Chỉ đường cho hươu: Sống sao khi cha vướng lao lý?

25/08/2023 - 10:26

PNO - Cảnh sát đến đọc lệnh khám nhà và giải ba con đi vì liên quan đến 1 vụ đại án. Chỉ sau 1 đêm, nhịp sống của cả nhà bị đảo lộn, tê liệt.

Chị em con rất thần tượng cha mình, nhất là em trai con luôn coi ba là bậc trượng phu văn võ song toàn. Ngày cảnh sát đến đọc lệnh khám nhà và giải ba con đi vì liên quan đến 1 vụ đại án, em con chạy đến ôm chân mấy chú công an không cho đi, khóc lóc: “Đừng bắt ba con”. Chỉ sau 1 đêm, nhịp sống của cả nhà bị đảo lộn, tê liệt.

Chúng con đi học trong ánh nhìn mỉa mai và những câu nguyền rủa của láng giềng, bạn học, người dưng. Mẹ con và những người ruột thịt lao đi tìm cách cứu ba, chẳng ai đủ tâm sức chú ý đến chị em con. Em trai con một mực tin ba vô tội và sẵn sàng lao vào ẩu đả để bảo vệ danh dự gia đình…

Một nữ sinh lớp Mười hai (TP Hà Nội)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Cha mẹ vướng vòng lao lý là một trong những biến cố đột ngột và khủng khiếp xảy ra với cuộc đời một đứa trẻ. Nó phá vỡ nếp nhà bình yên, chôn vùi niềm tự hào về gia đình, khiến trẻ phải sống trong mặc cảm nhục nhã, bị bạn bè xa lánh.

Trẻ có thể sẽ bị bỏ rơi, xao nhãng khi người lớn trong nhà chìm vào rắc rối và nỗi đau riêng.

Con cái của các bậc cha mẹ bị giam giữ phải đối mặt với nhiều tai tiếng, bất lợi. Mỗi đứa trẻ sẽ có những phản ứng khác nhau nhưng những nghiên cứu chỉ ra rằng việc cha mẹ bị tù tội gây ra một số mối đe dọa đối với tình cảm, thể chất, giáo dục, khó khăn về tiền bạc… cho con cái.

Nếu cha mẹ là chỗ dựa vững chắc trong cuộc sống của đứa trẻ, sự gián đoạn của mối quan hệ cha mẹ với con cái sẽ dẫn đến/làm trầm trọng thêm yếu tố nguy cơ nói trên.

Ở mỗi lứa tuổi, trẻ chịu tác động khác nhau. Trẻ nhỏ lo lắng, sợ bị bỏ rơi, sợ không ai nuôi mình, trở nên khép kín… Trẻ vị thành niên có thể cảm thấy ghê sợ, tức giận, xa lánh, oán hận sâu sắc người cha/mẹ bị kết án hoặc cũng có thể lòng yêu kính với cha/mẹ không hề thay đổi, bất chấp những gì họ đã làm.

Trẻ gồng lên để chứng tỏ mình mạnh mẽ, trưởng thành. Đến một lúc nào đó, “nồi áp suất” phát nổ, dẫn tới những hành động bốc đồng, khó lường.

Lúc này, cháu phải thay cả cha lẫn mẹ nâng đỡ em mình:

1. Khi cha đi tù, có thể em cháu cảm thấy mình cũng thành người có tội, chịu sự phán xét, “ném đá” của mọi người. Hãy giúp em hiểu rằng cha sai phạm, phải chịu trách nhiệm thi hành án nhưng con cái vẫn xứng đáng được yêu thương, tôn trọng. 

2. Trấn an em về những gì sẽ không thay đổi bằng cách giữ những thói quen, nhịp sống, sinh hoạt hằng ngày sao cho ít bị xáo trộn nhất. 

3. Đừng cố che giấu sự thật với em cháu. Việc cố gắng che đậy thông tin về vụ án chỉ khiến em cháu thêm hoang mang, đau khổ hơn khi không biết đâu là sự thật, nên tin vào ai/điều gì.

Hãy cho em biết thông tin về tình trạng của cha, ngay cả việc liệu có được gặp lại cha nữa không, sắp tới có phải chuyển trường/chuyển nhà, những thay đổi trong thái độ ứng xử của xóm giềng, bạn bè với mình… giúp em có sự chuẩn bị tinh thần để khi sự việc xảy ra đỡ bị sốc.

4. Chị em cháu nên có một chỗ dựa an toàn, tin cậy để bộc lộ, chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ về cha mẹ và sự việc. Đừng ngần ngại tìm sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý.

Mỗi biến cố trong đời đều là một bài học, mỗi hành động đều dẫn đến một kết quả. Có những hành động mà hậu quả phải trả giá bằng cả cuộc đời.

Bác sĩ Hoa Tiêu nhớ câu chuyện về gia đình kia, mẹ mất, cha nghiện ngập, buôn ma túy chịu án tù, 2 anh em phải đi lượm ve chai kiếm sống. Người anh có chút tiền thì tụ tập uống rượu còn người em theo học lớp học tình thương.

Nhiều năm sau, người anh ẩu đả, ngộ sát phải đi tù, người em trở thành nhà văn. Ông chia sẻ: “Nỗi khốn khổ của cha tôi giống một hòn đá nặng đè lên trái tim chúng tôi.

Điều khác biệt là anh tôi cứ để hòn đá đó trên vai mình, vì thế mỗi bước đi của anh ấy đều rất nặng nề. Còn tôi đặt hòn đá đó xuống chân, biến nó thành bậc thang giúp tôi bước lên phía trước”.

Bạn chọn lựa thế nào, bạn sẽ có cuộc đời thế đó.

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI