Chỉ đường cho hươu: “Tay trao” sao cho đẹp?

11/12/2024 - 06:11

PNO - Với người quan trọng hoặc thân thiết thì ba mẹ con đưa phong bì dày, với người nhỏ hoặc quen sơ thì đưa phong bì mỏng...

Ba mẹ con dạy rằng biếu tặng là một nghi thức giao tiếp phổ biến hiện nay, là hoạt động giao lưu xã hội vừa mang tính vật chất vừa mang tính tinh thần; tục lệ tặng quà được coi là một văn hóa ứng xử đẹp, không chỉ để thể hiện tình cảm mà còn trở thành chất xúc tác tuyệt vời nhằm gắn kết, gìn giữ các mối quan hệ thêm bền chặt. Vậy mà chính ba mẹ con lại hay mắc sai lầm là thường xuyên tặng quà theo kiểu “lì xì”, nghĩa là với người quan trọng hoặc thân thiết thì đưa phong bì dày, với người nhỏ hoặc quen sơ thì đưa phong bì mỏng, với người làm thì khỏi cần phong bì, cứ đưa thẳng tiền mặt.

Riêng con vẫn thích nhận những món quà mà người tặng tự làm hoặc mua đúng với ý thích của con. Điều đó làm con bất ngờ, vui sướng và nhớ mãi. Ba mẹ nói con suy nghĩ không sai nhưng biếu tiền mới là thực tế, vấn đề là “món quà đẹp bởi tay trao”, mình đưa tiền sao cho lịch sự là được.

Ba mẹ con có nên tặng tiền cho thầy cô vào dịp lễ, tết không ạ? Và nếu có thì tặng thế nào sao cho tinh tế?

Một học sinh lớp Chín
(quận Tân Phú, TPHCM)

Ảnh minh họa - Shutterstock
Truyền thống văn hóa của người Việt vốn trọng tình trọng nghĩa, việc biếu tặng đã trở thành tập quán, đạo lý trong nếp sống và được học ngay từ trong gia đình. Người tặng phải chân thành và tinh tế, kẻo “của biếu là của lo, của cho là của nợ”, bởi “quà cáp hậu hĩ cũng trở thành tồi tàn khi người biếu nó tỏ ra không tử tế” (Shakespeare).

Có 3 hoàn cảnh tặng quà và mục đích của người tặng:

- Quà biểu cảm nhằm biểu lộ tình cảm với người nhận. Loại quà này thường được trao tặng không nhân dịp nào, không hàm chỉ sự mong đợi “lại quả” và không tạo ra nghĩa vụ cho người nhận.

- Quà nhân dịp được tặng trong một dịp đặc biệt nào đó, chẳng hạn sinh nhật, đám cưới, Giáng sinh, tân gia, ngày kỷ niệm, lễ tết hay các ngày lễ tôn vinh nghề nghiệp…

- Quà hàm ẩn thay lời muốn nói: hoa hồng tượng trưng cho tình yêu; màu đỏ mừng khai trương hồng phát, cỏ 4 lá tượng trưng cho may mắn…

Thực tế hiện nay có xu hướng tặng quà thiết thực mang giá trị sử dụng, nhiều người quan niệm dùng phong bì thay thế quà tặng để thuận tiện cho cả đôi bên thay vì tặng những lẵng hoa/giỏ hoa cầu kỳ, mắc tiền mà chỉ sau vài hôm đã thành rác. Với tiền, người tặng không mất thời gian suy nghĩ, đoán ý, cân nhắc, lặn lội đi mua mà đôi khi lại không đúng ý người được tặng; người nhận được tự chọn mua món đồ theo sở thích.

Thế nhưng, nếu văn hóa “phong bì” được thúc đẩy, e rằng con người mất dần sự đầu tư vào món quà cũng như mối quan hệ. Người ta dễ tặc lưỡi tặng sao cũng được, miễn “nhiều tờ”, “mệnh giá cao”, “ngoại tệ”. Tiền lì xì trong những trường hợp ấy chỉ còn mang tính chất xã giao, trong khi việc mình suy nghĩ, chọn mua đồ cho người mình muốn tặng chính là quá trình tìm hiểu sâu thêm về người ấy, bộc lộ những cảm xúc, tình cảm mà đôi khi vật chất không bì được.

Cháu hỏi ba mẹ cháu có nên biếu tiền thầy cô nhân dịp lễ, tết, theo bác sĩ Hoa Tiêu là rất nên. Nếu ngại đưa phong bì, phụ huynh có thể gửi thiệp kèm thẻ quà tặng hoặc dùng số tiền ấy mua quà. Có một số món quà thiết thực và ý nghĩa để phụ huynh tham khảo: dành tặng thầy giáo cà vạt sắc trung tính, không nhiều họa tiết, tôn lên sự nghiêm túc, trang trọng và lịch lãm, áo sơ mi đơn sắc (trắng, xanh nhạt, xanh đen...) hoặc có họa tiết đơn giản tùy theo sở thích, độ tuổi của thầy; dành tặng cô vải may áo dài, khăn choàng, túi xách, mỹ phẩm… kèm tấm thiệp cháu tự làm và nắn nót viết lời chúc.

Cháu nhớ trao quà bằng 2 tay với thái độ lễ phép. Như vậy, người nhận mới cảm thấy hạnh phúc. Điều đó thể hiện cháu thực sự là người có văn hóa, đồng thời cho thấy cháu trân trọng tình cảm này; biết ơn thầy cô đã dạy dỗ, quan tâm và chăm sóc. Đây nên là ý đầu tiên cháu nói khi trao quà. Đừng quên rằng việc chuyên cần học tập và sự tiến bộ của cháu mới là món quà khiến thầy cô và nhà trường vui nhất.

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI