Chỉ đường cho hươu...: Vì sao con phải hoàn thành ước mơ của ba?

26/06/2023 - 18:10

PNO - Con thích học mỹ thuật, “đề đạt nguyện vọng” mấy lần mà ba vẫn ép con phải học kiến trúc.

Ba con có tuổi thơ vất vả, thiệt thòi nên gắng sức bù đắp cho con, mong con ăn học thành tài. Mọi hành động, suy nghĩ của ba đều nhằm về 1 hướng: con được học ngành kiến trúc để sau này ra trường có công ăn việc làm ổn định, kinh tế khá giả và nhất là làm trọn giấc mơ của ba (ba con chỉ dừng lại ở mức là người thợ xây dựng khéo tay vì không có điều kiện học lên).

Trước giờ con thích học mỹ thuật, “đề đạt nguyện vọng” mấy lần mà ba vẫn ép con phải yêu thích thứ con không hứng thú. 

Đinh Minh Q. (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock


Lúc chuẩn bị đón đứa con chào đời, mối lo lắng duy nhất của người sắp làm cha mẹ có lẽ chỉ là sao cho "mẹ tròn con vuông": không bị sinh non, tai biến, con không bị tật nguyền… bởi ước mơ lúc đầu của các bậc cha mẹ rất đỗi bình thường nhưng đôi khi không đạt được. Những tháng ngày tiếp theo, cha mẹ nào cũng mong con “3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi”. Con biết đi thì mong con mau biết chạy. Con biết chạy lại mong con sớm biết chuyện trò…

Khi con đi học là lúc cha mẹ bắt đầu những ước mơ khác. Hầu hết các bậc cha mẹ trước đây trưởng thành trong xã hội truyền thống của Việt Nam coi học hành đỗ đạt là thước đo sự thành công của con người và phúc ấm của dòng họ. Càng đặt nhiều kỳ vọng vào con, cha mẹ lại càng lo thêm, càng tạo áp lực cho con.

Trước ngưỡng cửa chọn ngành học có tính chất quyết định cho tương lai sau này của con cái, sự hỗ trợ, đồng hành của cha mẹ là rất cần thiết khi các con chưa đủ kinh nghiệm sống và sự chín chắn để chọn cho mình hướng đi đúng. Tuy vậy, cha mẹ không nên đặt ước mơ của mình lên vai con cái mà quên đi hoài bão của con. 

Sự gần gũi, sẻ chia và đồng cảm của cha mẹ có thể giúp con đi đến quyết định đúng đắn nhưng những suy nghĩ chủ quan, không quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của con cái khiến cha mẹ vô tình trở thành người “đánh cắp ước mơ” của con. Kỳ vọng của cha mẹ đặt vào con cái nhiều khi là những ước mơ không thành của cha mẹ. Brad Bushman - giáo sư tâm lý Đại học bang Ohio (Mỹ) - nhận xét: “Một số cha mẹ nhìn con cái như những phiên bản nối dài của mình, thay vì đó là những cá thể độc lập có những hy vọng và giấc mơ của riêng chúng. Những cha mẹ này thường muốn con cái thực hiện những giấc mơ họ chưa hoàn thành”.

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

 

Việc cha mẹ cố thực hiện ước mơ dang dở thông qua con cái có thể làm suy yếu tính tự chủ của con, gây ra áp lực thành công ở con. Con cái luôn phải thực hiện ý muốn của cha mẹ một cách miễn cưỡng, vô điều kiện sẽ bỏ đi giấc mơ, đam mê của mình. Cha mẹ nào cũng khẳng định mình rất yêu thương và luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con nhưng nhiều người lại tước đi quyền quyết định cuộc đời của con. Vậy là con phải sống nốt phần đời chưa trọn của cha mẹ. Những ước muốn và hoài bão của con chắc lại phải dành cho đời sau.

Để tránh tình trạng cha mẹ và con cái "không nhìn về 1 hướng", cháu cần mạnh dạn thưa chuyện với ba rằng nếu con cố gắng vào được ngành học mà ba mong ước thì:

- Với gia đình, con đã “thành công” vì làm tròn nghĩa vụ với cha mẹ.

- Với bản thân, con lại cảm nhận rằng mình là người thất bại vì chẳng thể theo đuổi công việc mình say mê nên mỗi ngày đi học không còn là 1 ngày vui.

Từ đó, cháu thay đổi cách truyền đạt nguyện vọng với ba, chẳng hạn lựa lời “xin ba trao cho con quyền lựa chọn để con có trách nhiệm với quyết định của chính mình; nếu lần này chưa đạt được, hãy cho con thử thách thêm lần nữa”. 

Bác sĩ HOA TIÊU

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI