỉnh Bình Phước tuyên dương điển hình nông dân dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi. Nhưng với chị, hạnh phúc chính là được dấn thân vì cộng đồng S’tiêng.
Để giúp đồng bào, vợ chồng và cả hai con chị không “giấu nghề” ở bất cứ lĩnh vực nào. Nhà có ô tô, máy cày, thanh niên ở ấp ai muốn học lái anh Út và con trai sẵn lòng chỉ dạy. Bí quyết nuôi, trồng, ai cần chị hướng dẫn ngay. Tại chi hội, chị lập các nhóm dệt thổ cẩm, nhóm múa, cồng chiêng, vận động phụ nữ, trẻ em và nam giới cùng tham gia. Các nhóm đều có từ 10 - 30 thành viên sinh hoạt. Chị tâm sự: “Tôi thấy người dân ngày càng ít múa hát các bài truyền thống, nhất là lớp thanh niên, nên tôi tập hợp những người lớn tuổi, có đam mê, rồi mua cồng chiêng về, động viên họ kiên trì tập luyện. Tới nay, ấp đã có nhóm múa riêng. Ngoài cồng chiêng, các anh chị còn múa được những điệu khó, đòi hỏi sự rèn luyện lâu dài như múa mời rượu, múa quắp cành hoa, cò bắt thức ăn… Múa, hát, dệt thổ cẩm chính là cách mà họ cùng nhau gìn giữ văn hóa của dân tộc S’tiêng”.
Chị Đặng Thị Kim Tuyến - Chủ tịch Hội Nông dân H.Hớn Quản, nguyên là Chủ tịch Hội LHPN huyện - tự hào về người chi hội trưởng phụ nữ ấp Bù Dinh. Chị Tuyến nói: “Ở xã Thanh An, từ già đến trẻ ai cũng biết gia đình chị Mương. Bất kể đêm ngày, cứ có việc là người dân lại chạy đến đập cửa nhà chị, nhờ trợ giúp. Thời làm công tác Hội Phụ nữ cho đến lúc chuyển qua Hội Nông dân, tôi cần triển khai cái gì đến dân đều níu áo chị Mương, mọi việc sau đó đều đến nơi, đến chốn. Kế hoạch hóa gia đình với đồng bào dân tộc những năm 1990 khó là vậy mà chị Mương vẫn vận động được 50 phụ nữ cùng nam giới đi triệt sản sau khi sinh con thứ hai. Chuyện bón phân, xịt thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ cũng chấm dứt khi chị Mương lên tiếng”.
Chị Mương nói: “Tôi làm tất cả là vì đồng bào S’tiêng mình. Chị em ấm no, tiến bộ, hạnh phúc là tôi vui và hạnh phúc. Tôi chỉ mong hết phải đi hòa giải hôn nhân, hết phải lo xoay vòng vốn… để cùng chị em nấu cơm lam, đánh cồng chiêng và múa hát cho con cháu mình học hỏi, giữ gìn”.
Ngày 10/12, quận Tân Bình phối hợp với Ban quản trị chung cư K300, Phòng VH-TT Tân Bình khánh thành khuôn viên hoạt động văn hóa, thể dục thể thao ngoài trời.