Chỉ đường cho hươu... “Tình phí" tính sao cho vừa?

19/12/2023 - 14:18

PNO - “Tình phí chia sao cho ổn?” luôn là vấn đề gây tranh cãi.

Con có người yêu được gần 1 năm, cả hai hiện là sinh viên. Ở bên anh, con cảm thấy an toàn và được chở che. Không ngờ nhân vật thứ ba làm tình yêu của chúng con gặp rắc rối không phải là cô gái nào đó mà xuất phát từ 1 điều tế nhị: tiền nong. Mọi chi tiêu khi đi chung, dù lớn dù nhỏ, ngay cả ăn chung cây kem, anh đều dùng phương thức 50:50.

Ban đầu, con khá thoải mái trước sự sòng phẳng của anh vì nghĩ cả hai đang là sinh viên đều eo hẹp về tài chính nên việc “cưa đôi” là hợp lý. Về sau, con cảm thấy khó chịu bởi nhận thấy anh quá sòng phẳng, quá chi li và niềm vui của con khi đi ăn uống chung với anh thường bị gián đoạn bởi việc chia tiền.

Con phải tính sao để giữ được tình yêu mà không cảm thấy khó chịu?

Một sinh viên năm nhất 
(Trường đại học Khoa học tự nhiên, TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chuyện tiền bạc khá nhạy cảm trong tình yêu đôi lứa. Giới trẻ thường gọi vui những chi phí trong thời kỳ tìm hiểu, hẹn hò, yêu đương là “tình phí”. Khi nhắc đến chủ đề này, câu hỏi: “Tình phí chia sao cho ổn?” luôn là vấn đề gây tranh cãi. 

Nhiều ý kiến cho rằng khi yêu đừng tính toán chuyện tiền nong; ai trả tiền, ai trả nhiều/ít hơn không quan trọng, cái chính là 2 người có thật lòng yêu thương nhau không. Số đông mặc định rằng người chi trả cho các cuộc gặp mặt nên là con trai, vừa thể hiện sự lịch thiệp của trang nam nhi vừa gây ấn tượng cho bạn gái về “tiềm lực” bản thân.

Các bạn gái thường dựa vào đó để đánh giá đối tượng là người hào phóng hay hà tiện ngay từ buổi gặp mặt đầu tiên. Chính phái mày râu cũng cho rằng người con gái bỏ thời gian đi gặp mình thì mình bỏ tiền khi hẹn hò là công bằng; nếu cô ấy chủ động “hùn tiền” thì cảm thấy hay hay, nếu không thì cũng chẳng đòi hỏi. Có người ra sức chinh phục đối phương bằng mọi giá, kể cả thể hiện cao hơn thực chất để đến khi không đạt được mục đích thì sẵn sàng “chia tay đòi quà”… 

Đứng trước ngưỡng cửa tình yêu, ngoài lắng nghe tiếng gọi của con tim, đôi trai gái thường quan sát ngoại hình, học thức, gia thế, điều kiện kinh tế… để quyết định đi tiếp hay dừng lại. Tùy quan điểm của từng người, việc cặp đôi chia “tình phí” sẽ là điểm cộng khi cân nhắc việc gắn bó lâu dài hoặc đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ.

Thời nay, nhiều cặp ủng hộ việc “chia hóa đơn” trong tình yêu, miễn là tính tỉ lệ sao cho cả hai cảm thấy thoải mái và vui vẻ nhất. Người yêu cháu đang áp dụng phương thức 50:50. Mặt tích cực là bạn ấy có vẻ thuộc kiểu người biết lo toan, không hoang phí, không dựa dẫm vào bạn gái. Nhược điểm là cách thực hiện “cứng” quá, làm mất đi sự lãng mạn. 

Cháu có thể tạo ra những chuyển biến tích cực cho người yêu bằng cách cùng anh “chia ngọt sẻ bùi” mọi chuyện nhưng không nhất thiết phải “cưa đôi” mọi thứ. Thỉnh thoảng, 2 bên tặng nhau những món đồ nho nhỏ, đỡ đần nhau mỗi khi thiếu thốn. Cháu có thể khuyến khích người yêu chủ động thanh toán rồi cháu tự chuyển khoản một nửa sau khi về nhà kèm những lời nhắn yêu thương hoặc có thể chia sẻ bằng cách mời bạn trai đi cà phê sau bữa ăn.

Đi xem phim/ca nhạc cũng vậy, nếu anh trả tiền vé vào rạp, cháu có thể thanh toán chi phí ăn uống. Hãy luôn khéo léo san bớt gánh nặng tài chính cho bạn trai, hẹn hò tiết kiệm để giảm áp lực “tình phí” lạm chi vào tiền học, xăng xe, ăn uống và chi phí sinh hoạt của đời sinh viên.

Cháu cần trang bị thêm kiến thức về quản lý, cách ứng xử và sự trân trọng với tiền bạc. Một cô gái hiểu biết sẽ không chê người nghèo tiền bạc, chỉ không ưng người nghèo chí tiến thủ. Nếu người yêu đang có tài chính eo hẹp nhưng sống có ý chí, luôn muốn phát triển bản thân, không ngừng vươn lên thì đó là chàng trai đáng quý và hấp dẫn.

Nếu ngoài sự tính toán, chi li rạch ròi các khoản ăn uống, chi tiêu khi yêu nhau, bạn trai cháu không còn ưu điểm nào khác thì cháu nên cân nhắc và tham khảo ý kiến gia đình.

Bác sĩ HOA TIÊU

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI